Tối 2/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm bão số 10 (Goni) cách quần đảo Hoàng Sa 510 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực nằm trong bán kính 140 km tính từ tâm bão có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Đêm nay và ngày mai, bão đi theo hướng tây tây nam, vận tốc 10-15 km/h. Tối 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 330 km. Sức gió có xu hướng mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11.
Sau đó, giữ hướng đi, tiếp tục giảm vận tốc xuống 10 km/h. Tối 4/11, tâm bão cách Quảng Ngãi và Bình Định 240 km, cách Phú Yên khoảng 260 km. Sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo đường đi của bão Goni trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS. |
Cơ quan khí tượng dự báo ngày 5/11, bão Goni đi theo hướng tây tây nam với vận tốc 10 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối 5/11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Như vậy, dự báo mới nhất cho thấy bão có khả năng suy yếu trước khi đổ bộ đất liền. Thời điểm tiến vào vùng biển các tỉnh Trung Bộ, áp thấp nhiệt đới duy trì sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Những giờ sau đó, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây nam và tiếp tục suy yếu.
Cơ quan khí tượng nhận định hoàn lưu bão có thể gây một đợt mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ trong ngày 4-7/11. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có thể hứng chịu lượng mưa phổ biến 300-400 mm/đợt.
Trong khi đó, khu vực Bình Định, Phú Yên và bắc Tây Nguyên có mưa nhỏ hơn, dao động 100-200 mm. Ảnh hưởng của đợt mưa này, lũ trên các sông, đặc biệt là Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể lên báo động 2, báo động 3 trong những ngày tới.
Trước tình hình này, tối cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành từ Nghệ An đến Khánh Hòa, cùng các bộ, ngành liên quan, yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 10.
Cụ thể, ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo thường xuyên cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc như trong một số cơn bão vừa qua.
Đồng thời, lực lượng chức năng hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ. Những nơi cần đặc biệt lưu tâm trong thời gian này là tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Các địa phương đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão. Lực lượng chức năng tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc, đi đôi với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và khôi phục sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống người dân, đồng thời sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão.