Phiên tòa xét xử những người tham gia âm mưu mua suất tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ bắt đầu từ ngày 13/9. Gamal Abdelaziz và John Wilson là những phụ huynh đầu tiên phải hầu tòa, theo báo New York Times.
Abdelaziz, cựu quản lý sòng bạc, đã trả 300.000 USD để đưa con gái vào Đại học Southern California với tư cách vận động viên bóng rổ.
Trong khi đó, Wilson mua suất cũng tại Đại học Southern California cho con trai với giá 220.000 USD. Người này thậm chí lên kế hoạch trả 1,5 triệu USD để đưa các con gái vào Đại học Harvard và Stanford.
Lừa đảo hay làm theo "thực tiễn"?
Chủ mưu đường dây mua suất đại học là một tư vấn tuyển sinh tên William Singer, biệt danh Rick. Người này đã nhận tội gian lận cùng nhiều cáo buộc khác, đồng thời hợp tác với nhà chức trách Mỹ để thỏa thuận giảm án.
Singer chuyên đưa con của khách hàng vào các trường đại học, thông qua cái mà người này gọi là "cửa phụ".
Đây là một quy trình mà khách hàng trả tiền cho khoa thể thao của các trường đại học, hoặc trả tiền trực tiếp cho huấn luyện viên của trường. Đổi lại, con của họ sẽ được tuyển với tư cách vận động viên, dù chúng có thể hoàn toàn không chơi thể thao.
Phiên tòa sẽ giải quyết câu hỏi liệu Abdelaziz và Wilson có tin rằng Đại học Southern California ủng hộ chính sách "cửa phụ" này không, và họ có biết mình đang tham gia âm mưu lừa dối trường đại học khi trả tiền cho các quan chức của trường để con họ được "tuyển chui" hay không.
Ông Gamal Abdelaziz trả 300.000 USD cho con vào Đại học Southern California. Ảnh: Reuters. |
Các luật sư của bị đơn cho biết họ sẽ nhấn mạnh vào hoạt động gây quỹ của Đại học Southern California, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực thể thao.
Các luật sư nói có bằng chứng cho thấy khoa thể thao của trường đã nhận tài trợ trong nhiều năm để đổi lấy đặc cách cho các sinh viên, và các bị đơn tin rằng họ đang tham gia một "thực tiễn" đã được chấp nhận từ lâu, vì vậy không có cơ sở cáo buộc tội danh lừa đảo.
Tuy nhiên, cơ quan công tố nói rằng thực tiễn nhận tài trợ của Đại học Southern California không liên quan tới phiên tòa.
Theo tài liệu cơ quan công tố gửi tới tòa án, Singer khai việc đã trao đổi với Abdelaziz rằng con gái của ông này sẽ khó được nhập học ở Đại học Southern California bởi thành tích học tập không đủ tiêu chuẩn. Singer gợi ý với Abdelaziz rằng cô bé sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn theo dạng vận động viên.
Con gái của Abdelaziz chơi bóng rổ ở trường trung học nhưng không đủ xuất sắc để được tuyển, Singer khai.
Vì thế, Abdelaziz đã phối hợp với Singer lập một hồ sơ chứa các tài liệu giả mạo về năng lực thể thao của con gái mình, sau đó nộp cho Đại học Southern California.
Được sự giúp đỡ của Donna Heinel, cựu giám đốc thể thao của Đại học Southern California, con gái của Abdelaziz trúng tuyển với danh nghĩa vận động viên bóng rổ vào năm 2018.
Abdelaziz sau đó quyên góp 300.000 USD vào một quỹ do Singer kiểm soát, tài liệu của cơ quan công tố cho biết. Vài tháng sau, Singer chuyển 20.000 USD cho bà Heinel.
Tại Đại học Southern California, con gái của Abdelaziz chưa bao giờ tham gia câu lạc bộ bóng rổ.
Bà Heinel bác bỏ tất cả cáo buộc trong vụ việc. Phiên tòa xét xử người này sẽ diễn ra vào tháng 11, cùng 3 quan chức thể thao khác của các trường đại học.
Nhiều phụ huynh bị gài bẫy?
Trường hợp của gia đình Wilson cũng liên quan tới thể thao. Con trai của ông Wilson chơi bóng nước, nhưng không đủ xuất sắc để được tuyển chọn.
Singer khai đã lập hồ sơ thể thao giả, và ông Wilson biết điều này. Ngay sau khi con trai trúng tuyển Đại học Southern California, ông Wilson trả cho Singer 220.000 USD.
Trong số này, 100.000 USD được chuyển cho đội bóng nước của trường, theo hồ sơ của cơ quan công tố.
Con trai của ông Wilson sau đó có tham gia đội bóng nước, nhưng nghỉ ngay khi kết thúc học kỳ đầu tiên.
Sau này, khi Singer bị nhà chức trách sờ gáy và buộc phải hợp tác, Wilson lại tìm đến với mong muốn đưa hai con gái vào Đại học Stanford và Harvard.
Ông John Wilson và vợ chi 220.000 USD cho suất học đại học của con trai. Ảnh: Reuters. |
Dưới sự chỉ đạo của cơ quan điều tra, Singer nói với Wilson rằng suất tại Đại học Stanford dành cho đối tượng là vận động viên chèo thuyền, dù con gái của Wilson hoàn toàn không chơi bộ môn này. Wilson cuối cùng đồng ý chi 1,5 triệu USD để lấy 2 suất tại Đại học Stanford và Đại học Havard.
Điểm đáng chú ý là Đại học Southern California đang tìm mọi cách không để bên bị đơn truy cập các hồ sơ được miêu tả là "người nộp đơn VIP" của trường.
Nhiều nhân viên khoa thể thao của trường, trong đó có cựu Giám đốc Pat Haden, nộp kiến nghị đề nghị hủy trát đòi hầu tòa làm chứng. Nếu phải làm chứng, những người này sẽ buộc phải khai thật điều gì đã xảy ra trong hệ thống tuyển sinh của trường.
Bên cạnh đó, khả năng Singer bị triệu tập làm chứng vẫn còn bỏ ngỏ. Singer trước đó nhiều lần cho biết các đặc vụ liên bang đã gây sức ép buộc người này nói dối trong các cuộc điện thoại ghi âm với khách hàng, trong đó Singer miêu tả khoản tiền mà các khách hàng trả để con họ vào đại học là hối lộ chứ không phải quyên góp.
Việc các phụ huynh chấp nhận trả tiền khi biết số tiền dùng cho mục đích hối lộ sẽ khiến họ phạm tội hình sự.
Tới nay, 13 người là phụ huynh, huấn luyện viên và các cá nhân khác liên quan tới âm mưu mua suất đại học đã thỏa thuận thừa nhận tội lừa dối các trường đại học để được giảm án.
Từ khi vụ việc được đưa ra ánh sáng năm 2019, nhiều trường đại học tìm cách làm sạch hệ thống tuyển sinh liên quan tới vận động viên thể thao, ông Michael Bastedo, giáo sư về giáo dục tại Đại học Michigan, cho biết.
Tuy nhiên, học sinh nhà giàu vẫn được hưởng nhiều đặc quyền trong quá trình tuyển sinh, như những ưu ái dành cho nhà tài trợ và cựu sinh viên của các trường đại học, ông Bastedo nói.