Năm 2009, truyền thông Trung Quốc xôn xao với tin một công nhân nhập cư ở tỉnh Hà Nam tự mổ ngực mình, để lộ lá phổi đen ngòm vì bụi than sau nhiều năm lao động dưới hầm mỏ sâu trong lòng đất.
Sau nhiều nỗ lực để chứng minh mình bị bệnh "phổi đen" nhưng vô vọng, người công nhân này tự phanh ngực để yêu cầu bảo hiểm lao động trả chi phí điều trị. Theo South China Morning Post, câu chuyện này cho thấy rõ thảm cảnh của hàng triệu công nhân nhập cư Trung Quốc, đặc biệt là những người làm trong ngành khai thác mỏ.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, hàng trăm triệu lao động ở vùng nông thôn đổ xô đến các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp để kiếm sống. Với trình độ văn hóa hạn chế, họ chỉ có thể làm việc chân tay tại các mỏ than đá, công trình xây dựng...
Trong cuộc mưu sinh, nhiều người trong số họ phải trả giá bằng chính mạng sống do mắc căn bệnh "phổi đen" chết người.
Hiểm họa từ hạt bụi
Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho biết "phổi đen" là căn bệnh liên quan đến nghề nghiệp phổ biến nhất tại nước này, chiếm đến 90% trường hợp. Theo Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia, cuối năm 2013 Trung Quốc có 750.000 người bị bụi phổi, 60% làm việc tại các mỏ than.
Đến năm 2018, con số này tăng lên đến 870.000 người. Tuy nhiên, Love Save Pneumoconiosis (LSP) - một tổ chức phi chính phủ chuyên nâng cao nhận thức và giúp đỡ những người mắc bệnh bụi phổi - ước tính số người mắc bệnh bụi phổi thực tế ở Trung Quốc lên đến 6 triệu người.
"Phổi đen" là căn bệnh khó chữa và dễ gây các biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi. Bệnh gây ho, đau ngực và khó thở. Bệnh nhân có thể mất khả năng đi lại, trường hợp quá nặng có thể dẫn đến tử vong.
Thống kế chính phủ Trung Quốc cho biết trong năm 2013, có đến 1/5 trong tổng số 676.541 trường hợp mắc bệnh "phổi đen" đã tử vong. Trong kỳ họp "lưỡng hội" đang diễn ra tại Bắc Kinh, căn bệnh "phổi đen" của lao động nhập cư là một trong những chủ đề được các quan chức Trung Quốc thảo luận.
Theo bác sĩ chuyên khoa hô hấp Chen Jingyu, không khó chẩn đón bệnh "phổi đen". "Chỉ cần dựa vào lịch sử tiếp xúc với bụi của bệnh nhân, quan sát mẫu chụp X-quang phổi và CT xoắn ốc độ phân giải cao là có thể xác định được bệnh", bác sĩ Chen giải thích.
"Tuy nhiên, công nhân vẫn gặp khó khăn trong việc được xác nhận là mắc căn bệnh này. Tình trạng này đã được thảo luận vài lần trong các cuộc họp 'lưỡng hội', nhưng đến nay vẫn là một câu hỏi lớn", bác sĩ Chen nói.
Bệnh "phổi đen" chưa phải là điều tồi tệ nhất với lao động nhập cư Trung Quốc. Khảo sát mới đây với gần 600 công nhân mắc bệnh tại 7 tỉnh nước này cho thấy tất cả vừa vật lộn với bệnh tật, vừa lay lắt với mức thu nhập bèo bọt, một phần vì tác động của dịch Covid-19.
Oằn mình mưu sinh
Các công nhân nhập cư mắc bệnh phổi bụi phổi tại Trung Quốc có thu nhập trung bình chỉ 393 NDT (61 USD)/tháng, giảm 16% so với một năm trước đó. Dù làm việc trong môi trường lao động độc hại, mức lương của công nhân hầm than lại thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình của lao động nước này là hơn 4.072 NDT (630 USD)/tháng.
