Lượng dầu Nga cung cấp cho thị trường toàn cầu đang nhiều gần bằng mốc trước chiến sự Ukraine. Và khi giá dầu tăng, Moscow cũng kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhu cầu dầu từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đem mang lại cho Nga ưu thế trong cuộc chiến năng lượng, cũng như khiến nỗ lực trừng phạt của phương Tây đảo lộn phần nào.
Doanh số xuất khẩu của Nga - thị trường nhiên liệu thô và nhiên liệu tinh chế lớn nhất thế giới - đang bùng nổ. Các thỏa thuận thương mại mới đang tạo cho Điện Kremlin lợi thế sử dụng xuất khẩu khí đốt tự nhiên như vũ khí kinh tế chống lại châu Âu, Wall Street Journal nhận định.
Trước chiến sự, Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt. Hiện tại, lượng khí đốt đang giảm dần, khiến giá nhiên liệu này cao hơn, gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu.
Doanh thu nhiều hơn từ dầu mỏ tạo nên sự khác biệt. “Nga đang ‘bơi’ trong tiền”, Elina Ribakova - nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế - cho biết.
"Thế giới cần dầu Nga"
Moscow kiếm được 97 tỷ USD từ việc bán dầu và khí đốt cho đến tháng 7 năm nay, khoảng 74 tỷ USD từ dầu mỏ. Nước này xuất khẩu 7,4 triệu thùng dầu thô cùng các sản phẩm như dầu diesel và xăng mỗi ngày trong tháng 7, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Con số này chỉ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày kể từ đầu năm.
Ngay cả khi xuất khẩu dầu giảm, doanh thu trung bình hàng tháng của Nga vẫn đạt 20 tỷ USD trong năm nay, so với mức 14,6 tỷ USD năm 2021. Dữ liệu từ Vortexa cho thấy số lượng các lô hàng đã tăng trở lại trong tháng 8.
Khả năng phục hồi của thị trường dầu mỏ Nga đã gây ra phản ứng trái chiều khi Mỹ có 2 mục tiêu trái ngược nhau: Giảm lạm phát bằng cách tăng nguồn cung dầu toàn cầu và giữ áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.
Giá dầu đã ổn định quanh mức 100 USD trong những tuần gần đây. Mặc dù vẫn cao hơn một năm trước, mức giá này đã giúp người dân châu Âu và Mỹ bớt “đau ví” mỗi khi đổ xăng.
Theo các chuyên gia, doanh số bán năng lượng của Nga khởi sắc nhờ tìm được khách hàng, phương tiện thanh toán, thương nhân và cách thức hỗ trợ xuất khẩu mới.
"Nhiều ý kiến cho rằng thế giới cần dầu và không ai đủ can đảm để cấm vận 7,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu từ Nga”, Sergey Vakulenko, nhà phân tích năng lượng Nga - cho biết.
Dòng chảy của dầu Nga từ tháng 1/2019 đến 20/8/2022. Đồ họa: Wall Street Journal. |
Xuất xứ mập mờ
Moscow hiện không còn cập nhật hàng tháng về sản lượng dầu và các dữ liệu khác, khiến việc đánh giá hoạt động trở nên khó khăn.
Các tài liệu về cảng Nga không còn nêu chi tiết dầu của quốc gia này đang đi đến đâu và bên nào đang vận chuyển. Ngoài ra, một số bên trung gian còn vận chuyển dầu Nga từ tàu này sang tàu khác ngay khi ở trên biển.
Sau khi đồng minh của Mỹ cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, phần lớn trong số này chuyển hướng tới châu Á khi nhiều nước chọn trung lập trong cuộc chiến Ukraine.
Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông nhanh chóng tăng cường mua hàng, tận dụng lợi thế giảm giá và mở ra các tuyến thương mại mới sinh lợi cho dầu thô của Nga. Một số bên lọc dầu Nga và kiếm lợi nhuận khi xuất khẩu sang phương Tây dưới dạng xăng và dầu diesel.
