Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM cho thấy quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng (tăng 3,82% so với cùng), ghi nhận đà phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
Đáng chú ý là trong 9 ngành dịch vụ quan trọng có đến 5 nhóm đạt mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ, 3 nhóm có mức tăng trưởng 2-5%. Duy nhất chỉ có hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 5,82% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường - cho biết đến tháng 6, tổng số hồ sơ kể cả cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục về đất đai là trên 266.968 hồ sơ, tương ứng một tháng giải quyết bình quân gần 45.000 hồ sơ.
Cũng trong nửa đầu năm, nguồn thu từ số lượng hồ sơ do Sở Tài Nguyên và Môi trường làm thủ tục mua bán bất động sản chuyển qua cơ quan thuế đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm ngoái.
TĂNG TRƯỞNG CÁC NGÀNH DỊCH VỤ 6 THÁNG ĐẦU NĂM CỦA TP.HCM | ||||||||||
Nhãn | Tài chính, ngân hàng | Thông tin, truyền thông | Vận tải, kho bãi | Y tế | Khoa học, công nghệ | Giáo dục | Bán buôn, bán lẻ | Lưu trú, ăn uống | Bất động sản | |
Ngành | % | 9.91 | 8.18 | 7.51 | 6.85 | 6.46 | 4.99 | 3.1 | 2.08 | -5.82 |
Ở khía cạnh khác, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã cấp 4.806 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở lần đầu, đồng thời cấp đăng ký biến động 262.162 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố cũng cấp 15.186 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ giảm 21%), với tổng diện tích sàn xây dựng gần 3,57 triệu m2. Địa phương cũng chuẩn bị sơ kết một năm thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Thành phố còn giao đất để thực hiện dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ tại Cư xá Thanh Đa, giải quyết các vướng mắc tại dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ tại số 23 Lý Tự Trọng (Quận 1), 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); Chung cư Tân Phước (Quận 11);
Cũng tại phiên họp, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cũng kiến nghị tới lãnh đạo TP.HCM về khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Vị này cho biết Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức đã tiếp nhận khối lượng rất lớn khoảng 44.500 hồ sơ về đất đai. Do đó việc giải quyết hồ sơ còn chậm và chưa đạt yêu cầu, ông Tùng kiến nghị cần tăng cường nhân lực cho đơn vị này để giải quyết hồ sơ kịp thời hạn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Tổ công tác của Thủ tướng để đặt vấn đề tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án trên địa bàn. Tổ công tác cũng đã có một số nội dung trình Thủ tướng, nếu vượt thẩm quyền sẽ trình Bộ Chính trị xem xét. Đây là vấn đề quan trọng nhằm giải quyết một số dự án đang khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.
Trong một hội nghị khác, Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nói rằng ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022 sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu. Nhìn chung, 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất chỉ đạt 28-40% kế hoạch cả năm, tương đương 60-80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.
VACC nêu thực trạng doanh nghiệp xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt sợ thực hiện dự án đầu tư công do giá nguyên vật liệu tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI.
Hơn nửa, ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ (chiếm 70%).Tuy nhiên lực lượng này không quay lại làm việc sau dịch, một phần do cơ hội việc trở nên đa dạng hơn. Do vậy, dù đơn giá nhân công tăng 25-30%, các doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân lực.