Tờ South China Morning Post - SCMP (Trung Quốc) mới đây đã viết về các ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam. Trong đó, báo này đề cập câu chuyện Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát hàng "đội lốt" để làm giả nguồn gốc xuất xứ, cũng như tác động đến tăng trưởng GDP.
SCMP cho biết Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phát hiện rất nhiều giấy chứng nhận giả mạo về nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có việc chuyển đổi nguồn gốc hàng hóa bất hợp pháp ở các ngành nông nghiệp, dệt may, thép và nhôm.
Báo này cũng dẫn nhận định của ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Việt Nam lo ngại có thể bị Mỹ trừng phạt khi cho phép hàng giả “made in Vietnam” được xuất khẩu sang "xứ cờ hoa".
Một chiếc áo hiệu Ted Baker với có mác “Made in Vietnam” trong một nhà máy tại Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Theo đó, Chính phủ đang lo ngại các sản phẩm của Trung Quốc có thể tìm đường sang Mỹ thông qua Việt Nam để tránh thuế quan cao. Lo ngại này đang tăng cao khi dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, nhất là từ Trung Quốc.
SCMP cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã phát hiện các trường hợp gian lận, bao gồm việc dán nhãn hàng hóa Trung Quốc thành “made in Vietnam” trước khi hoàn thành giấy chứng nhận xuất xứ. Bài đăng trích dẫn một ví dụ của Hải quan Mỹ phát hiện ván ép Trung Quốc được chuyển đến Mỹ thông qua một công ty Việt Nam.
"Các quan chức hải quan tại Việt Nam đang tăng cường giám sát và kiểm tra hàng hóa để truy quét triệt để", SCMP dẫn nguồn từ Chính phủ Việt Nam.
Ngoài vấn đề hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt, tờ báo này cũng đăng tải thông tin về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tới tăng trưởng GDP Việt Nam.
"Các nhà chức trách Việt Nam lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ làm tổn thương tăng trưởng kinh tế. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói với Quốc hội tuần trước rằng GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới vì cuộc chiến thương mại", báo này nêu.
Một công nhân đang gấp áo sơ mi trong xưởng dệt may tại Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, Việt Nam đang bị chính quyền Tổng thống Trump kiểm tra sau khi Bộ Tài chính Mỹ bổ sung Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Việt Nam cho biết sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái để tạo ra lợi thế thương mại không công bằng.
Tuy nhiên, SCMP trích dẫn ý kiến của Ngân hàng đầu tư Nomura (Nhật Bản) hồi tháng trước, đã xác định Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng.
"Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng gần 8% do sự thay đổi trong sản xuất, hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", Ngân hàng Nomura cho biết.
Ngoài ra, phần lớn lợi nhuận của Việt Nam đến từ việc Mỹ nhập khẩu bổ sung, thay cho lượng hàng hóa mà nước này áp thuế với Trung Quốc. Các mặt hàng chủ yếu là thiết bị điện tử cho điện thoại, đồ nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động.
"Có thể là do các công ty đa quốc gia có thể nhanh chóng chuyển đổi sang các nhà máy bên ngoài Trung Quốc", SCMP dẫn bình luận của các nhà phân tích.
Các công nhân đang làm việc tại xưởng dệt may tại Hà Nội. Photo: AFP. |
Tờ báo này cũng dẫn lời chủ một nhà máy tại tỉnh Quảng Đông cho biết Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt những yêu cầu đối với việc chuyển dịch các nhà máy Trung Quốc.
“Các loại thuế để vận chuyển máy móc, thiết bị và bán thành phẩm, cũng như chi phí làm giấy chứng nhận xuất xứ, cao hơn nhiều so với trước đây”, vị doanh nhân tại Quảng Đông nói.
Chủ nhà máy tại Quảng Đông cũng nói với SCMP rằng: “Chúng tôi cũng rất sợ xã hội Việt Nam sẽ phản đối các công ty sản xuất Trung Quốc chuyển đến đất nước họ".