Ấn Độ hiện là khách hàng tốt nhất của Nga. Từ mốc gần như bằng 0, các công ty Ấn Độ đã nhập khẩu gần một triệu thùng/ngày trong vòng vài tuần sau chiến sự Ukraine.
Thị trường gây bất ngờ lớn là Trung Đông. Lô hàng dầu FO (fuel oil) của Nga hiện cập bến Saudi Arabia và UAE. Dầu Nga thường được đốt trong các nhà máy tại Saudi Arabia, hoặc được xuất khẩu từ Fujairah. Fujairah là một cảng tại UAE và là điểm nóng pha trộn dầu của Nga và Iran để che giấu xuất xứ của chúng.
Từ dầu mỏ Iran, Venezuela và giờ là dầu Nga đang được lưu trữ tại Fujairah và được ngụy trang một cách có chủ ý. Một thương nhân Thụy Sĩ cho biết ông nhận được lời mời mua dầu FO có đặc điểm giống y hệt dầu Nga. Tuy nhiên, nhãn dán trên lô hàng lại ghi từ một nơi khác.
Công ty dầu mỏ Saudi Arabian Oil nhập khẩu dầu Nga với giá chiết khấu, trong khi xuất khẩu dầu thô của nước này theo giá thị trường. “Người Saudi rất vui khi lấy dầu để bán hơn là để đốt”, Carole Nakhle - Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Crystol Energy - cho biết.
Thỏa thuận này bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, khiến giá giảm xuống. “Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi với Nga, và thậm chí cả châu Âu và Mỹ”, bà nói.
Tình huống này cũng khiến quan hệ giữa Nga và Trung Đông xích lại gần nhau hơn giữa lúc Saudi Arabia và Mỹ đang xích mích. Riyadh, cùng với Moscow trong OPEC+, tuyên bố không bơm thêm dầu. Điều này khiến giá dầu vẫn ở mức cao, hỗ trợ cho Nga ngay cả trong những tháng mà Moscow đã giảm giá nhiên liệu.
Phép thử
Giới phân tích cho rằng về lâu dài, Nga sẽ vất vả để duy trì vị thế là nhà cung cấp dầu hàng đầu. Có những giới hạn về lượng dầu thô Nga mà các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và Trung Quốc có thể nhập.
Hơn nữa, khi máy móc Nga cũ dần và Moscow không còn quyền truy cập vào các phần mềm phương Tây, lệnh trừng phạt về nhập khẩu công nghệ có thể phủ bóng lên triển vọng phát triển năng lượng trong tương lai.
Mùa đông tới sẽ là đợt thử thách với Moscow và phương Tây. Ngày 5/12, EU tiến hành giai đoạn cấm vận bảo hiểm và tài trợ cho hàng hóa chở dầu Nga. Nếu được thực thi, các biện pháp này sẽ làm cản trở đáng kể sự phát triển của nền kinh tế Nga.
Tàu chở hàng neo đậu tại cảng Fujairah, UAE năm 2019. Ảnh: AFP. |
Arkady Gevorkyan, nhà phân tích tại Citigroup, cho biết Nga có thể gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng mới cho khoảng 1,25 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu xuất khẩu hiện hướng đến châu Âu mỗi ngày.
Washington đang cố gắng thuyết phục Brussels về những hạn chế có thể áp dụng lên dầu Nga mà không làm tăng giá mặt hàng này. Việc EU tiếp tục ra thêm các hạn chế đề xuất sẽ cho thấy lục địa này sẵn sàng hứng chịu các nỗi đau kinh tế vì chiến sự Ukraine.
Nhiều người tin rằng Moscow sẽ đáp trả bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu. Tuy nhiên, từ trước tới nay, phía Nga luôn phủ nhận các cáo buộc, khẳng định họ là đối tác tin cậy.
Gần đây nhất, Gazprom tuyên bố sẽ đóng đường ống dẫn khí Nord Stream 1 từ 8h ngày 31/8 đến 8h ngày 3/9 (giờ Việt Nam) để bảo dưỡng. Theo dữ liệu trên website vận hành, lượng khí đi qua đường ống đã giảm về mức không vào đầu giờ sáng 31/8 (giờ địa phương).