Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Ứng phó bão số 12, tính mạng con người là trên hết

Tại cuộc họp trực tuyến với 10 địa phương ảnh hưởng của bão số 12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần quyết liệt di dời người dân đến nơi an toàn.

Chiều muộn 3/11, từ Khánh Hòa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với đầu cầu Hà Nội cùng 10 địa phương từ Quảng Trị đến Bình Thuận ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định cơn bão số 12 có cường độ gió rất mạnh, kèm mưa giông lớn và sẽ tiếp cận bờ biển nước ta trong ít giờ nữa.

"Tính mạng con người là trên hết"

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bão số 12 đang di chuyển nhanh về đất liền, dự kiến nơi đổ bộ là ở Khánh Hòa. Bão sẽ ảnh hưởng đến 10 tỉnh lân cận.

Theo Phó thủ tướng, các tỉnh Nam Trung Bộ là nơi rất ít có bão lớn vào, kinh nghiệm ứng phó của lãnh đạo và người dân chưa nhiều, vì vậy phải thật sự cẩn trọng và nghiêm túc trong phòng chống.

Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến.

“Bão vào thiệt hại không nhiều, nhưng sau bão thì rất lớn do mưa nhiều, lũ ống, lũ quét. Kinh nghiệm cơn bão vừa rồi ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho ta thấy hậu quả lớn đến mức nào. Yêu cầu các tỉnh phải có biện pháp sơ tán người dân, bảo vệ các công trình hồ đập. Đây là thời điểm cần đến sự vào cuộc của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 5 và các đơn vị khác đóng trên địa bàn những tỉnh có ảnh hưởng của bão”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó thủ tưởng cũng nhấn mạnh đến việc vừa đối phó với bão, chúng ta còn phải đảm bảo an toàn cho hội nghị APEC.

“Hội nghị là nơi tập trung nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, ta phải đảm bảo tuyệt đối an toàn khi nếu bão vào và cũng vì sự thành công cho hội nghị nữa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh phải đảm bảo an toàn cho người dân, sự an toàn của dân phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là sự an an toàn của người dân đang còn trên biển, phải di dời, hướng dẫn vào nơi an toàn trước 18h tối 3/11.

Bao so 12 - Damrey anh 1
Cơn bão số 12 dự kiến đổ bộ vào khu vực từ nam Phú Yên đến bắc Bình Thuận. Đồ họa: Nhân Lê. Dữ liệu: NCHMF.

“Các tỉnh tiếp tục rà soát lại kỹ phương án sơ tán, còn chỗ nào chưa hoặc nguy cơ ở mức độ nhẹ cũng phải sơ tán tiếp. Công tác sơ tán phải làm quyết liệt ở tất cả mọi nơi. Hộ nào không sơ tán chúng ta phải cưỡng chế, đặc biệt là ở khu vực ven biển, ở vách núi và bờ sông, suối”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, cần đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Lãnh đạo các tỉnh phải hướng dẫn cho khách khi có bão thì vào nơi an toàn. Giao chủ khách sạn phải đảm bảo an toàn cho khách. Chính quyền địa phương phải trực tiếp nhắc nhở, không cho khách tham quan, tắm biển khi bão vào.

Các địa phương tập trung nguồn lực đối phó với bão 

Báo cáo công tác chỉ đạo, đại diện tỉnh Phú Yên cho biết 6.468 tàu bè/302 lao động đã neo đậu ở vùng an toàn. 34.500 lồng bè thủy sản được chằng chống và đưa lên bờ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo xả nước ở 3 hồ thủy điện, 6 hồ thủy lợi để đón bão.

Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh xác định cơn bão số 12 là cơn bão mạnh, nên đã tập trung toàn bộ lực lượng phòng chống bão.

Bao so 12 - Damrey anh 2
Người dân buộc tàu thuyền ở Hòn Rớ, TP Nha Trang. Ảnh: Minh Quý.

Tỉnh đã yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng người dân thông qua số điện thoại di động chủ động chằng chống nhà cửa, trú tránh bão an toàn. Trên biển, toàn bộ tàu và thuyền viên đã vào khu tránh, trú an toàn. Yêu cầu tất cả các cơ quan có khu du lịch biển, đảo phải đảm bảo an toàn cho du khách, không cho du khách tắm biển hoặc tham quan đảo.

