Khi lần đầu tiên đặt chân đến thành phố Quảng Châu nhộn nhịp, Peng Biao cảm giác như bước vào một thế giới mới, khác xa ngôi làng miền núi hẻo lánh nơi cô lớn lên.
Giống như hàng trăm triệu người đến từ các vùng nông thôn kém phát triển ở Trung Quốc khác, Peng buộc bỏ lại con cái và cha mẹ già để lên phố thị tìm việc làm. Điều cô không ngờ tới là khoảng cách giàu nghèo giữa vùng quê và các đô thị phát triển lại cách xa đến vậy.
Cô Peng nói với South China Morning Post: "So với lúc tôi còn nhỏ hoặc 10 năm trước đây, cuộc sống ở vùng quê đã cải thiện hơn nhiều, đặc biệt về giao thông, y tế hay cơ sở vật chất bệnh viện. Tuy nhiên, ở đó không có nhiều công việc tốt và cuộc sống vẫn rất khó khăn".
"Tôi làm việc cật lực, nhưng vẫn không đủ nuôi sống cha mẹ và các con của mình. Giá nhà ở và chi phí sinh hoạt quá cao", chị nói.
Nhiều người nghèo ở các vùng nông thôn Trung Quốc đổ xô lên các thành phố lớn để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: SCMP. |
Chênh lệch quá lớn
Thu nhập trung bình của người dân ở huyện Nhân Hóa, Quảng Châu - quê hương của Peng - vào khoảng 2.000 NDT/tháng (309 USD). Nông dân trồng lúa có thể kiếm khoảng 10.000 NDT/năm (1.544 USD). Thu nhập này chỉ tương đương mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên văn phòng ở tỉnh Quảng Châu.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố nước này đã xóa nghèo thành công. Tuy nhiên, thực trạng bất bình đẳng thu nhập vẫn rất nghiêm trọng. Điều này đặt ra một thách thức to lớn cho các nhà hoạch định chính sách trong kỳ họp "lưỡng hội" của Trung Quốc tuần này.
Bắc Kinh triển khai chiến lược kinh tế "lưu thông kép" nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, giúp nền kinh tế chống chịu tốt hơn trước các tác nhân bên ngoài. Nhưng sự chêch lệch giàu nghèo quá lớn giữa người dân khu vực thành thị và nông thôn tại nước này đã trở thành một rào cản lớn.
Theo báo cáo của Viện phân phối thu nhập Trung Quốc (CIID) công bố hồi tháng 7 năm ngoái, nước này hiện có 710 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 NDT (308 USD)/tháng và 310 triệu người có thu nhập chỉ 1.000 NDT (154 USD)/tháng.
Trung Quốc có 700 triệu người sống với mức thu nhập dưới 309 USD/tháng. Ảnh: Xinhua. |
Báo cáo cũng tiết lộ số người nghèo cùng cực của nước này xấp xỉ 10 triệu người. Dù đây là con số khá nhỏ so với tổng số dân 1,4 tỷ, nhưng có một phần không nhỏ người Trung Quốc chỉ sống trên mức cực nghèo một chút và rất có nguy cơ rơi lại cảnh bần cùng.
Ông Peng Peng, chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết dù các khoản trợ cấp giúp xóa tình trạng cực nghèo tại vùng nông thôn, đại dịch Covid-19 năm ngoái gây thêm áp lực lên các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Khảo sát Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc cho thấy trong nửa đầu năm 2020, hầu hết gia đình có thu nhập dưới 100.000 NDT/năm đều nghèo hơn. Tuy nhiên, những gia đình kiếm được nhiều hơn 300.000 NDT/năm lại có thu nhập tốt hơn.
Tăng lương tối thiểu
"Chìa khóa để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc là làm thế nào tăng sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp, hầu hết ở các vùng nông thôn", ông Peng nhận định.
Quốc gia này có khoảng 290 triệu lao động đến từ vùng nông thôn, chiếm 66% lực lượng lao động thành thị của cả nước. Tuy nhiên, mức lương bèo bọt và thiếu hụt hỗ trợ phúc lợi xã hội đã khiến họ và gia đình họ - tổng cộng lên tới 600 triệu người - hạn chế chi tiêu rõ rệt.
Thu nhập bình quân hàng năm của nhóm lao động nhập cư chỉ bằng 56% thu nhập của nhân viên khu vực thành thị vào năm 2017. Đến năm 2019, tỷ lệ này giảm xuống còn 52,5%.
Trước thực trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nghiêm trọng, các chuyên gia kinh tế cho biết việc tăng lương tối thiểu - đặc biệt đối với lao động nhập cư - và đẩy mạnh cải cách ruộng đất nông thôn, cho phép người dân hưởng lợi từ việc tăng giá đất sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán khó này của chính phủ.
Bất bình đẳng thu nhập giữa thành thị và nông thôn là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Theo đó, một số cải cách khác như hệ thống thuế và an sinh xã hội, luật thuế tài sản, cũng là những biện pháp quan trọng để thu hẹp bất bình đẳng thu nhập. Ở Trung Quốc, các ưu đãi thuế thường đánh vào thuế trực thu, chẳng hạn như thuế thu nhập cá nhân và tài sản, thay vì thông qua thuế gián thu đối với doanh thu kinh doanh hay thuế giá trị gia tăng (VAT).
Nguồn thu chính phủ Bắc Kinh phụ thuộc 60% vào thuế gián thu. Do đó, nếu không cắt giảm thuế gián thu, gánh nặng thuế của quốc gia vẫn rất nặng nề.
Trong kỳ họp "lưỡng hội" năm nay, cơ quan quản lý chính sách Trung Quốc đã đề xuất nhiều kế hoạch để giải quyết tìm trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Các nhà quản lý hứa hẹn giúp những người thoát nghèo nhưng vẫn còn thu nhập thấp tìm việc làm. Mặt khác, chính quyền cũng tập trung xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tại các "vùng giảm nghèo" được chỉ định.
Nỗ lực là chưa đủ
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định những nỗ lực này vẫn chưa đủ để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Giáo sư Li Shi, chuyên gia về phân phối thu nhập tại Đại học Chiết Giang (Hàng Châu), cho biết: "Cải cách phân phối thu nhập rất phức tạp. Thậm chí, nó có thể không mang lại kết quả gì nếu chính phủ không có những thay đổi mang tính vĩ mô về thuế và tự do hóa thị trường lao động".
Giáo sư Li cho rằng hệ thống thuế và chi trả phúc lợi xã hội hiện tại của Trung Quốc khó thể hỗ trợ thu hẹp bất bình đẳng trong thu nhập. "Trên thực tế, chính hệ thống này đã làm tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn", ông nói.
Với hầu hết người dân ở huyện Nhân Hóa, thuật ngữ "chênh lệch giàu nghèo" vẫn là một khái niệm xa lạ. Người dân nghèo hiểu biết rất ít về cuộc sống ở các khu vực ngoài ngôi làng nghèo của mình. Do đó, rất ít trong số họ có cơ hội chứng kiến cuộc sống tiện nghi, xa hoa của những người giàu có sống cách họ chỉ vài giờ đi xe.
"Nhiều người già trong làng sống ở đây hàng chục năm trời. Chúng tôi ăn rau lúa tự trồng được, họa hoằn lắm mỗi tháng mới có bữa thịt 1-2 lần. Ngoài chuyện đó ra, chúng tôi không dám chi tiêu hay suy nghĩ gì nhiều hơn", cô Peng nói.