“Thị trường sẽ ghi nhận những thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD vào năm nay”, đó là dự báo của ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam, về xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản thời gian tới.
Nhận định này không hề thiếu cơ sở. Gần đây, giới đầu tư đã rầm rộ về thông tin ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, rao bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội) với giá 250 triệu USD.
Thậm chí, một số thương vụ được đồn đoán có giá trị lên tới cả tỷ USD. Theo nguồn tin của Reuters, CapitaLand Group có thể đang đàm phán với Vinhomes để mua một phần dự án Ocean Park 3 hoặc một dự án khác ở phía bắc TP Hải Phòng. Giá trị của thương vụ ước tính lên tới 1,5 tỷ USD.
Cơ hội để gia nhập thị trường
Trao đổi với Zing, ông Dylan Yip, Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO), cho rằng các thương vụ M&A sẽ giải quyết vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và giúp nhiều dự án được hoàn thành, miễn là các vấn đề pháp lý được giải quyết.
Các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quỹ đất sau các thương vụ M&A. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Cách nhanh nhất để các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập chỗ đứng tại thị trường Việt Nam là thông qua M&A. Tuy nhiên, việc tìm ra đối tác phù hợp vốn là điều không dễ dàng”, ông Dylan Yip chia sẻ.
Cách nhanh nhất để các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập chỗ đứng tại thị trường Việt Nam là thông qua M&A.
Ông Dylan Yip, Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của AAO
Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của AAO cho biết các doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các thương vụ M&A. Nhờ những giao dịch này mà các đơn vị ngoại quốc có thể mở rộng quỹ đất với thời gian nhanh nhất có thể.
“Đối với doanh nghiệp cỡ trung bình, các thương vụ nên trong phạm vi khoảng 20-50 triệu USD. Một dự án quy mô vừa phải sẽ là mục tiêu dễ dàng hơn, tiến độ hoàn thành cũng nhanh hơn, thời gian cấp phép và phê duyệt được rút ngắn. Sau khi thu được lợi nhuận, doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển dự án khác”, ông Dylan Yip bình luận.
Chia sẻ với Zing, ông Phan Xuân Cần cho biết doanh nghiệp của bản thân đang được các đơn vị đặt hàng 4.000-5.000 tỷ đồng để mua các dự án bất động sản. Đa phần khách hàng của ông hướng đến các khu đô thị, dự án văn phòng, khách sạn, khu công nghiệp, kho hàng.
“Nhà đầu tư đánh giá đây là cơ hội để gia nhập ngành trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn. Các công ty sẽ có thêm cơ hội gia tăng quỹ đất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh", ông Cần chia sẻ.
Đặc biệt, đối với các công ty bất động sản có định hướng phát triển lâu dài, ông Cần cho rằng đây là dịp để họ tiết kiệm thời gian hoàn thành dự án. Nếu nhà đầu tư mua các công trình bất động sản chưa hoàn thành nhưng hồ sơ pháp lý đầy đủ, thời gian để hoàn thiện dự án có thể được rút ngắn 3-5 năm.
Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm
Dù vậy, theo ông Phan Xuân Cần, trong bối cảnh khó khăn dẫn đến nhu cầu bán rao bán tài sản rất lớn hiện nay, bên mua vẫn ở thế thượng phong.
“Bên mua đang có cơ hội để chọn lọc và mua được những dự án tiềm năng, vị trí đẹp với mức giá tốt trong bối cảnh nhu cầu bán tài sản gia tăng. Bên bán phải thể hiện thiện chí cao mới có thể giao dịch thành công", ông nhìn nhận.
Bên mua sẽ có nhiều ưu thế hơn trong các thương vụ M&A vào thời điểm hiện tại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thực tế, ông cho rằng tâm lý chung của các nhà đầu tư trong năm nay vẫn rất thận trọng. Họ đặt yếu tố pháp lý dự án là điều kiện tiên quyết, sau đó mới suy xét đến mức giá.
“Nhìn chung thị trường M&A năm nay chỉ diễn ra âm thầm, các nhà đầu tư vẫn đang tìm hiểu và đánh giá, phần nhiều là chờ đợi sửa đổi các luật và ban hành các văn bản dưới luật mới tự tin giao dịch”, ông Phan Xuân Cần bình luận.
Bên cạnh đó, Chủ tịch SohoVietnam cho rằng các dự án liên quan đến đất thương mại dịch vụ sẽ được các nhà đầu tư ưu tiên nhắm đến hơn so với các dự án nhà ở. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM sẽ là hai khu vực diễn ra các thương vụ M&A nhiều nhất.
Ông Dylan Yip cũng nhìn nhận xu hướng M&A sẽ chưa thực sự bùng nổ trong năm nay. Điều này xuất phát từ việc bên bán và bên mua sẽ mất từ 9 đến 12 tháng để để hoàn tất quá trình đàm phán, thiết lập cấu trúc thương vụ, thẩm định pháp lý và tài chính.
Vị chuyên gia người Singapore cho rằng những nhà đầu tư ngoại quốc sẽ cẩn trọng hơn đối với các thương vụ M&A, đặc biệt là về yếu tố pháp lý của các dự án bất động sản. Tâm lý đề phòng này đến từ những thông tin tiêu cực của thị trường địa ốc tại Việt Nam trong suốt khoảng thời gian vừa qua.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.