Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gazprom cắt giảm khí đốt sang Pháp

Tập đoàn năng lượng Pháp Engie ngày 30/8 cho biết Gazprom, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga, tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên do bất đồng về hợp đồng.

“Như đã thông báo trước đó, Engie đã đảm bảo sản lượng cần thiết để đáp ứng các cam kết đối với khách hàng và yêu cầu của chính công ty, đồng thời đưa ra một số biện pháp để giảm đáng kể mọi tác động trực tiếp về tài chính và vật chất do sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom”, AFP dẫn lại tuyên bố từ Engie vào ngày 30/8.

Tập đoàn Engie cho biết thêm nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm mạnh sau khi cuộc xung đột Ukraine - Nga bắt đầu vào tháng 2. Vào cuối tháng 7, khí đốt từ Nga chiếm 4% tổng nguồn cung cấp năng lượng.

nga cat khi dot anh 1

Gazprom đã giảm lượng khí đốt vận chuyển cho châu Âu trong nhiều tháng qua. Ảnh: Reuters.

Thông báo được đưa ra sau lời kêu gọi hôm 29/8 của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, cảnh báo các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm sử dụng năng lượng hoặc đối mặt với việc phân phối theo định mức trong mùa đông này nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Những ngày gần đây, chính phủ Pháp đã đưa ra cảnh báo về những khó khăn có thể xảy ra trong mùa đông do thiếu hụt năng lượng và lạm phát phi mã.

Mặc dù Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga hơn so với các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khác, lĩnh vực công nghiệp của nước này vẫn dựa vào khí đốt và hàng triệu người sử dụng nó để sưởi ấm nhà ở. Khoảng 3/4 sản lượng điện của Pháp được cung cấp từ các nhà máy điện hạt nhân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tập hợp các bộ trưởng trong một cuộc họp nội các đặc biệt vào cuối tuần này để "chuẩn bị cho tất cả tình huống xảy ra vào mùa thu và mùa đông này", văn phòng của ông cho biết.

Pháp đã nhanh chóng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình. Trữ lượng khí đốt đã đầy 90% và Pháp đã đàm phán về nguồn cung cấp thêm từ Na Uy.

Gazprom đã giảm lượng khí đốt vận chuyển cho châu Âu trong nhiều tháng qua, khiến nhiều quốc gia EU lo ngại Moscow đang dùng khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt từ châu Âu. Phía Nga phủ nhận các cáo buộc, khẳng định họ là đối tác tin cậy.

Bulgaria thừa nhận không thể thiếu khí đốt Nga

Quyền Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rossen Hristov ngày 22/8 tuyên bố Sofia sẽ cần đàm phán với tập đoàn Gazprom của Nga để nối lại việc nhập khẩu khí đốt, vốn đã ngừng từ tháng 4.

Mùa đông sẽ thử thách sự ủng hộ của châu Âu với Ukraine

Sáu tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, phản ứng của phương Tây vẫn tiếp nối và thống nhất một cách hiếm thấy.

Minh An

Bạn có thể quan tâm