Đợt lũ lịch sử cuối tháng 10/2020, gia đình ông Dương Văn Lê (72 tuổi) là một trong những hộ ngập sâu và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Hơn nửa đời người sống giữa vùng rốn lũ ở dải đất miền Trung nhưng với người đàn ông đã ngoài 70, ông chưa từng chứng kiến đợt lũ lụt nào lớn và kéo dài đến thế.
Những cơn mưa trắng trời khiến nước sông Kiến Giang dâng lên nhanh chóng, chẳng mấy chốc nhà ông Lê cùng hàng trăm ngôi nhà khác ở thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy ngập tận mái.
Ký ức về lũ
Căn nhà gỗ xây bao của ông Lê nằm cạnh phá Hạc Hải, bao quanh là lũy tre làng dày ra tận phá. Ông Lê và vợ là Bùi Thị Mai (67 tuổi) có đông con nhưng các con của ông đều xây dựng tổ ấm và sinh sống tận miền Nam.
Ông Lê chỉ vào nóc cột in dấu con lũ nhấn chìm cả căn nhà. Ảnh: Phạm Trường. |
Gắn bó với mảnh đây chưa nắng đã nẻ đất, chưa mưa đã ngập, hơn nửa đời người trôi qua, đôi vợ chồng từng chứng kiến và trải qua không biết bao nhiêu đợt bão, lũ nặng nhẹ. Giữa tháng 10 năm nay, qua thông tin thời tiết, ông lo lắng khi các đợt mưa dồn dập, những cơn bão liên tục hướng vào miền Trung.
Biết sẽ có đợt mưa bão kéo dài, ông Lê đã gia cố lại nhà, đảo lại từng hàng ngói cũ để tránh thấm dột khi mưa kéo về.
Là người gắn với nghề đánh cá trên đầm phá hàng chục năm nay, nhìn màu nước lũ lên ông Lê nói có thể biết đợt lũ đó sẽ lớn hay bé. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử vừa trải qua đã người nông dân không thể tính toán được, mọi thứ vượt ra khỏi suy nghĩ của ông cũng như hàng trăm hộ dân ven phá Hạc Hải.
Sáng 18/10, từng đợt mưa lớn liên tiếp khiến nước sông Kiến Giang dâng cao, ngập băng cả vùng đầm phá. Căn nhà ông Lê cũng bắt đầu mấp mé chân thềm. Nghĩ thầm nếu lũ lên cao cũng chỉ chạm đỉnh lũ 2010 nên đôi vợ chồng đưa hết lúa và tài sản có giá trị đặt trên tấm phản gỗ kê nhiều lớp gạch bên dưới. Nhưng chẳng mấy chốc, dòng lũ đục ngầu dâng lên nhanh chóng, vượt qua từng lớp gạch.
Từng đợt sóng từ đầm phá ào ào đánh vào bức tường đã xây nhiều năm khiến nước bắn tung tóe. Ông Lê cùng vợ phải leo lên gác sát mái nhà được kết bằng những tấm gỗ tạp chờ lũ lên.
Tiếng kêu cứu từ mái nhà
Nửa đêm, dòng lũ đã dâng tận 2 m, chạm vào mé những tấm gỗ nơi vợ chồng ông Lê đang co ro bên ánh đèn dầu. Đôi vợ chồng không dám ở lại trong căn nhà cũ kỹ trước từng đợt sóng xô vào tường. Họ dỡ từng lớp ngói rồi chui lọt đầu ra bên ngoài cất những tiếng kêu thất thanh gọi người ứng cứu.
Gia đình ông bà chỉ kịp thoát thân qua đường mái nhà, thóc lúa hư hỏng cả. Ảnh: Phạm Trường. |
Những giữa vùng đầm phá hoang vắng, phải những chiếc thuyền lớn mới dám lại gần và đưa họ về trụ sở xã tránh trú khi không kịp mang theo thứ tài sản gì.
