Trước tiên, hội đồng này sẽ đưa ra kế hoạch triển khai nhiệm vụ vốn được hơn 100 quốc gia kêu gọi tại cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) vào đầu năm nay.
"Chúng tôi sẽ chất vấn về việc liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính phủ đã có thể phản ứng khác đi như thế nào với những gì chúng ta hiện đã biết", Helen Clark, đồng chủ tịch hội đồng điều tra và là cựu Thủ tướng New Zealand, nói.
Bà Clark được bổ nhiệm làm lãnh đạo Hội đồng Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch, cùng với Ellen Johnson-Sirleaf - cựu Tổng thống Liberia và là người từng thắng giải Nobel, theo South China Morning Post.
Hai đồng chủ tịch tuyên bố chọn thêm 11 thành viên trong số những người được các quốc gia đề cử vào đầu tháng này, bao gồm chuyên gia Covid-19 hàng đầu của Trung Quốc Chung Nam Sơn, cựu Đại sứ Mỹ Mark Dybul và Preeti Sudan - cựu Bộ trưởng Y tế của Ấn Độ.
Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, là đồng chủ tịch hội đồng điều tra độc lập về Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Một số chuyên gia cho rằng hội đồng này nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị, trong khi một số khác nghi ngờ về tính hiệu quả của cuộc điều tra sắp tới.
Theo Tikki Pangestu, cựu Giám đốc Hợp tác Nghiên cứu và Chính sách của WHO, "phạm vi và những hạn chế" của cuộc điều tra do hội đồng này triển khai vẫn đang được cân nhắc.
Pangestu, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Điều quan trọng nhất là hy vọng cuộc điều tra cung cấp nền tảng độc lập, không thiên vị WHO hay các nước thành viên".