“Hiện tỉnh đã chỉ đạo tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn phải xả tràn”, ông Vinh cho biết.

Cần làm gì khi bão đổ bộ? Khi bão đổ bộ, bạn nên ở nhà, hoãn các chuyến du lịch và theo dõi thông tin trên đài phát thanh, báo chí.

Bộ trưởng Bộ NNPT-NT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, Khánh Hòa là tỉnh du lịch và là tỉnh có nhiều khu vực biển đảo nên cần phải nghiêm túc trong công tác phòng, chống cơn bão. “Quán triệt 22h trở đi phải cấm đường, không cho ai lưu thông để đảm bảo an toàn. Khánh Hòa là trọng điểm bão đổ bộ nên phải làm ngay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã tiến hành sắp xếp bến cá, nơi neo đậu cho các tàu thuyền. Toàn tỉnh có 2.330 tàu vào nơi an toàn, song còn 1 chiếc mất liên lạc, tỉnh đang tích cực phát tín hiệu và phối hợp với các địa phương lân cận. Từ sáng 4/11, tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, trong khoảng 3 ngày, lượng mưa lớn nhất đạt 400 mm, mực nước các sông dâng cao, trên báo động 2. Toàn tỉnh có 165 hồ chứa, 8 hồ chứa hiện đầy nước.

Bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên - Bình Thuận

Sáng 4/11, bão số 12 (tên quốc tế Damrey - Con voi) sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ phía nam Phú Yên đến phía bắc Bình Thuận.

Thời điểm này, tỉnh đã cấp 150.000 bao cát cho các huyện, các tuyến đê bị sạt lở, hư hỏng. Trong quá trình kiểm tra, 56 hồ chứa hiện xuống cấp, UBND tỉnh chỉ đạo chỉ được tích 1/2 dung tích nước trong hồ, để ứng phó với bão.

7.600 tàu thuyền của tỉnh đã vào bờ trú ẩn an toàn. Song, chỉ còn 1 tàu cách vùng biển Bình Định - Phú Yên khoảng 4 km, sẽ cập đất liền vào 20h tối 3/11.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc lại đợt lũ chồng lũ xảy ra ở Bình Định năm 2016, khiến nhiều công trình bị tổn thương. Trong khi đó, nhiều hồ đang thi công chưa hoàn thiện. Do vậy, tình thế rất cấp bách và khó lường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Cơn bão này được dự báo có mức độ rủi ro cấp 4, chỉ sau thảm họa. Các địa phương phải khẩn trường rà soát lại công tác chỉ đạo ứng phó, theo phương châm 4 tại chỗ”.

Bộ trưởng yêu cầu cần triệt để di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, chú ý đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt hồ đã xuống cấp. Thường trực liên tục, đảm bảo chỉ đạo xuyên suốt, chuẩn bị các phương án để ứng phó kịp thời.

Bao so 12 - Damrey anh 3
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 12 tại Phú Yên. Ảnh: T.B

14h chiều 3/11, ngay sau khi xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đi thẳng đến bờ biển xóm Rớ thuộc phường 6 (TP Tuy Hòa, Phú Yên) thị sát, kiểm tra việc ứng phó bão số 12 tại tỉnh này.

Bờ biển xóm Rớ là khu vực thường xuyên bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn tấn công. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Phú Yên báo cáo tình hình, Phó thủ tướng Trịnh Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra tất cả các phương án đã và đang triển khai với mục tiêu chủ động ứng phó tốt nhất, hiệu quả nhất trước cơn bão số 12, đảm bảo an toàn tính mạng tất cả mọi người dân.

“Đây là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm, vùng ảnh hưởng rộng. Do đó, phải khẩn trương sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm, vùng ngập sâu, bão lớn, người dân sống trong những ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Nếu người dân không đi thì cưỡng chế, bắt buộc phải đi”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

“Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng tất cả mọi người dân, bảo vệ tài sản của nhân dân, Nhà nước một cách tốt nhất trước cơn bão”, Phó thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Hai cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Nam trong 50 năm qua Hai cơn bão Linda (1997) và Durian (2006) được xem là hai cơn bão lịch sử có sức tàn phá nặng nề nhất về người và tài sản khi đổ bộ vào các tỉnh miền Nam nước ta trong 50 năm qua.


An Bình - Tây Nguyên - Trà My

Bạn có thể quan tâm