Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM: Sơ tán 700 người dân xã đảo Thạnh An đến nơi tránh bão số 12

Gần 700 người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã được sơ tán đến những cơ sở kiên cố tránh cơn bão số 12 - Damrey.

Cuộc sống người dân xã đảo duy nhất ở Sài Gòn trước giờ bão đổ bộ Dù chưa bị ảnh hưởng cơn bão số 12, lực lượng chức năng vẫn cho sơ tán gần 700 người già, phụ nữ và trẻ em ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, đến nơi tránh bão an toàn.

Đề phòng ảnh hưởng của bão số 12, chiều 3/11, lực lượng chức năng huyện Cần Giờ phối hợp cùng xã đảo Thạnh An đã đến từng nhà dân vận động người già, phụ nữ và trẻ em đến 3 điểm trú ẩn là xã đội, trường Tiểu học Thạnh An, trường THCS Thạnh An.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết xã di dời khoảng 700 người dân thuộc khu vực ven sông, sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng khi bão vào bờ.

con bao so 12 vao dat lien anh 1
Ngôi trường kiên cố là nơi trú ẩn của những người dân xã Thạnh An. Ảnh: Lê Trai.

“Người già, phụ nữ và trẻ em được đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Chính quyền đã cử lực lượng hậu cần chăm lo ăn uống, thuốc men cho bà con. Khi có vấn đề khác thì sẽ xử lý theo chỉ đạo của huyện”, ông Tuấn thông tin.

Theo ghi nhận, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã nhanh chóng di tản theo thông báo của chính quyền dù thời tiết chưa xuất hiện mưa, gió. Một số đàn ông, thanh niên có sức khỏe ở lại giữ nhà.

con bao so 12 vao dat lien anh 2
Bà Lợi ôm cháu trai 5 tháng tuổi và cháu gái đến nơi trú ẩn. Ảnh: Lê Trai.

Hàng trăm người thuộc các lực lượng: Bộ đội, công an, dân quân tự vệ của huyện Cần Giờ và xã Thạnh An đã có mặt, túc trực hỗ trợ người dân sơ tán và sẵn sàng đối phó khi bão đến.

Trước đó, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hơn 600 thuyền hoạt động ở vùng biển thuộc huyện Cần Giờ đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Cần làm gì khi bão đổ bộ? Khi bão đổ bộ, bạn nên ở nhà, hoãn các chuyến du lịch và theo dõi thông tin trên đài phát thanh, báo chí.

“Huyện yêu cầu đến 12h trưa nay, tất cả các phương tiện tàu thuyền, ghe phải vào nơi trú ẩn. Riêng tại đảo Thạnh An, để đảm bảo an toàn cho người dân, từ khuya hôm qua, huyện đã cấm phương tiện ra vào”, ông Dũng thông tin.

Theo ghi nhận, mặc dù trời đang nắng, sóng chưa lớn nhưng tại bến phà Thạnh An, nhiều tàu thuyền đã vào đây neo đậu. Một số ngư dân dùng dây thừng để giằng néo tàu thuyền đề phòng gió mạnh.

Hai cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Nam trong 50 năm qua Hai cơn bão Linda (1997) và Durian (2006) được xem là hai cơn bão lịch sử có sức tàn phá nặng nề nhất về người và tài sản khi đổ bộ vào các tỉnh miền Nam nước ta trong 50 năm qua.

Lê Trai

Bạn có thể quan tâm