Theo CNN, thị trường chứng khoán trầm lắng, lạm phát và lãi suất tăng cao khiến nhiều người Mỹ không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan chỉ ra tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vì lạm phát.
Lạm phát đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất với tốc độ chưa từng có kể từ năm 1994.
"Chúng ta không bước vào suy thoái, ít nhất là chưa. Nhưng những dấu hiệu của suy thoái kinh tế đang ở mọi nơi", CNN nhận định.
Sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vì lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Giá đồng, chỉ số quản lý thu mua lao dốc
Vào phiên giao dịch hôm 23/6, giá đồng đã rơi xuống mức thấp nhất trong 16 tháng. Giá lao dốc hơn 11% trong vỏn vẹn 2 tuần. Đó là tin xấu với những nhà đầu tư coi giá đồng là chỉ báo quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.
Loại kim loại này được dùng trong nhiều vật liệu xây dựng, bao gồm cả dây điện và ống nước.
Do đó, đồng thường được xem là một chỉ báo của nền kinh tế. Bởi nhu cầu đồng có xu hướng nóng lên khi kinh tế tăng trưởng và hạ nhiệt theo đà suy yếu của nền kinh tế.
"Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã được phản ánh trong giá dầu", ông Daniel Ghali - Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities - bình luận.
Theo chỉ số quản lý thu mua (PMI) do S&P Global công bố hôm 23/6, tăng trưởng sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân tại Mỹ đã lao dốc mạnh trong tháng 6.
Theo ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, các nhà sản xuất hàng hóa không thiết yếu đang ghi nhận doanh số giảm mạnh khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu vì lạm phát.
Các đợt nâng lãi suất mạnh tay của FED cũng khiến tâm lý người tiêu dùng sụt giảm hơn nữa. "Khi niềm tin kinh doanh rơi xuống ngưỡng như hiện tại, một cuộc suy thoái kinh tế thường xảy ra. Điều đó làm tăng thêm nguy cơ suy thoái", ông Williamson bình luận.
Nhu cầu lao dốc tác động tới doanh thu của các nhà sản xuất hàng hóa không thiết yếu. Ảnh: Reuters. |
Tâm lý người tiêu dùng
Theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan vừa công bố hôm 14/6, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục mới trong tháng 6. Đây là mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi Đại học Michigan bắt đầu thu thập dữ liệu cách đây 70 năm.
Chỉ số tháng 6 đã giảm 14,4% so với tháng 5. Khoảng 79% người tiêu dùng tin rằng họ sẽ gặp khó khăn trong công việc kinh doanh vào năm tới.
Theo chỉ số tháng 6, 47% người tiêu dùng cho rằng lạm phát khiến mức sống của họ thấp đi. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với ngưỡng kỷ lục trong cuộc Đại suy thoái.
"Khi không thể tránh khỏi giá cả leo thang, người tiêu dùng sẽ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi cách chi tiêu", bà Joanna Hsu - Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng tại Đại học Michigan - nhận định.
Giá xăng
Theo nhà báo Allison Morrow của CNN, tin tốt với người Mỹ là giá xăng có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Nhưng giá xăng lao dốc vì các nhà giao dịch đang đặt cược vào một cuộc suy thoái.
Khi giá xăng tăng cao vượt khả năng chi trả của nhiều người, các tài xế Mỹ bắt đầu giảm mua xăng, làm giảm nhu cầu và kéo giá đi xuống.
Giá xăng hạ nhiệt là tin tốt với người tiêu dùng Mỹ, nhưng cũng có thể báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nhu cầu lao dốc có thể khiến giá xăng giảm nhẹ trong ngắn hạn, nhưng đó cũng là tín hiệu xấu đối với nền kinh tế.
Ông Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group - dự đoán khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay là 99%. "Bởi không có gì là 100%", ông nhận định.
Thị trường nhà ở suy yếu
Khi giá nhà tăng vọt, giấc mơ mua nhà trở nên xa vời với hàng triệu người Mỹ. Lãi suất vay thế chấp cũng tăng lên sau khi FED nâng lãi suất và lãi suất trái phiếu đi lên.
Trong tháng 5, theo công ty môi giới Redfin Corp., gần 20% người bán nhà ở Mỹ đã hạ giá bán, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 10/2019.
Sau khi tăng khoảng 18% vào năm 2021, giá nhà ở Mỹ được dự báo tăng với tốc độ vừa phải hơn - khoảng 10% - trong năm 2022 và 5% năm 2023.
Sự sụt giảm đã có tác động không thể phủ nhận trong toàn bộ ngành công nghiệp nhà ở. Công ty môi giới bất động sản trực tuyến Redfin và một số doanh nghiệp khác bắt đầu sa thải nhân viên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự sụt giảm của thị trường nhà ở sẽ không tàn phá nền kinh tế như hồi năm 2008. Khi đó, bong bóng nhà đất vỡ vụn và cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn đã khiến toàn bộ nền kinh tế chao đảo.
Ông Lawrence Yun - nhà kinh tế trưởng của NAR - nhận định doanh số bán nhà sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới do lãi suất thế chấp tăng mạnh. "Tuy vậy, những ngôi nhà có giá phải chăng vẫn đang được bán nhanh. Trong khi đó, nguồn cung nhà có sẵn đã tăng lên đáng kể. Điều đó có thể cung cấp cho người mua nhiều lựa chọn hơn", ông Yun nhận định.