Bất chấp nhiều năm quan hệ rạn nứt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại dịch Covid-19, liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn cố gắng xích lại gần nhau. Các quốc gia đạt được nhiều thỏa thuận về hỗ trợ tài chính, vũ khí cho Kyiv và nhất trí hạn chế sử dụng năng lượng từ Nga.
Phương Tây cũng thống nhất các biện pháp trừng phạt được thiết kế nhằm vào Moscow.
Tuy nhiên, các quan chức trên khắp châu Âu lo ngại rằng sự đồng thuận có thể sụp đổ trong tương lai gần. Lục địa già sắp bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, năng lượng sưởi ấm hạn chế và khả năng suy thoái đang dần rõ ràng, theo CNN.
Thủ đô Berlin của Đức đã tắt đèn chiếu sáng các di tích để tiết kiệm điện. Các cửa hàng tại Pháp được yêu cầu đóng cửa khi mở điều hòa, nếu không sẽ phải đối mặt với tiền phạt.
Các binh lính Ukraine sử dụng pháo cối tại khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters. |
Tương lai mịt mù của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chiếm được cảm tình của phương Tây kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Ông thường xuyên gây áp lực, tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm đối phó quân đội Nga.
Nhưng khi mùa đông đến và cuộc xung đột kéo dài, ông Zelensky khó có thể thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo châu Âu như trước.
“Thách thức đối với Ukraine cũng giống như những ngày đầu tiên: Giữ phương Tây đứng về phía mình, với cái giá phải trả không chỉ là khí đốt và ngũ cốc, mà còn là chi phí về kinh tế và hỗ trợ nhân đạo”, Keir Giles, nhà tư vấn cấp cao tại Chatham House, cho biết.
“Đó cũng có thể là lý do tại sao Zelensky nói rằng ông ấy muốn cuộc xung đột kết thúc trước Giáng sinh. Vấn đề là liệu điều gì có thể khiến phương Tây tuân thủ những lời hứa của mình về lâu dài”, ông nói thêm.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu phải lo nghĩ hàng ngày. Vào năm 2021, nguồn cung từ Nga chiếm khoảng 55% tổng khí đốt nhập khẩu của toàn châu Âu.
Các nước châu Âu đang rất cần dầu của Nga. Gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga được chuyển sang lục địa này. Một báo cáo cho thấy vào năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Binh lính Ukraine vẫy cờ trên đảo Rắn. Ảnh: Reuters. |
“Điều đó sẽ rất khó khăn với EU. Chúng tôi phải cố gắng giữ lời hứa tránh xa nguồn cung từ phía Nga”, một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nói. Người này đề cập đến thỏa thuận giữa các thành viên EU nhằm cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã gặp nhiều chỉ trích vì tính tự nguyện. Nhiều người cho rằng khi thỏa thuận được áp dụng, một số nước sẽ không tham gia.
Các nhà lãnh đạo cũng lo ngại chiến lược trang bị vũ khí của phương Tây cho người Ukraine đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn. Cuộc xung đột không có điểm kết thúc rõ ràng.
Vũ khí của Pháp đang có mặt ở Ukraine. Đức đã phá vỡ các chính sách hòa bình hàng thập kỷ để vừa tăng chi tiêu quốc phòng, vừa gửi vũ khí đến Ukraine.
“Ngay từ đầu, phản ứng của phương Tây đã cứng rắn hơn nhiều so với những gì phía Nga dự tính”, một quan chức NATO nói với CNN.
“Theo thời gian, các loại vũ khí chúng tôi tài trợ đã trở nên phức tạp hơn, cũng như quá trình huấn luyện cần thiết. Tin tốt là những thiết bị này đang giúp người Ukraine cầm cự. Tin xấu là cuộc xung đột càng kéo dài, nguồn cung cấp vũ khí sẽ càng giảm”, quan chức này cho biết thêm.
Mùa đông đắt đỏ
Sau khi gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo trì, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng 10% vào ngày 22/8.
Giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan vượt mức 280 euro/MWh. Đây là mức giá khí đốt tự nhiên cao nhất trên thị trường giao ngay châu Âu kể từ ngày 8/3, theo RT.
Vào thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu được giao dịch dưới mức 27 euro/MWh.
“Sau khi công việc hoàn thành và thiết bị không có trục trặc kỹ thuật nào, lưu lượng khí đốt sẽ được khôi phục lên 33 triệu m3 mỗi ngày”, Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm 19/8. Dù vậy, lượng khí đốt này chỉ tương đương 20% công suất của đường ống Nord Stream 1.
Đường ống ngừng hoạt động khi châu Âu đang cố gắng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước khi mùa đông đến. Các kho lưu trữ của Đức cần phải được lấp đầy đến 95% trước ngày 1/11. Vào cuối tháng 7, các kho chứa khí đốt này mới chỉ được lấp đầy 66,8%.
Các đồng hồ đo áp suất thuộc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (BNetzA) nhận định rằng ngay cả khi dòng khí Nord Stream được khôi phục ở mức 20% công suất tối đa, mức lưu trữ 95% vào tháng 11 “khó có thể đạt được nếu không có các biện pháp bổ sung”.
Berlin đang cân nhắc có nên kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân để bù đắp vào nguồn khí đốt tự nhiên đang thiếu hụt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi có kết quả thử nghiệm vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
“Đức không nên giữ cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động để đảm bảo cung cấp điện. Công suất của chúng không đủ để bù đắp cho tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên. Việc duy trì hoạt động của các nhà máy sẽ chỉ tiết kiệm được 2% lượng khí đốt, điều này không đủ và không có khả năng giúp ích cho tình hình”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phản đối kế hoạch.
Trong khi đó, người Anh nhiều khả năng sẽ phải đốt củi để sưởi ấm trong mùa đông năm nay. Nhà cung cấp củi lớn nhất Vương quốc Anh dự kiến nhu cầu sẽ tăng 20% khi hóa đơn khí đốt tiếp tục tăng vọt.
“Mọi người đang bắt đầu dự trữ từ bây giờ. Tôi nghĩ nhu cầu sẽ tăng 10% đến 20% trong mùa đông tới. Giá củi tăng nhưng không cao bằng khí đốt hoặc điện”, Nic Snell, giám đốc điều hành tại Surely Wood, nói.
Phương Tây chia rẽ
Bên cạnh những ảnh hưởng đối với phương Tây, thế giới cũng đang mệt mỏi với cuộc xung đột vì thiệt hại kinh tế. Một số nước Tây Âu, đáng chú ý nhất là Đức và Pháp, đã công khai rằng giữa phương Tây và Moscow phải có đối thoại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần khẳng định ông tin rằng tại một thời điểm, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cần phải diễn ra.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bị chỉ trích vì những quan điểm không thống nhất về khí đốt Nga. Gần đây nhất, ông đã gây tranh cãi vì việc liệu châu Âu có nên cấm người Nga xin thị thực du lịch hay không.
Vài tháng tới sẽ là thời gian khó khăn nhất đối với các quốc gia châu Âu kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Người dân trên khắp lục địa sẽ cảm nhận được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Một số người bắt buộc phải đưa ra lựa chọn giữa sưởi ấm và ăn uống.
Chính quyền các nước phương Tây sẽ phải giải trình cho việc chi tiền và năng lượng để hỗ trợ một quốc gia ở xa, trong khi người dân đang chịu cảnh thắt lưng buộc bụng.
Nhiều quan chức nói rằng đến một thời điểm nhất định, các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định điều tốt nhất là làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.
Nhóm G7 nhóm họp cùng Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters. |
“Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Ukraine đang thất thế trước Nga. Điều này có thể đẩy nhanh lời kêu gọi một giải pháp đàm phán. Ông Zelensky phải tiếp tục đẩy mạnh bộ máy truyền thông, quảng bá thông điệp rằng Ukraine đang đạt được tiến bộ, chiến đấu hết mình và cần vũ khí”, Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á (CREAS), nhận định.
Bà cho rằng ngay khi mọi người cảm thấy Kyiv đang thua cuộc, họ sẽ bắt đầu hỏi tại sao châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí đắt tiền cho Ukraine vào thời điểm kinh tế khó khăn.
Nhiều đồng minh chủ chốt đang trải qua các giai đoạn chính trị nội bộ hỗn loạn. Italy sắp tổ chức một cuộc bầu cử, trong khi Vương quốc Anh sẽ có một thủ tướng mới.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sắp tới cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới 2 năm còn lại của Tổng thống Joe Biden.
“Khi các vấn đề chính trị trong nước bắt đầu chiếm ưu thế, công dân có thể hỏi tại sao chúng tôi lại giúp Ukraine thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng”, bà Fallon nói.
“Liên minh châu Âu, theo ý kiến của tôi, đã bước vào 'cuộc phiêu lưu' này mà không cần chuẩn bị trước”, Giáo sư Aleksandar Djikic, Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica ở Serbia, chia sẻ với RT.
Những công dân bình thường sẽ gạt các mục tiêu chiến lược sang một bên. Họ đang phải đối mặt với giá năng lượng ngày càng tăng và chỉ muốn ấm áp vào mùa đông.
“Các chính phủ phải suy nghĩ kỹ, xem xét lại những gì họ có thể làm vì lợi ích của người dân. Nếu không, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày”, Giáo sư Djikic nói.