Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 loại bất động sản đang được nhà đầu tư ngoại săn tìm

Chuyên gia cho rằng các hoạt động M&A bất động sản sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới, đặc biệt với các tài sản phục vụ công nghiệp, văn phòng, khách sạn.

“Chúng tôi dự đoán thị trường M&A sẽ trở nên sôi động chưa từng có từ nay đến năm 2024", ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông, Bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills đang rất bận rộn với nhiều yêu cầu tư vấn từ khách hàng, đặc biệt là bên bán. Các doanh nghiệp bất động sản nội địa đang tìm cách huy động vốn trong thời điểm khó tiếp cận khoản vay từ ngân hàng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore và Đài Loan lại tỏ ra quan tâm đến việc phát triển danh mục đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Những lĩnh vực "hút" vốn ngoại

“Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều chủ tài sản chịu áp lực do lãi suất rất cao. Họ đang tìm cách cơ cấu lại nợ và vốn chủ sở hữu trong các dự án thông qua bán một lượng cổ phần hoặc cổ phần chi phối", ông Neil MacGregor cho biết.

Dù vậy, từ phía người mua, ông cho hay xu hướng M&A được ghi nhận mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngách như trung tâm dữ liệu và kho lạnh.

nha dau tu ngoai anh 1

Các tài sản như trung tâm dữ liệu và kho lạnh ở Việt Nam đang được nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm để mua lại. Ảnh: ABA Cooltrans.

Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu tại Savills APAC cho thấy vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp và logistics đã tăng trưởng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ hai trong khu vực.

Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, đây cũng là loại hình được ưa chuộng thứ hai (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định rót tiền trong năm nay. Với Việt Nam, các chuyên gia của Savills cho rằng còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

"Xu hướng này được thúc đẩy bởi các yếu tố xung quanh Luật An ninh mạng, nhu cầu lưu trữ dữ liệu, sự phát triển của thương mại điện tử và tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam. Hai lĩnh vực gồm trung tâm dữ liệu và kho lạnh sẽ thu hút nhiều sự quan tâm và Savills đang thực hiện một số giao dịch liên quan đến những loại tài sản này", ông Neil MacGregor chia sẻ.

Chủ đầu tư trong nước nên có tầm nhìn dài hạn, tận dụng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết khó khăn về vốn trước mắt, đồng thời tái định vị để tăng trưởng ổn định về sau.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết mối quan tâm của giới đầu tư còn hướng đến những tài sản đang hoạt động như văn phòng và khách sạn.


Vị chuyên gia khuyến nghị các chủ đầu tư trong nước nên có tầm nhìn dài hạn tận dụng sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết những khó khăn về vốn trước mắt, đồng thời tái định vị để tăng trưởng ổn định về sau.

Những thách thức lớn nhất

Tuy nhiên, theo ông Neil, dù thị trường đầu tư bất động sản ở Việt Nam đang rất được quan tâm, thực tế hoạt động M&A vẫn gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt trong vấn đề quyết toán tiền sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận và phê duyệt quy hoạch.

Ông cho rằng khi những vướng mắc này được giải quyết, thị trường M&A sẽ trở nên sôi động hơn, hỗ trợ tốt hơn cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện lại nội dung Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, hiệp hội đề xuất cho phép doanh nghiệp chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước. Khi đó, bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

"Như vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng", văn bản của HoREA nêu rõ.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

M&A - 'phao cứu sinh' của doanh nghiệp bất động sản

Một số doanh nghiệp đã chấp nhận bán đi một phần tài sản, đặc biệt là các quỹ đất ở những địa bàn trọng điểm như TP.HCM, nhằm “cứu” dòng tiền.

Chuyên gia: Sẽ có thương vụ M&A tỷ USD trong ngành địa ốc

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản ngày càng sôi động. Một số nhà đầu tư đang trong quá trình đàm phán các thương vụ giá trị lớn.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm