Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, lúc 13h ngày 9/12, tâm bão đang cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 650 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 8 (60-80 km/h), giật cấp 9-10.
Trong đêm nay, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến trưa 10/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 230 km về phía bắc đông bắc với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8.
Bão Hagupit đã vào biển Đông và khả năng đi sâu xuống phía Nam. Ảnh: NCHMF. |
Cơn bão sau đó di chuyển chếch xuống phía nam, đến trưa 11/12, bão sẽ cách bờ biển các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ khoảng 170 km, giữ nguyên cấp độ.
Ngoài ra, từ khoảng đêm 10/12, một đợt không khí lạnh mạnh tăng cường xuống nước ta, gây gió mạnh cấp 7 trên vịnh Bắc Bộ. Khối không khí lạnh mạnh lan tận tới Trung Bộ gây mưa vừa tới mưa lớn. Các tỉnh miền Bắc trời tiếp tục rét, có nơi rét đậm.
Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 38 tàu với 439 lao động chưa thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Khu vực giữa Hoàng Sa và Trường Sa còn một tàu cá của tỉnh Bình Định. Khu vực quần đảo Trường Sa có 265 tàu với 3.354 lao động.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo chiều qua 8/12, ông Hoàng Đức Cường (Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy Văn Trung ương) bày tỏ lo ngại cơn bão Hagupit có thể giống cơn bão Durian năm 2006, khi vào gần bờ biến thành lốc xoáy, phạm vi hẹp, cường độ gió cấp 9-10 quét dọc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, liệu cơn bão có giống với Durian hay không thì còn phải chờ diễn biến tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng yêu cầu, các địa phương quyết liệt kêu gọi kiểm đếm hướng dẫn từng con tàu một, ra khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 17.
Ngư dân Đà Nẵng chằng chéo tàu thuyền để ứng phó với bão. Ảnh: Đoàn Nguyên. |