Trưa nay (19/9), ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 11h40, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là Soulik) ở trên vùng bờ biển Quảng Bình - Thừa Thiên Huế với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 10-11 (89-117 km/h).
Theo ông Khiêm, chỉ còn vài tiếng nữa, khoảng 13-15h, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Vùng gió trên cấp 6 được nhận định mở rộng từ khu vực ven biển đất liền Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Dự báo diễn biến bão (trong 24 giờ tới). Nguồn: NCHMF. |
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, khu vực từ Đà Nẵng trở vào, nguy cơ về gió mạnh của cơn bão số 4 này có thể tạm không đáng ngại. Tuy nhiên, về mưa lớn ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế còn tiếp tục trong chiều nay và sau đó giảm dần.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh, cùng với sự di chuyển của hoàn lưu bão sau khi đi vào đất liền sẽ gây mưa lớn diện rộng ở Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt khu vực phía Bắc Thừa Thiên Huế đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh...", ông Khiêm cảnh báo.
Ông Khiêm nhận định, lượng mưa lớn tập trung ở khu vực này còn tiếp tục trong ngày và đêm nay. Nguy cơ rất lớn xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Tây.
Hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn cho nhiều tỉnh, thành Bắc và Trung Trung Bộ. Nguồn: VNDMS. |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đêm qua đến sáng nay, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to Hòa Bắc (Đà Nẵng) 166 mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 309 mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 270 mm...
Dự báo khoảng 16h chiều nay, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10-11.
Do tác động của bão số 4, vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61 km/h), sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 10-11 (89-117 km/h), sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5 m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3 m. Biển động.
Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19/9.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.
Đồng thời, trên đất liền: Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10-11; sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6-7.
Đề phòng xuất hiện các ổ mây giông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa giông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.
Đáng lưu ý, từ hôm nay đến hết ngày mai (20/9), ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150 mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị - Đà Nẵng trong ngày 19/9.
Cũng trong hôm nay, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm.
Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.