Hơn 50 người thiệt mạng và gần 3,5 triệu người mất điện hôm 28/9, sau khi gió mạnh và mưa như trút nước vì bão Helene gây ra sự tàn phá chưa từng có trên khắp các vùng rộng lớn ở miền Đông Nam nước Mỹ, theo Guardian.
Lũ lụt lịch sử xảy ra ở một số khu vực miền Nam Appalachia hôm 28/9, lực lượng ứng cứu vẫn đang nỗ lực tiếp cận các cộng đồng bị cô lập trong điều kiện khó khăn.
"Giống như một quả bom phát nổ", Thống đốc Georgia Brian Kemp nói sau khi khảo sát thiệt hại từ trên không hôm 28/9.
"Nếu nói chúng tôi trúng đòn bất ngờ thì vẫn là giảm nhẹ”, ông Quentin Miller, cảnh sát trưởng quận Buncombe, Bắc Carolina, chia sẻ. Các dịch vụ khẩn cấp từ chối xác nhận số người tử vong trong quận cho đến khi tình trạng mất liên lạc được khôi phục và người thân được thông báo.
Trong một tuyên bố vào ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (Fema), Deanna Criswell, đang tới khu vực phía đông nam để đánh giá thiệt hại cùng với các quan chức tiểu bang và địa phương khác.
"Tôi vô cùng đau buồn trước sự mất mát về sinh mạng và sự tàn phá do bão Helene gây ra trên khắp khu vực phía đông nam... Chính quyền của tôi liên tục liên lạc với các quan chức tiểu bang và địa phương để đảm bảo các cộng đồng có được sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết", ông nói. "Chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không từ bỏ", nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Bão Helene đổ bộ vào cuối ngày 26/9 tại khu vực Big Bend của bang Florida với cường độ bão cấp 4, sức gió 225 km/giờ. Bão suy yếu thành bão nhiệt đới, di chuyển nhanh qua Georgia, Carolinas và Tennessee, khiến nhiều cây cối bật rễ, mái nhà bị thổi bay, cuốn trôi ôtô, thử thách các con đập và gây ngập lụt diện rộng.
Sự kết hợp của gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt và lốc xoáy theo đường đi của Helene gây ra thiệt hại dự kiến lên tới hàng tỷ USD.
Jonathan Porter, chuyên gia khí tượng học đứng đầu tại AccuWeather, ước tính thiệt hại do cơn bão gây ra có thể lên tới 95-110 tỷ USD, có khả năng trở thành một trong những cơn bão tốn kém nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Theo thống kê của Associated Press, cho đến nay bão Helene đã gây ra ít nhất 52 ca tử vong ở Florida, Georgia, Bắc Carolina, Nam Carolina và Virginia, bao gồm lính cứu hỏa, một phụ nữ và cặp song sinh một tháng tuổi, và một phụ nữ 89 tuổi bị cây đổ đè trúng ngôi nhà. Hàng chục người bị thương nặng phải nhập viện, bao gồm nhiều trẻ em.
Hàng loạt cuộc sơ tán và cứu hộ giữa biển nước lụt đã được thực hiện hôm 26/9 khi mưa lớn chưa từng có đe dọa nghiêm trọng các con đập trên sông.
Tại Bắc Carolina, hồ nước nổi tiếng từng xuất hiện trong bộ phim Dirty Dancing bị tràn nước và các khu dân cư xung quanh được sơ tán để phòng ngừa. Một số khu vực phía tây Bắc Carolina bị cô lập do lở đất và lũ lụt khiến các tuyến đường chính phải đóng cửa.
Tại quận Unicoi ở phía đông bang Tennessee, hàng chục bệnh nhân và nhân viên đã được trực thăng cứu hộ giải cứu từ mái nhà sau khi bệnh viện bị nước từ một con sông tràn vào.
Trong khi đó, tại Mexico, giới chức trách hôm 28/9 xác nhận ít nhất 22 người tử vong khi bão nhiệt đới John đổ bộ lần thứ hai và gây ngập lụt thành phố nghỉ dưỡng phía nam Acapulco - nơi vẫn chưa phục hồi sau bão Otis vào tháng 10 năm ngoái.
Bão nhiệt đới John John đổ bộ lần đầu vào đất liền với cường độ bão cấp 3 ở phía bắc tại tiểu bang Michoacán, bão suy yếu trong đất liền sau đó lại mạnh lên trên đại dương trước khi đổ bộ lần hai vào Acapulco.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu, do đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến các cơn bão nhiệt đới gia tăng sức mạnh nhanh chóng hơn, đôi khi chỉ trong vài giờ và làm tăng nguy cơ lũ lụt.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên tiếng trước khi bị bắt giữ
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 15/1 cho biết ông quyết định trình diện phục vụ điều tra nhằm ngăn chặn “đổ máu” giữa lực lượng thực thi pháp luật và đội an ninh.
Điều tra viên Hàn Quốc trèo thang vào dinh tổng thống để bắt ông Yoon
Lực lượng chức năng Hàn Quốc ngày 15/1 đã dùng thang trèo vào dinh tổng thống để tiến hành bắt giữ ông Yoon Suk Yeol sau khi ông vắng mặt tại phiên điều trần luận tội đầu tiên.
Toàn cảnh vụ bắt giữ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Sáng 15/1, ông Yoon Suk Yeol trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt giữ khi đang tại nhiệm, chấm dứt thế đối đầu căng thẳng giữa những người ủng hộ ông và bên điều tra.