Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề phòng bão Hugapit giống bão Durian gây thiệt hại Nam Bộ

Một trong những tình huống đáng e ngại được dự báo đó là khả năng bão Hugapit có thể giống bão Durian năm 2006 gây thiệt hại nặng nề ở Nam Bộ.

Chiều tối 8/12 bão Hugapit vẫn hoành hành ở khu vực miền trung Philippines, tiệm cận với Manila với cường độ cấp 9, bán kính gió mạnh từ cấp 8 trở lên được thu hẹp lại còn 100 km thay vì 300-400 km như trước đó. Trước đó, đêm 6/12, bão Hagupit đã đổ bộ vào đảo Samar của Philippines với cường độ cấp 14-15 rồi di chuyển chậm lại, giảm cường độ. Trong 2 ngày qua, bão đã giảm 3 cấp.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương chiều muộn 8/12, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho hay, sáng 9/12, bão vào biển Đông với cường độ cấp 8 và chủ yếu di chuyển theo hướng tây. 

Khi đến giữa Biển Đông, bão di chuyển lệch về hướng tây nam rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp gió cấp 6, đi dọc ven biển Nam Trung Bộ sau đó vào Nam Bộ.

Sáng mai bão Hagupit sẽ vào biển Đông - ảnh: NCHMF
Sáng mai bão Hagupit sẽ vào biển Đông - ảnh: NCHMF

Cũng tại cuộc họp chiều tối 8/12, ông Cường đưa ra con số thống kê các cơn bão từng ảnh hưởng tới miền Nam trong đầu tháng 12 các năm qua. Với 6 cơn bão thì đa số chỉ gây mưa từ 50-100 mm, tiệm cận bờ là suy yếu hoặc thậm chí suy yếu ngay trên biển Đông.

Duy nhất, cơn bão Durian năm 2006, khi vào gần bờ biến thành lốc xoáy, phạm vi hẹp, cường độ gió cấp 9-10 quét dọc Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tuy nhiên, liệu cơn bão có giống với Durian hay không thì còn phải chờ những diễn biến trong 2 ngày tới.

Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã cử 3 đoàn đi kiểm tra ở Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tới 16h ngày 8/12, hoat động ở giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có 300 tàu cá với hơn 4.000 lao động. Hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến là hơn 45.100 tàu/196.000 lao động. Tại Khánh Hòa có 1.500 lồng bè. Tất cả đã được thông báo về hướng đi của cơn bão. 

Lo ngại bão vào Nam Bộ, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương quyết liệt kêu gọi kiểm đếm hướng dẫn từng con tàu một, ra khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 17.

Ngoài ra, các địa phương yêu cầu các tàu hoặc vào bờ, hoặc chạy lên phía bắc hoặc chạy xuống phía nam, tránh trú ở quần đảo Trường Sa. Quân đội sẽ hướng dẫn cho ngư dân vào. Còn vùng ven biển và dọc bờ, chậm nhất ngày kia có chỉ dẫn tiếp theo.

Theo cơ quan khí tượng, ngày 11-12/12 một đơt không khí lạnh cường độ rất mạnh sẽ tràn về nước ta. Ngoài gây rét đậm ở miền Bắc, không khí lạnh còn gây mưa lớn từ Quảng Trị đến Bình Định với lượng mưa từ 100-200 mm, trọng tâm mưa sẽ tập trung từ Huế đến Quảng Ngãi.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm