- 7h sáng 4/11: tâm bão đang ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.
- Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 15-20km/h
- Thiệt hại: Đã có 3 người mất tích, nạn nhân ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Bạn đọc đang ở trong vùng bão hoặc ảnh hưởng của bão, xin chia sẻ hình ảnh, clip, thông tin về toasoan@zing.vn. Xin chân thành cảm ơn.
-
Hai cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Nam trong 50 năm qua
-
Đường đi của bão số 12 - Damrey
Đường đi của bão số 12 - Damrey. Đồ họa: Nhân Lê
-
Khánh Hòa: 3 người mất tích, 4.227 du khách kẹt ở đảo
Lúc 16h, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) do ảnh hưởng của bão số 12 tại địa phương có 3 người mất tích . Ba nạn nhân mất tích gồm: Võ Quốc Huy (16 tuổi, ngụ phường Đa Ninh), Lương Công Nhật Đăng (17 tuổi, ngụ phường Ninh Quang) và Võ Công Hiên (24 tuổi, ngụ xã Ninh Ích). Trong đó nạn nhân Võ LƯơng Huy đã được tìm thấy lúc 15h ngày 3/11.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, tại các khu du lịch trên đảo đang còn 4.227 du khách, trong đó có 2.217 du khách người nước ngoài. Hầu hết số du khách này đang ở tại khu du lịch trên đảo Hòn Tre trong vịnh Nha Trang. Chỉ một số ít ở tại các khu du lịch trên đảo Hòn Tằm (Nha Trang) và đảo Bình Ba trong vịnh Cam Ranh.
Lực lượng quân đội triển khai công tác úng phó bão số 12. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Khánh Hoà: Yêu cầu cấm đường từ 22h đêm
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão tại TP Nha Trang (Khánh Hoà) chiều 3/11.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, xác định cơn bão số 12 là cơn bão mạnh, nên đã tập trung toàn bộ lực lượng phòng chống bão. Yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng người dân thông qua số điện thoại di động chủ động chống, chằng nhà cửa, trú tránh bão an toàn. Trên biển, toàn bộ tàu và thuyền viên đã vào khu tránh, trú an toàn. Các lồng bè khẩn trương gia cố lồng bè và vào bờ để đảm bảo an toàn. Yêu cầu tất cả các cơ quan có khu du lịch biển, đảo phải đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt không cho du khách ra tắm biển hoặc tham qun biển đảo nữa.
Hiện nay, tỉnh đã sơ tán 6.000 người dân về nơi an toàn, đến 18h hôm nay sẽ cưỡng chế tất cả các hộ dân còn lại. Ngoài ra, hiện tỉnh đã chỉ đạo tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn phải xả tràn, trong đó hồ xả lớn nhất đạt mức 2.000m3/s. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo: Khánh Hòa là tỉnh du lịch và có nhiều khu vực biển đảo nên cần phải nghiêm túc trong công tác phòng, chống cơn bão. Từ 22h trở đi phải cấm đường, không cho ai lưu thông để đảm bảo an toàn. Khánh Hòa là trọng điểm bão đổ bộ nên phải làm ngay.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) chủ trì họp trực tuyến ứng phó với bão số 12 từ TP Nha Trang (Khánh Hoà). Ảnh: Lê Xuân. -
Người dân chằng chống nhà cửa đón bão
Chiều 3/11, người dân thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận bắt đầu chằng chống nhà cửa đón cơn bão số 12 - Damrey dự kiến đổ bộ vào đêm nay. Theo người dân, đây là cơn bão mạnh thứ 2 trong 50 năm trở lại đây đổ bộ vào khu vực này.
Lực lượng công an huyện Ninh Hải, Bộ đội Biên phòng Vĩnh Hy cũng hỗ trợ giúp người dân neo lại thuyền, chồng chéo các mái hiên lợp tôn, gỡ các bảng quảng cáo ở gần biển có nguy cơ đỗ sập.
Theo ghi nhận của Zing.vn, thời tiết khu vực vịnh Vĩnh Hy chiều 3/11 khá đẹp, trời không mưa, gió nhẹ. Nhiều khách du lịch tham quan vịnh Vĩnh Hy vẫn nán lại khu vực này để chụp hình. Các hoạt động thể dục thể thao của người dân vẫn diễn ra bình thường.
-
Ninh Thuận: Một tàu cá bị mất liên lạc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện có một tàu cá đang mất liên lạc. Tàu mang số hiệu NT – 91269 hoạt động khu vực DK1 do ông Tô Minh Thanh làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 thuyền viên. Ninh Thuận có 2.650 tàu cá với 16.467 thuyền viên đã neo đậu an toàn. Trong đó, có 347 chiếc neo đậu tại bến của các tỉnh khác.
Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 12 từ đầu cầu Ninh Thuận. Ảnh: Tùng Tin.
-
Người dân Ninh Thuận giằng néo nhà đón bão
-
Bình Thuận: Chuẩn bị phương án sơ tán hơn 5.000 người nước ngoài
Chiều 3/11, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Hiệp hội Du lịch và các resort, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phương án di dời du khách ra khỏi khu vực nguy hiểm nếu ảnh hưởng của bão số 12.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 du khách đang lưu trú. Trong đó, hơn 5.000 du khách nước ngoài đang nghỉ dưỡng tại các resort thuộc phường Mũi Né và phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết). Tại Mũi Né, du khách được sơ tán đến trường Tiểu học Mũi Né 4, trụ sở khu phố Long Sơn, Doanh trại quân đội C19, nhà nghỉ Bộ Công an, trụ sở Công an phường Mũi Né. Tại Hàm Tiến di tản du khách đến khu biệt thự Sealink City, khu biệt thự Minh Thành, Trung tâm bùn khoáng Sao Mai, trụ sở UBND phường Hàm Tiến và Trường Hồ Quang Cảnh.
Bãi biển Hàm Tiến. Ảnh: Huỳnh Hải -
TP.HCM: Sơ tán 700 người dân xã đảo Thạnh An
Chiều nay 3/11, lực lượng chức năng huyện Cần Giờ phối hợp cùng xã đảo Thạnh An đã đến từng nhà dân vận động người già, phụ nữ và trẻ em sơ tán 3 điểm trú ẩn là xã đội, trường Tiểu học Thạnh An, trường THCS Thạnh An.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết xã sơ tán khoảng 700 người dân thuộc khu vực ven sông, sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng bão. “Người già, phụ nữ và trẻ em được huy động đến nơi trú ẩn an toàn. Chính quyền đã cử lực lượng hậu cần chăm lo ăn uống, thuốc men cho bà con. Khi có vấn đề khác thì sẽ xử lý theo chỉ đạo của huyện”, ông Tuấn thông tin.
Theo ghi nhận của Zing.vn, hàng trăm người thuộc các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ của huyện Cần Giờ và xã Thạnh An đã có mặt, túc trực hỗ trợ người dân sơ tán và sẵn sàng đối phó khi bão đến. Trước đó, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hơn 600 thuyền hoạt động ở vùng biển thuộc huyện Cần Giờ đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Cụ bà được lực lượng chức năng hướng dẫn đến nơi trú ẩn. Ảnh: Lê Trai. -
Ninh Thuận: Sơ tán hơn 24.000 dân trước 21h
Tối 3/11, ngay sau khi dự họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống cơn bão số 12 cùng các tỉnh do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã xuống khảo sát cảng cá Đông Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Tại đây, Thứ trưởng đã thăm hỏi ngư dân và yêu cầu chính quyền địa phương cần có biện pháp đảm bảo an toàn người và tài sản cho ngư dân khi bão đổ bộ.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đến lúc này, công tác ứng phó cơn bão số 12 cơ bản đã hoàn tất, tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ trú ẩn, chỉ còn một chiếc chưa liên lạc được. Hiện tại, có hơn 24.000 hộ dân vùng xung yếu cần được di dời đến nơi an toàn. Theo ông Vĩnh, khi bão ập vào, kèm mưa lớn, gió và thủy triều lên nên các vùng này hết sức nguy hiểm. Tỉnh đã yêu phải sơ tán toàn bộ người dân trước 21h tối nay nhằm đảm bảo an toàn.
Cảng cá Đông Hải là nơi trú bão của hơn 600 thuyền cá của ngư dân. Từ 19h tối nay, cơ quan chức năng của TP Phan Rang – Tháp Chàm sẽ trực tiếp xuống các thuyền cá động viên ngư dân lên bờ. Trường hợp ngư dân không chấp hành, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế lên bờ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
-
Khánh Hoà: Cứu 13 ngư dân trôi dạt trên biển
Tối 3/11, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 4 (Nha Trang MRCC, đơn vị trực thuộc VNMRCC), cho biết đơn vì vừa cứu thành công 13 ngư dân trôi dạt trên biển.
