Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bão số 9 đạt cấp độ cực lớn, không được chủ quan'

"Các tỉnh, thành phố ở miền Trung không được chủ quan, cần bảo đảm an toàn tối đa tính mạng và tài sản của người dân", Phó thủ tướng yêu cầu.

Chiều 27/10, tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 và kiểm tra thực tế công tác ứng phó tại âu thuyền Thọ Quang.

Báo cáo với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 9 có cường độ mạnh nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Bão số 9 rất đặc biệt

Theo ông, đây là cơn bão rất đặc biệt, có sức mạnh lớn nhất. “Cơn bão hình thành ở miền Trung Philippines, nơi ấy hoàn toàn trống, không có vật cản. Khi vào Biển Đông, hướng tuyến của bão đi giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoàn toàn không có vật cản nên nó đi cực nhanh", ông Cường lý giải.

Bao so 9 do bo vao mien Trung anh 1

Phó thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở miền Trung. Ảnh: Minh Hoàng.

Sau khi đưa ra những nhận định về bão số 9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu lãnh đạo các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên tuyệt đối không được chủ quan, phải huy động mọi nguồn lực, phương tiện để ứng phó.Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, một yếu tố bất lợi nữa là bão hình thành không có không khí lạnh, không có không khí khô nên không có yếu tố giảm mức độ hoặc triệt tiêu được bão. "Chính vì vậy bão đạt cấp độ cực lớn”, ông Cường nhấn mạnh.

Sơ tán dân là nhiệm vụ số một

Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định bão số 9 có khả năng mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây khi đổ bộ vào miền Trung. Theo dự báo thì cơn bão này tương đương với bão Xangsane (năm 2006) và mạnh hơn nhiều so với bão Damrey (năm 2017).

Bao so 9 do bo vao mien Trung anh 2

Ngư dân Đà Nẵng cẩu tàu thuyền lên bờ trú ẩn. Ảnh: Phạm Phùng.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành phải nhanh chóng vào cuộc ứng phó. "Các tỉnh, thành phố ở miền Trung không được chủ quan, cần bảo đảm an toàn tối đa tính mạng và tài sản của người dân", Phó thủ tướng yêu cầu.

Ông Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát tàu thuyền đang ở nơi nguy hiểm để kêu gọi, tìm nơi tránh trú an toàn.

Chính quyền phải cử lực lượng xuống hỗ trợ ngư dân chằng, níu đúng cách để các tàu thuyền không bị va đập dẫn đến bị chìm, hỏng.

Nhận định bão số 9 có sức gió giật rất mạnh, Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương ven biển phải sơ tán tất cả người dân ra khỏi các lồng bè trên biển, đặc biệt là ở khu vực các đảo.

Bao so 9 do bo vao mien Trung anh 3

Dân Đà Nẵng gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

"Tuyệt đối không để một người dân nào trên các lồng bè. Sơ tán dân là nhiệm vụ số một. Những nhà ở không an toàn phải sơ tán dân. Phải cấm người dân đi lại, ra ngoài trong thời gian bão đổ bộ", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng vũ trang Quân khu 5 và các đơn vị quân đội cần phối hợp chặt chẽ với địa phương chủ động ứng phó sự cố trong và sau bão số 9; ứng phó sự cố những vùng ngập sậu, vùng núi sạt lở đất và sụp đổ công trình tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

"Chúng ta phải làm mọi cách để giảm thiểu nhiều nhất thiệt hại về người và tải sản của nhân dân. Bên cạnh đó, cần chủ động ứng phó mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Người Đà Nẵng chống tốc mái bằng túi nước

Để ứng phó bão số 9, người Đà Nẵng dùng bao tải cát, túi nước, dây thép và thanh sắt để chằng buộc nhà cửa.

Người Đà Nẵng cẩu thuyền lên bờ tránh bão số 9

Đà Nẵng đã huy động quân đội và công an đến vùng xung yếu để giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền trước khi bão số 9 đổ bộ.

Đoàn Nguyên - Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm