Trang phân tích thể thao chuyên sâu Main Stand của Thái Lan đã đăng tải một bài bình luận với tiêu đề: "Hai đối thủ không đội trời chung: Bóng đá Thái Lan - Việt Nam làm cách nào để cùng phát triển?".
Theo tác giả, mỗi nền bóng đá của 2 nước này mà tiêu biểu là giải vô địch quốc gia đều sở hữu nhiều thế mạnh riêng biệt có thể học hỏi lẫn nhau.
Người hùng mới của khu vực
Trang Main Stand phân tích về thời đại hoàng kim của nền bóng đá 2 nước: "Thái Lan từng bước lên thời đỉnh cao khi vô địch AFF Cup 2014 và 2016; SEA Games 2013, 2015 và 2017 hay lọt tới vòng loại cuối cùng của World Cup khu vực châu Á".
"Trái ngược với Thái Lan, đội bóng được mệnh danh là 'Những ngôi sao vàng' lại không gặt hái được thành công nào vào thời điểm đó, chỉ có thể nhìn đàn 'Voi chiến' liên tục giành cúp", trang này so sánh thành tích của hai nền bóng đá trong khu vực.
Trang báo Thái Lan minh họa về nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan luôn cạnh tranh quyết liệt trong khu vực. Ảnh: Main Stand. |
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn luôn bảo toàn quan điểm phát triển bóng đá trẻ và đi theo cách của riêng mình. Sau thất bại cay đắng 0-6 trước Thái Lan tại U19 Đông Nam Á 2015, chỉ một năm sau, U19 Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng bán kết giải vô địch châu Á và đến với U20 World Cup 2017.
Còn hiện tại, đội tuyển Việt Nam với lực lượng nòng cốt đến từ lứa U23 vừa vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2019.
Trang thể thao này bình luận: "Từ những thanh niên từng bị các cầu thủ Thái Lan đánh bại, mang đến niềm tiếc nuối và những giọt nước mắt cho người hâm mộ trên cả nước, giờ đây họ là những người hùng thành công nơi đấu trường châu Á".
Lý do cho thành công hiện tại
Trisit - người đại diện từng đưa các tuyển thủ Thái Lan là Niwes Siriwong, Sakda Jeerdee, Nirut Surasakon, Kiatisak Senamuang sang Việt Nam thi đấu - chỉ ra rất nhiều yếu tố khiến đội tuyển quốc gia Việt Nam phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những đội bóng được quan tâm nhất châu Á.
Ông cho biết: "Việt Nam phát triển đội bóng quốc gia một cách có hệ thống. Họ bắt đầu từ nền tảng là sự phát triển tài năng trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xây dựng những trung tâm đào tạo, cùng với các CLB mở ra học viện liên kết với bóng đá châu Âu để nuôi dưỡng và tạo ra những cầu thủ chất lượng bậc nhất".
"Việt Nam đào tạo trẻ em chơi bóng đá khi còn nhỏ, từ 6-7 tuổi. Các em theo học ở trung tâm, tập luyện nội trú để học phương pháp chơi bóng và trui rèn kỷ luật. Đội tuyển bóng đá Việt Nam từ lứa U16 đến các cấp độ cao hơn đều sẵn sàng chơi theo cùng một chiến thuật", ông Trisit nhận xét.
"Ngay cả khi thua cũng không thành vấn đề. Nhưng khi lớn lên, các cầu thủ được hiểu rõ hơn về chiến thuật, thi đấu trong một tập thể, một hệ thống thực sự và không dồn quá nhiều sự tập trung cho các siêu sao", ông nói.
Đội tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi một HLV Park Hang-seo tài năng và đề cao tính kỷ luật. Đồ họa: Minh Phúc. |
Bên cạnh đó, trang Main Stand cũng cho rằng sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo - từng có khoảng thời gian làm việc cho đội tuyển Hàn Quốc - cũng là một yếu tố quan trọng đưa tuyển Việt Nam gặt hái thành công rực rỡ trong năm 2018.
Trang này viết: "Ông Park đã đến và giúp các cầu thủ thấm nhuần kỷ luật, tăng cường thể lực hàng ngày bằng cách chăm chỉ tập luyện cả sáng lẫn tối để có thể trạng tốt nhất khi ra sân thi đấu. Kết quả, các cầu thủ Việt Nam hiện tại trở thành những chú ngựa chạy dẻo dai trong suốt kỳ Asian Cup. Ngay cả khi mỗi trận chỉ cách nhau 3-4 ngày hay phải đá tới 120 phút, họ vẫn đuổi theo tranh bóng với các đối thủ trong mọi trận đấu".
"Trong khi đó, đội tuyển Thái Lan lại cho thấy điều ngược lại. Ở nhiều giải đấu, thể lực trở thành một dấu hỏi, liệu rằng các cầu thủ của chúng ta có thể chạy trong suốt 90 phút thi đấu không?", trang này đưa ra câu hỏi dành cho các cầu thủ đội nhà.
Bài học dành cho Thái Lan
Theo Trisit, Thái Lan nên tìm đến Việt Nam để nghiên cứu những điểm mạnh của bóng đá nước bạn, đồng thời phát huy thế mạnh của mình nhằm tự thôi thúc sự phát triển.
Trisit nhận định: "Thể hình là điều quan trọng nhất mà Thái Lan nên học từ Việt Nam, sau đó hãy truyền tải bài học này đến cầu thủ. Các cầu thủ Thái Lan có thể tốt hơn Việt Nam ở nhiều mặt, nhưng nếu đối đầu nhau lúc này, các cầu thủ của chúng ta nhiều khả năng phải vô cùng vất vả khi đối thủ có thể lực tốt hơn".
"Thái độ của các cầu thủ Thái Lan đã phản ánh tất cả. Các cầu thủ Việt Nam không bao giờ phàn nàn về việc tập luyện nặng nhọc mỗi ngày, trong khi chúng ta lại không tập chăm chỉ bằng họ", ông cho biết.
Lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 mang đến tín hiệu lạc quan cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Ngoài việc tăng cường thể lực, Trisit còn nhận xét thêm rằng đội tuyển Thái Lan nên theo dõi các hệ thống phát triển bóng đá trẻ của Việt Nam, biến mầm non thành cầu thủ trưởng thành và có định hướng rõ ràng.
Ông nói: "Sức mạnh của đội tuyển Việt Nam hiện tại là việc chơi bóng kết hợp với tinh thần đồng đội, tập trung vào nâng cao thể lực. Khi đã có cách tiếp cận rõ ràng, Việt Nam đã và đang phát triển đội tuyển quốc gia một cách có hệ thống".
"Việt Nam cũng biết họ nên sử dụng HLV Nhật Bản hay Hàn Quốc để phát triển thể lực và kỷ luật cho các cầu thủ. Còn quay trở lại đội tuyển Thái Lan, tôi không biết chúng ta sẽ chơi với loại đội hình nào, HLV theo phong cách nào", Trisit bày tỏ sự hoang mang.
Ngoài ra, trang Main Stand cũng đề cập tới một vấn đề của đội tuyển Thái Lan, đó là tập trung quá nhiều vào các siêu sao hơn là chiến thuật. "Thái Lan sẽ chơi mà không thể thiếu đi Chanathip Songkrasin, Thirathorn Bunthanan hay Teerasil Dangda", trang này viết.
"Nhưng nếu Việt Nam thiếu đi những ngôi sao, điều này cũng không quá quan trọng vì họ có những sự thay thế khác. Họ đang nuôi dưỡng một hệ thống chơi có thể áp dụng với mọi cầu thủ", trang thể thao Thái Lan chỉ ra sự khác biệt.