Theo ông Bình, sáng cùng ngày khi đang trên đường vào Nha Trang trú bão, tàu cá BĐ-98079TS do ông Văn Dũng (28 tuổi, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã bất ngờ bị hỏng hộp số, mất khả năng điều động. Khi gặp nạn, tàu cách bờ biển Nha Trang khoảng 40 hải lý, trên tàu có 13 thuyền viên. Do ảnh hưởng bão số 12, sóng to cùng với biển động dữ dội đã khiến sức khỏe thuyền viên suy sụp, tinh thần hoảng loạn. Do vậy, tàu thuyền trưởng tàu bị nạn đã gửi yêu cầu cứu nạn khẩn cấp tới VNMRCC.
Trước thông tin khẩn cấp, VNMRCC đã điều động tàu SAR 274 đang ứng trực tại Nha Trang lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Sau nhiều giờ vượt sóng dữ, đến gần 13h ngày 3/11, tàu SAR 274 mới tiếp cận được tàu cá bị nạn. Ngay sau đó, một tổ cứu nạn được cử sang tàu BĐ-98079TS bằng ca nô để hỗ trợ bơm hút chống nước vào tàu, đồng thời tiến hành chăm sóc y tế, sức khoẻ thuyền viên gặp nạn.
Tuy nhiên, do thời tiết tại hiện trường lúc này rất xấu, gió cấp 7, cấp 8 giật cấp 10, sóng cao 3-4 m, tàu BĐ-98079TS không còn khả năng chống chọi với sóng gió, do vậy toàn bộ 13 thuyền viên đã buộc phải bỏ lại tàu cá, chuyển lên tàu cứu nạn để được đưa vào bờ. Sau khi được đưa vào Nha Trang, VNMRCC đã tặng quần áo, hỗ trợ tiền ở khách sạn cho các thuyền viên bị nạn. Hiện sức khỏe các thuyền viên đều ổn định.
Các thuyền viên được cứu sống đưa về bờ. Ảnh: Minh Quý.
-
Quân khu V: Huy động 56.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó với bão Damrey
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó tư lệnh Quân khu V, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị huy động hơn 44.000 quân nhân, dân quân tự vệ và hiệp đồng với 30 đơn vị khác của Bộ Quốc phòng huy động 12.000 người cùng hàng trăm ôtô, ca nô sẵn sàng cơ động 24/24 để giúp nhân dân ứng phó với cơn bão số 12.
Theo thiếu tướng Đức, trên địa bàn có 168 hồ đập, trong đó 75 hồ đập thủy điện có nguy cơ sạt lở. Quân khu V đã đề nghị các tỉnh phải sơ tán người dân đến nơi an toàn. Trường hợp xảy ra sự cố vỡ hồ đập, thiệt hại sẽ rất lớn.
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó tư lệnh Quân khu V. Ảnh: Minh Quý.
-
Sơ tán 880 hộ dân ở Nha Trang
Ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết đến tối 3/11, thành phố đã sơ tán được 880 hộ dân ở những nơi xung yếu. Công tác di dời vẫn đang được tiếp diễn tại các xã Phước Đồng, phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường.
"Thành phố đang huy động toàn bộ lực lượng, phấn đấu di dời dân xong trước 21h đêm nay. Hiện tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào tránh trú an toàn", ông Toàn thông tin.
Đến 20h30, Nha Trang bắt đầu đổ mưa. Chính quyền địa phương phát loa thông báo cấm người dân và du khách xuống biển.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing.vn, một số người tò mò vẫn mặc áo mưa kéo ra khu vực bờ biển.
Người dân kéo đến bãi biển Nha Trang tối 3/11. Ảnh: Minh Quý. -
Phú Yên: Gần 6.500 tàu thuyền vào bờ tránh bão
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đến chiều 3/11, hơn 4.000 hộ dân của tỉnh này đã sơ tán tránh bão số 12. Các hộ này chủ yếu sống ở vùng ven sông, ven biển, trũng thấp có nguy cơ sạt lở…
Chính quyền địa phương cũng yêu cầu tất cả người dân làm việc trên các lồng bè vào đất liền. Hiện các lực lượng chức năng ở Phú Yên đã kêu gọi 6.468 tàu thuyền vào bờ tránh bão. Riêng 41 tàu cá của ngư dân Phú Yên hoạt động trên vùng biển Trường Sa đã di chuyển ra ngoài vùng nguy hiểm của bão số 12.
Cũng theo ông Thế, đến 18h30 ngày 3/11, tổng lưu lượng nước từ hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh đổ xuống hạ du Phú Yên đã tăng lên 3.300 m3/giây. Trong đó, riêng nhà máy thủy điện Sông Hinh tăng lưu lượng lên 1.500 m3/giây.
Còn ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Ba Hạ, cho biết các nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi ở Tây Nguyên sẽ tăng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu nếu mưa lớn. Hiện nay, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả xuống dưới cao trình 102 m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, khi lưu lượng nước về lớn thì nhà máy cũng phải tăng lưu lượng xả xuống hạ du.