“Sống ngần này rồi nhưng đó có lẽ là đợt lũ lớn nhất tôi chứng kiến. Mọi thứ vượt qua mọi sự chuẩn bị, chúng tôi chỉ biết phá ngói kêu cứu thoát lấy người”, ông Lê nói.
3 ngày tránh lũ trở về, dòng nước dần rút đi để lại trước mắt cặp vợ chồng ông Lê là căn nhà cấp bốn gắn bó nhiều năm đã không còn nguyên vẹn. Bức tường nhà bằng gạch cứng và những lớp ngói vừa được ông sửa lại trước lũ cũng không thể trụ vững dưới từng đợt sóng dữ.
Tài sản bên trong cũng phủ lên lớp bùn non vàng đục. Những bao lúa từ mồ hôi, nước mắt của cặp vợ chồng già đã nảy mầm, hư hỏng.
Những tài sản có giá trị cái thì hư hỏng, cái thì bị cuốn trôi. Ảnh: Phạm Trường. |
Hơn nửa đời người sống giữa vùng rốn lũ của dải đất miền Trung, ông Lê nói không ít lần ông nghĩ đến cảnh sẽ bỏ xứ để đến vùng đất khác cao ráo hơn để vợ con ông không còn chịu chạy lũ. Nhưng, cái chốn quê hương đã níu lấy ông, để ông bám trụ, sống chung với vùng rốn lũ đến tận bây giờ.
“Sống mãi giữa vùng lũ rồi cũng quen nhưng nghĩ lại vẫn thấy sợ, thiên tai mỗi lúc một khó lường. Nếu được hỗ trợ xây căn nhà an toàn cao ráo thì vợ chồng sẽ đỡ cực, con cái cũng bớt lo hơn mỗi khi lũ về”, ông Lê ngậm ngùi.
Không riêng gia đình ông Lê, nhiều gia đình khác ở xã Sơn Thủy cũng chịu cảnh trắng tay sau lũ, nhà cửa hư hỏng. Sau đợt lũ lịch sử, họ dần tái thiết lại cuộc sống nhưng với người dân sống bên dòng Kiến Giang nỗi lo luôn canh cánh mỗi mùa lũ về không bao giờ vơi đi.
Với họ, những căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt có lẽ là thứ quan trọng nhất để gắn bó và giúp họ an tâm hơn khi sống giữa vùng đất khắc nghiệt này.
Ông Nguyễn Trọng Trới, Trưởng thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy) nói rằng thôn là khu vực lũ ngập sâu nhất và lũ rút cũng chậm nhất xã nên hậu quả để lại sau lũ rất nặng nề.
“Khu vực này gần đầm phá nên sóng lớn, đánh mạnh khiến việc tiếp cận gặp khó khăn khi lũ dâng cao. Hơn 15 ngày lũ mới rút hết nên hầu hết tài sản người dân đều bị hư hỏng, không thể khắc phục. Mong có thêm nhiều dự án nhà an toàn chống chịu bão, lụt được triển khai để hạn chế thiệt hại mỗi mùa lũ về”, ông Trới nói.
Trao đổi với Zing, ông Dương Văn Thoại, cán bộ chính sách xã Sơn Thủy nói rằng hiện toàn xã có 10 thôn với hơn 2.100 hộ dân. Đợt mưa lũ vừa qua làm ngập gần như toàn bộ thôn, trong đó hộ ngập sâu nhất đến gần 3 m. Tuy nhiên, đến nay xã chỉ có 29 nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã và đang được xây dựng.
“Mỗi căn nhà an toàn có thể giúp thêm những nhà bên cạnh trú tránh lũ, đem lại cảm giác yên tâm, an toàn khi mùa lũ đã tới gần”, ông Thoại cho hay.
Độc giả có thể chung tay xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân tại khu vực đang chịu ảnh hưởng thông qua dự án "Nhà an toàn - Sống an tâm".
Để có thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập website: safeforpoor.undp.org.vn.