Giữa đại dịch Covid-19, nhóm lao động nhập cư có thu nhập bấp bênh hơn so với các lao động khác. Trầm trọng nhất trong nhóm này là các công nhân lao động trong hầm than. Thậm chí, có 3% công nhân mắc bệnh "phổi đen" trong khảo sát tiết lộ thu nhập giảm xuống bằng không vào năm ngoái.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 80% hộ gia đình có công nhân mắc bệnh bụi phổi sống trong tình cảnh chật vật với thu nhập ít ỏi, tăng mạnh so với tỷ lệ 64% hồi năm 2019. Trung bình, khoản nợ mà những hộ gia đình này đang gánh cao gần gấp đôi số tiền họ dành dụm được.
Mặt khác, những công nhân mắc bệnh bụi phổi thường xuất thân từ các vùng nông thôn và là lao động chính trong gia đình. Theo AFP, nhiều hộ gia đình ở các vùng quê nghèo Trung Quốc buộc phải để trụ cột kinh tế của gia đình chết dần chết mòn do không có tiền thuốc thang, chữa bệnh.
Khoảng 1/3 tổng thu nhập ít ỏi của lao động nhập cư mắc bệnh "phổi đen" được chi cho việc chữa bệnh. Các công nhân chỉ được hỗ trợ một phần rất nhỏ chi phí khám chữa bệnh từ bảo hiểm y tế và bảo hiểm lao động.
Theo số liệu của chính phủ, chưa đến 30% dân lao động nhập cư Trung Quốc được hưởng bảo hiểm tai nạn trong khi lao động năm 2019. Trong đó, chỉ có khoảng 3,5% lao động mắc bệnh bụi phổi có bảo hiểm thương tật trong công việc.
Nguyên nhân là người lao động phải cung cấp hợp đồng lao động để yêu cầu bảo hiểm chi trả chi phí điều trị bệnh. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy có đến 75% công nhân mắc bệnh "phổi đen" không ký hợp đồng lao động khi làm việc.
Chết mòn
Theo báo cáo của Love Save Pneumoconiosis, nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc nhẫn tâm ưu tiên lợi nhuận sản xuất hơn bảo vệ người lao động. Do đó, dịch "phổi đen" ở công nhân ngày càng trầm trọng. Chưa đến 20% các đơn vị sử dụng lao động cung cấp đủ bằng chứng cho thấy họ ký hợp đồng lao động với công nhân nhập cư.
Cuối năm 2020, số lượng lao động nhập cư ở Trung Quốc giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuống còn 285 triệu người. Nhiều lao động nhập cư chuyển từ lĩnh vực công nghiệp sang các lĩnh vực dịch vụ trong những năm gần đây.
Dù vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy vẫn còn khoảng 46% lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất trong năm 2019. Rất nhiều người trong số họ thực sự bán mạng làm việc, không có bảo hiểm, không được hưởng các chế độ lao động cần thiết.
Năm 2013, cả Trung Quốc rúng động với vụ 200 lao động từ tỉnh Hồ Nam mắc bệnh "phổi đen" do làm việc tại các công trình xây dựng. Căn bệnh giết chết 1/4 số người này. Hơn 100 người khác mòi mỏn chiến đấu để cố sống sót.
Nhóm công nhân đến Thâm Quyến để đòi tiền bồi thường. Sau nhiều tháng đàm phán, họ nhận được mức bồ thường 70.000-130.000 NDT (11.000-21.000 USD). Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ để trả hết nợ nần trong gia đình, còn căn bệnh "phổi đen" vẫn đeo bám các công nhân và dần dần rút cạn chút sức lực cuối đời của họ.
"Bệnh phổi đen là bản án tử hình",
Geoff Crothall, người phát ngôn tổ chức bảo vệ quyền người lao động China Labour Bulletin (Hong Kong)
Trong nhiều năm qua, các công nhân ngành than Trung Quốc vẫn chật vật đòi tiền bồi thường từ các công ty khai thác. Rất ít người thành công vì không chứng minh được bệnh "phổi đen" họ mắc phải là hậu quả của việc làm việc trong môi trường độc hại.
Theo thống kê của LSP, đến cuối năm 2014, mới chỉ có 19% trong số 6 triệu công nhân ngành than bị bệnh bụi phổi ở Trung Quốc nhận được tiền bồi thường.
“Bệnh nhân phổi đen có thể cầm cự qua ngày bằng thuốc, nhưng căn bệnh vẫn là bản án tử hình”, ông Geoff Crothall, người phát ngôn của tổ chức bảo vệ quyền người lao động China Labour Bulletin tại Hong Kong nói với AFP.