-
Du khách nước ngoài bình thản trước bão giật cấp 15
-
Ninh Thuận: Cưỡng chế ngư dân không sơ tán đến nơi an toàn
20h ngày 3/11, Bộ đội biên phòng cùng lực lượng bảo vệ cảng cá Đông Hải ở TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã xuống từng tàu cá động viên chủ tàu, ngư dân lên bờ, đảm bảo an toàn tính mạng.
Cảng cá Đông Hải là khu neo đậu tàu thuyền lớn nhất TP Phan Rang Tháp Chàm, với hơn 600 tàu. Theo cơ quan chức năng, sau khi vận động, nếu ngư dân và chủ tàu không lên bờ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế trong tối nay.
Bộ đội biên phòng và bảo vệ cảng cá Đông Hải vận động ngư dân rồi tàu đến nơi an toàn. Ảnh: Phước Tuần.
-
Hơn 30 chuyến bay bị hủy
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã hủy 8 chuyến bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cam Ranh. Ngoài ra, VNA hủy 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Đà Lạt, gồm VN1380, VN1381. Hãng này sẽ triển khai kế hoạch bay bù phù hợp trong ngày 5/11.
Hãng hàng không Vietjet cũng quyết định ngừng khai thác 22 chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung bao gồm Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Cam Ranh, Đà Lạt trong ngày 4/11.
-
Cuộc sống người dân xã đảo duy nhất ở Sài Gòn trước giờ bão đổ bộ
-
Cảnh báo lũ quét
Theo bản tin phát lúc 21h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, trong 3 giờ qua, từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 15-30 mm; một số nơi lượng mưa lớn hơn như Trà Khúc (Quảng Ngãi) 51 mm, Châu Ổ (Quảng Ngãi) 52,8 mm.
Cảnh báo: Trong 6-12 giờ tới, ở khu vực các tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to; Trong 6-12 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Ảnh: Minh Hoàng.
-
Mạnh ngang bão số 10 - Doksuri
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay cơn bão vào gần bờ có xu hướng di chuyển chậm lại nên khả năng sẽ đổ bộ vào khoảng 7h sáng, khu vực đổ bộ là Phú Yên - Khánh Hòa.
Với cấp gió 12, giật cấp 15, cường độ bão tương đương bão số 10 (Doksuri, cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm, đổ bộ vào Bắc Trung Bộ tháng 9 vừa qua). Tuy nhiên, do là cơn bão cuối mùa, đĩa mây nhỏ hơn, vùng chịu ảnh hưởng cấp gió cực đại cũng sẽ nhỏ hơn bão Doksuri.
Ảnh mây vệ tinh của bão số 10 lúc 21h30: NCHMF.
Ảnh mây vệ tinh của bão số 10 lúc 21h30: NCHMF. -
Phú Yên: Người dân giằng chống nhà cửa trước khi bão số 12 đổ bộ
Lúc 22h ngày 3/11, huyện Đông Hòa (Phú Yên) có mưa to kéo dài. Từng đợt sóng cao từ 5-7 m liên tục dội vào bờ biển Đà Nông, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa).
Hàng chục hộ dân ở xóm Lăng (xã Hòa Hiệp Nam) dùng dây thừng cỡ lớn buộc giằng chống nhà cửa, dán băng keo lên kính trước khi bão số 12 đổ bộ.
Trung úy Lương Công Hậu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Nông (huyện Đông Hòa), cho hay từ chiều nay, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đã hỗ trợ sơ tán khoảng 30 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu ở xóm Lăng chịu ảnh hưởng triều cường ven biển đến nơi an toàn. Bộ đội biên phòng cũng đã kêu gọi hàng trăm tàu thuyền về cảng Phú Lạc và các bến neo đậu, giằng néo.
Người dân thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) giằng chống nhà cửa. Ảnh: Minh Hoàng.
-
-
Nha Trang có mưa to kèm gió lớn
Lúc 1h sáng 4/11, thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) bắt đầu xuất hiện những cơn gió rít liên hồi. Cây xanh dọc tuyến đường Trần Phú nghiên ngã vì mưa to kèm gió lớn. Trên các tuyến đường chính của thành phố vắng bóng xe cộ. Không còn cảnh du khách đi chơi đêm như mỗi dịp cuối tuần. Gió rít khiến những tấm tôn và cánh cửa liên tục va đập tạo nên những tiếng động lớn.
Đường phố ở Nha Trang vắng bóng du khách chơi đêm dịp cuối tuần. Ảnh: Phước Tuần.
