"Nhục nhã", "đáng xấu hổ", "thảm bại"... đó là những bình luận tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội Mỹ sau cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, thủ đô Phần Lan, hôm 16/7.
Ông Trump, người giành chiến thắng gây sốc trong cuộc bầu cử được cho là bị Nga can thiệp, đã công khai quay lưng với đội ngũ tình báo của mình trong khi đang đứng bên cạnh nhà lãnh đạo mà giới chức Washington vốn luôn tin là "kẻ thù" với lịch sử chống lại nước Mỹ.
"Vào một ngày mà hoàn cảnh yêu cầu tổng thống Mỹ phải thể hiện sức mạnh và sự kiên quyết, thì trái lại, ông Trump đã cho thấy sự quy phục, sự phòng ngự, sự lập lờ và sự nhu nhược", một bài phân tích trên Washington Post viết.
"Tôi nghĩ nước Mỹ đã ngu ngốc"
Nghi vấn Moscow cấu kết với chiến dịch tranh cử của ông Trump, tấn công hệ thống email của bà Hillary Clinton, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm 2016 đến nay vẫn là bóng đen trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ thứ 45. Ông Trump vốn một mực phủ nhận việc cấu kết cũng như bác bỏ kết luận của tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga.
Trong cuộc họp báo tại Helsinki, ông Trump tuyên bố ông không thấy lý do nào để không tin Tổng thống Putin, rằng người Nga đã không can thiệp để thay đổi kết quả bầu cử Mỹ. Thế nhưng, đây chỉ là một trong một vài phát biểu mà những lời tương tự "không tổng thống Mỹ nào thốt ra khi ở trên đất nước ngoài", theo New York Times.
Ông Trump và ông Putin gặp nhau hôm 16/7 tại Phần Lan trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức. Ảnh: AFP. |
Ông Trump lên án cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào mối quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của ông là "thảm họa của đất nước chúng ta". Ông cho rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã cố tình xử lý sai cách trong cuộc điều tra Nga tấn công Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Và ông gọi một nhân viên FBI, người đã ra điều trần về cuộc điều tra đó, là "nỗi nhục nhã của đất nước".
"Thay vì bảo vệ nước Mỹ trước những người sẽ đe dọa nó, ông tấn công chính các công dân và thiết chế của mình. Thay vì thách thức ông Putin, một kẻ thù với bề dày lịch sử hành động sai trái chống lại nước Mỹ, ông ca ngợi ông ta mà không e dè", New York Times viết.
Những phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ các nghị sĩ của cả hai đảng. "Không tổng thống nào trước đây tự hạ bệ phẩm giá của mình hèn hạ hơn vậy trước một kẻ bạo ngược", nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói.
"Cuộc họp báo hôm nay ở Helsinki là một trong những màn thể hiện nhục nhã nhất của một tổng thống Mỹ mà người ta còn nhớ được", ông nói thêm trong tuyên bố.
Dường như động cơ của ông Trump là đấu tranh cho tính chính danh của chiến thắng mà ông giành được trong cuộc bầu cử 2016. Tuy nhiên, những phát biểu của ông đã đi quá xa so với các mục tiêu chính sách của Mỹ, quá đối lập so với những người còn lại trong chính quyền và không thể giải thích được ở nhiều mức độ đến nỗi chúng một lần nữa gợi lại câu hỏi nhức nhối lâu nay: Liệu Nga có gì đó với Trump?
"Tôi nghĩ cả hai nước đều phải chịu trách nhiệm", ông Trump nói khi được hỏi liệu ông có quy trách nhiệm cho Nga trong bất cứ vấn đề nào hay không. "Tôi nghĩ nước Mỹ đã ngu ngốc. Tôi nghĩ chúng ta đều ngu ngốc. Chúng ta lẽ ra nên tiến hành cuộc đối thoại này lâu rồi, nói thẳng là nên tiến hành từ sớm trước khi tôi nhậm chức".
Đó mới chỉ là những gì mà các phóng viên được phép nghe thấy. Còn những gì mà ông Trump nói trong cuộc gặp kín với ông Putin đã mất tích cùng lịch sử khi không có người ghi chép hay cố vấn nào có mặt trong căn phòng tại phủ tổng thống Phần Lan, theo Washington Post.
"Nó gần như là phản quốc"
"Đối với một tổng thống đương nhiệm của Mỹ, việc công khai nói rằng ông tin tưởng một nhà lãnh đạo nước ngoài hơn là đội ngũ tình báo của mình là chuyện gây sốc và đáng lên án", ý kiến bình luận trên Fox News, kênh tin tức vốn vẫn luôn ủng hộ ông Trump, viết.
Tác giả bài viết cho rằng việc ông Trump đề nghị hợp tác với Nga trong một số vấn đề do Nga gây ra cũng giống như việc "để một tên tội phạm tự điều tra tội ác của anh ta", và đây là điều "ngu ngốc và ngây thơ".
"Trump và đất nước chúng ta chỉ có thể thắng Putin nếu chúng ta kiên định với các mục tiêu và giá trị Mỹ. Tổng thống Trump đã không làm được điều đó hôm thứ Hai", tác giả viết.
Ông Putin được cho là hoàn toàn thắng thế ông Trump trong cuộc gặp tại Phần Lan. Ảnh: AFP. |
Thực tế, ông Putin đã hoàn toàn không có bất kỳ nhượng bộ nào trong bất kỳ vấn đề nào cần được giải quyết và có thể thấy được chủ nhân Điện Kremlin đã hài lòng thế nào với cách mà mọi thứ diễn ra, từ trước khi cuộc gặp với ông Trump bắt đầu.
Tổng thống Nga đã chứng kiến cáo buộc Moscow tấn công nền dân chủ Mỹ gieo rắc sự bất hòa và ngờ vực trong lòng nước Mỹ, khiến người Mỹ đối đầu với nhau. Ông đã chứng kiến liên minh Mỹ - châu Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, sau khi Tổng thống Trump công khai gọi EU là "kẻ thù".
Và vào hôm 16/7, ông Putin đã nhận từ ông Trump sự "cúi đầu", với những lời khen ngợi công khai dành cho người Nga. Hay nói như cách của tác giả bài viết trên Fox News, là ông Putin đã "giành mất bữa trưa" của ông Trump tại Helsinki.
John O. Brennan, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ thời Barack Obama, viết trên Twitter: "Những gì Donald Trump thể hiện trong cuộc họp báo ở Helsinki đã leo lên và vượt quá ngưỡng của 'tội ác và vi phạm nghiêm trọng'. Nó gần như là phản quốc".