"Muốn lái Uber và Grabcar? Những tài xế hàng đầu của chúng tôi có thu nhập 1.760 USD một tuần”, một quảng cáo tuyển tài xế tại Singapore viết.
'Tôi lái xe không công cho Grab'
7.040 USD một tháng là một mức thu nhập không tồi. Tuy nhiên, trong một lá thư gửi tới tờ The Independent, ông Chiang bày tỏ sự bất bình giữa khoản thu nhập thực tế và khoản thu nhập hứa hẹn mà Grab đưa ra.
Nhiều cử nhân tham gia vào đội ngũ lái xe cho Uber vì không kiếm được việc làm. Ảnh: Reuters. |
Người đàn ông sống tại Singapore cho hay ông chỉ kiếm khoảng 1.196 USD sau khi làm tài xế cho Grabcar trong hơn một tháng.
“Một lần, tôi phải phanh khẩn cấp trên đường cao tốc để tránh tai nạn. Tuy không xảy ra sự cố nhưng hành khách vẫn đòi bồi thường và tôi phải trả số tiền lên đến 1.400 USD”, ông chia sẻ thêm.
Giải thích con số này, Aileen Azim, một tài xế khác của Grabcar phân tích: "Mức lương mỗi tháng của tôi là khoảng 5.000 USD. Song sau khi trừ tiền thuê xe (50 USD mỗi ngày - tương đương 1.500 USD mỗi tháng), tiền xăng dầu (42 USD mỗi ngày - tương đương 1.260 USD mỗi tháng) và 20% cho Grab (tương đương 985 USD mỗi tháng), số tiền tôi thực sự nhận là khoảng 1.255 USD một tháng".
Anh cho rằng những quảng cáo công việc chỉ nói lên một nửa sự thật. Aileen cho rằng một người giao hàng đôi khi còn kiếm nhiều hơn một tài xế của Grabcar.
Uber lừa dối tài xế?
Cũng như Grab, Uber dính phải rắc rối khi quảng cáo những con số không đúng thực tế. Gần đây, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) cáo buộc Uber đưa ra các phát ngôn sai lầm, lừa dối hoặc vô căn cứ đối với thu nhập của tài xế cũng như chương trình thuê xe.
Theo đơn kiện, doanh nghiệp này tuyên bố thu nhập trung bình của lái xe tại thành phố New York, Mỹ là hơn 90.000 USD một năm trong khi con số tại thành phố San Francisco là 74.000 USD.
Thực tế, chưa đầy 10% tài xế đạt mức thu nhập này.
Về chương trình thuê xe, Uber nói không giới hạn quãng đường đi nhưng thực tế là ngược lại. Đơn kiện tố cáo Uber thu về doanh thu đáng kể từ cước phí lái xe và hàng chục triệu USD từ những tài xế tham gia chương trình thuê xe.
Dù không thừa nhận hay bác bỏ sự liên quan trong các hành động lừa dối, Uber đồng ý sẽ không "nói quá" thu nhập tiềm năng của các lái xe hay những điều khoản, dịch vụ đối với chương trình thuê xe. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ trả lại 20 triệu USD cho những tài xế bị ảnh hưởng trên toàn nước Mỹ.
Ấn Độ: Biểu tình vì thu nhập giảm
Tại Ấn Độ, Uber và hãng đối thủ Ola đang phải đối mặt với khả năng về một cuộc biểu tình toàn quốc từ các tài xế do thu nhập sụt giảm nhanh chóng.
Các tài xế Ấn Độ biểu tình phản đối Uber, Ola vì thu nhập giảm. Ảnh: Hindustantimes. |
Tờ Hindustantimes cho biết đây là hệ quả của cuộc chiến căng thẳng giành thị phần giữ Uber và Ola tại Ấn. Hai hãng này đua nhau tung ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn với tài xế để thu hút lượng xe khổng lồ. Mỗi hãng sở hữu hơn 4 triệu tài xế, dẫn đến việc cung nhiều hơn cầu. Số chuyến đi của mỗi tài xế giảm xuống và hệ quả là khi các chương trình ưu đãi, hỗ trợ cho tài xế bớt đi, thu nhập của họ sụt nhanh.
Thu nhập cao chỉ là ngắn hạn, để hấp dẫn tài xế. Có thời điểm, mỗi tài xế thu về 80.000 rupee mỗi tháng, trong đó nguồn thu chủ yếu là nhờ các ưu đãi từ hãng.
"Uber và Ola đã đốt 50 triệu USD mỗi tháng", Siddhartha Pahwa, cựu CEO của Meru Cabs cho biết.
"Mô hình kinh doanh ấy, vì thế không hấp dẫn. Đừng mơ về thu nhập tốt, có tới 50%-60% tài xế thậm chí không thể thu về 500-600 rupee mỗi ngày, dù làm việc 12-14 tiếng trên đường", Pahwa nói thêm.
Trong khi đó, tờ Indian Times dẫn lời các tài xế cho biết 2 năm trước, thu nhập của họ xung quanh mức 60.000 rupee mỗi tháng còn bây giờ chỉ ở mức 25.000 rupee, giảm gần 60%. Số lượng chuyến cũng giảm mạnh, buộc tài xế phải chạy trên đường nhiều hơn mỗi ngày, khoảng 15-20 giờ.
"Mỗi ngày chạy 16 tiếng nhưng thu nhập của chúng tôi giảm đáng kể. Ngay cả số cuốc xe cũng chỉ còn 6-7 chuyến mỗi ngày", Nihal Singh, một tài xế nói trên Indian Times.