-
-
-
-
Bão số 12 - Damrey áp sát đất liền
3h30 sáng 4/11, bão thật sự gần tiến sát vào đất liền địa phận tỉnh Khánh Hòa. Tại TP Nha Trang, xuất hiện những cơn gió mạnh, giật liên hồi, kéo dài. Một đoạn đèn đường Trần Phú đã bị tắt. Mưa bắt đầu lớn hơn, nặng hạt. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây xanh trên đường Hoàng Diệu và Trần Phú liên tục bị gió giật tơi tả, nhiều cành cây đã gãy.
Bão số 12 đang đi thẳng vào Khánh Hoà. Ảnh: Phước Tuần. Hồi 1h sáng, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Do ảnh hưởng của bão số 12, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 8. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Quảng Ngãi 107mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 51mm, …
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 13h ngày 04/11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh phía Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
-
Bão số 12 vào đất liền: Mất điện, cây đổ, người dân chạy bão dưới mưa lớn
4h30 sáng 4/11, mưa và gió mạnh tiếp tục xuất hiện tại TP Nha Trang. Tại nhà văn hóa rộng 300 m2 ở cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang có khoảng 150 người được về trú bão từ chiều. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ mì tôm và nước nóng để dân lót dạ đêm khuya.
Tại Ninh Hoà, gió bắt đầu mạnh và giật liên hồi kèm theo mưa nhỏ. Dọc bờ biển Đông Hải (Phan Rang), mưa lớn dần, gió thổi mạnh. Trên đường Trần Phú (TP Nha Trang) cây đổ vì gió bão.
Mưa gió dữ dội, nhiều địa phương ở Phú Yên mất điện hoàn toàn. Gió bão lớn gây tốc mái nhiều nhà dân sống ven biển ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam(huyện Đông Hòa). Giữa đêm đen, bất chấp thời tiết nguy hiểm, nhiều người bồng bế con chạy giữa trời mưa gió chui xuống gầm cầu bê tông Lưới Gõ để tránh trú bão tam thời.
-
Mắt bão số 12 - Damrey đang ở Khánh Hoà
Lúc 6h15 sáng 4/11, theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, tâm bão đã bắt đầu đổ vào Khánh Hoà. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km.
Ảnh mây vệ tinh lúc 6h10 sáng 4/11 cho thấy tâm bão đang đổ bộ vào đất liền.
Tại Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hoà) gió mạnh kèm theo mưa lớn, UBND thị xã đã bật còi báo động để cho người dân chủ động phòng tránh bão. Theo chú Tuấn, ngụ thị xã Ninh Hòa đây là lần đầu tiên gió mạnh như vậy. Những lần trước gió chỉ nhẹ vì có núi Hòn Hèo che chở.
TP Nha Trang bị cắt điện. Trên các tuyến đường lớn như Trần Phú, Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Minh Khai... cây xanh ngã đổ, bàn quảng cáo, tôn, cũng bị gió quật ngã, bay la liệt giữa đường.
-
-
Theo ghi nhận của phóng viên An Bình tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, hàng chục cây xanh đổ rạp xuống đường, nhiều mảng tôn bị hất tung. Có những nhà nguyên mái tôn bị gió thổi bay cách nhà cả trăm mét. Gió rất mạnh, mưa lớn.
-
-
Thành phố Nha Trang lúc 7h sáng. Ảnh: Phước Tuần.
-
-
Khánh Hoà: Nhà người dân bị tốc mái hoàn toàn
Tại thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hoà) hiện trời đang mưa lơn kèm theo gió. Theo một lãnh đạo UBND thị trấn thì một số thôn tại địa phương nhà người dân bị tốc mái hoàn toàn.
Tại Nha Trang, bất chấp trời mưa lớn, gió bão quật gãy cây trên đường phố, một vài người dân vẫn bấp chấp nguy hiểm chạy xe máy trên đường.
Theo ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, hiện gió rất mạnh đã làm tốc mái của rất nhiều nhà dân. Thông tin ban đâu, tại phường Vĩnh Trường một nhà dân bị cây đổ làm sập nhà, nhưng không ai bị thương.
"Con số bao nhiêu nhà dân bị tốc mái chưa thể thống kê được, nhưng chắc chắc chắn là rất lớn, vì các nơi gọi điện báo liên tục. Ngoài ra, trụ sở UBND phường Vĩnh Nguyên cũng bị gió làm tốc mái", ông Toàn thông tin.
-
Bão cấp 11-12 trên đất liền
Theo cơ quan khí tượng, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Ninh Hòa (Khánh Hòa) gió giật cấp 12, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.
- Vị trí tâm bão lúc 7h: tâm bão đang ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.
- Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h.