Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Không để hàng cứu trợ nơi có, nơi không’

Trước việc hàng cứu trợ khắp nơi đổ về Quảng Bình hỗ trợ người dân vùng lũ, địa phương này đã lên kế hoạch, phương án điều tiết ra sao để tránh tình trạng nơi có, nơi không.

mua lu mien Trung anh 1

Quảng Bình vừa trải qua đợt lũ kéo dài gần 2 tuần, trong đó huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh được xem là hai vùng rốn lũ. Đến nay, nước đã rút dần nhưng nhiều xã của hai huyện vẫn bị cô lập.

Nước lũ rút để lại khung cảnh tan hoang, xơ xác, toàn bộ tài sản bị nhấn chìm hoặc trôi theo dòng nước khiến người dân nơi đây phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Nhiều ngày qua, các đoàn thiện nguyện khắp nơi đổ về Quảng Bình giúp đỡ bà con vùng lũ. Họ tập trung dọc quốc lộ 1 đến kẹt cứng đường. Tuy nhiên, cần cứu trợ gì và cứu trợ thế nào cho người dân sau lũ, tránh nơi thừa, nơi thiếu là điều đang được quan tâm.

Người dân cần được hỗ trợ gì?

Trao đổi với Zing, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết khoảng một tuần nay, nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân vùng lũ.

Một số nhà hảo tâm khi liên hệ với huyện đã được bố trí phương tiện và nguồn lực sẵn có để vận chuyển những thứ cần thiết đến với bà con. Mì tôm, lương khô, nước sạch đã cơ bản giúp người dân vùng lũ vượt qua những cơn đói trước mắt.

mua lu mien Trung anh 2

Hàng trăm đoàn cứu trợ mang nhu yếu phẩm đến người dân vùng lũ. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Tỉnh đang đưa gạo về phân phát cho người dân vì hiện tại lúa gạo và tài sản của họ đã trôi hết, để trở lại cuộc sống cần nhiều thời gian. Gạo, nhu yếu phẩm là điều trước mắt phải có cho người dân, xa hơn nữa là sản xuất, tu sửa nhà cửa”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, khi nước lũ dần rút, số lượng nhà hảo tâm, các đoàn cứu trợ về địa phương càng tăng cao. Nhưng người dân cần gì sau lũ là điều cần lưu tâm nhất.

Khi các đoàn cứu trợ liên hệ trao quà, huyện đều cảm ơn và trân trọng từng đồ dùng, nhu yếu phẩm tiếp tế. Tuy nhiên, nếu chưa mua thì huyện đề xuất các đoàn cứu trợ nên hỗ trợ người dân bằng tiền mặt để họ chủ động trong mua sắm vật dụng và những thứ cần thiết cho sinh hoạt.

“Ai cứu trợ gì, tặng gì cho bà con lúc này đều quý cả. Lương khô, mì tôm là những thứ cần thiết nhất trong lũ giờ đã cơ bản rồi. Bây giờ, cái cần với bà con nhất là gạo, mắm muối, thịt hộp, chăn mền, quần áo để sớm ổn định cuộc sống. Lũ cuốn trôi tất cả đồ dùng, tài sản nên nếu các đoàn trao tiền mặt, dù ít nhiều cũng phần nào giúp họ có kinh phí sắm sửa lại mọi thứ”, ông Đông nói.

Về lâu dài, ông Đông cho rằng cần nâng cấp hệ thống đường sá cao hơn, đảm bảo di chuyển trong lũ, xây dựng các công trình công cộng, trường học, trạm y tế phục vụ tránh trú cho người dân trong lũ.

Đặc biệt, nhu cầu cần thiết nhất với các hộ dân sống chung với lũ là xây dựng các nhà vượt lũ. Chi phí cho mỗi nhà vượt lũ theo tiêu chuẩn khoảng 50-100 triệu đồng. Ông Đông nhấn mạnh nếu làm được điều này sẽ rất hiệu quả, khi lũ đến bà con có chỗ trú tránh, dự trữ lương thực, thực phẩm.

Vị chủ tịch huyện cũng cho rằng nhu cầu của người dân sau đợt lũ lịch sử là rất lớn, huyện cũng đã thành lập một ban tiếp nhận hàng hóa các đoàn cứu trợ. Những đoàn nào có thể đi được tận nơi, huyện sẽ điều phối ngay để họ đến các địa phương trao quà.

mua lu mien Trung anh 3

Không để hàng cứu trợ nơi có nơi không. Ảnh: Phạm Ngôn.

Còn các đoàn không có điều kiện đi, huyện sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế để chuyển hàng cứu trợ đến với bà con. Chính vì thế, việc điều tiết nguồn hàng sẽ ổn định hơn. Không thể nói là công bằng tuyệt đối nhưng sẽ hạn chế mức thấp nhất tình trạng nơi có, nơi không.

Trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Quảng Ninh có 14/15 xã với hơn 18.000 hộ dân bị ảnh hưởng, 12.000 hộ dân chịu cảnh ngập sâu. Huyện đã di dời gần 4.000 hộ trong vùng nguy hiểm.

Đẩy giá thuyền dịch vụ

Nói về việc điều tiết hàng hóa cứu trợ trong mùa lũ và những vấn đề bất cập đã xảy ra, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, cho biết đến nay, các tuyến quốc lộ 1 đã rút nước, các đoàn cứu trợ có thể vào trung tâm một số xã để đưa hàng cứu trợ về với người dân.

Huyện thành lập ban cứu trợ để điều tiết nguồn hàng nhưng thực tế, các đoàn về địa phương thường trực tiếp tới xã, thôn hoặc thông qua huyện để nhờ vận chuyển hàng hóa đến địa điểm họ cần. Vì thế, để đảm bảo các xã ngập lụt được hỗ trợ đồng đều là rất khó, sẽ có chênh lệch. Nhưng đến hôm nay, việc phân phối hàng cứu trợ đã ổn định và được kiểm soát.

Theo ông Thế, huyện có 2 điểm tập kết hàng hóa cứu trợ là xã Mai Thủy và khu vực ngã ba Cam Liên. Do xe vận chuyển hàng về nhiều trong khi lượng phương tiện đường thủy của địa phương chỉ có 6 cái ca nô, xuồng của lực lượng công an, quân sự, biên phòng nên việc vận chuyển hàng gặp khó khăn.

Huyện đã huy động thêm 40 thuyền đánh cá của ngư dân 3 xã ven biển để hỗ trợ ứng cứu trong lũ và vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân song không thể đáp ứng hết. Điều này đã tạo ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn xe cộ qua ngã ba Cam Liên khi đoàn cứu trợ về nhiều.

“Huyện không thể đáp ứng hết nhu cầu của các đoàn cứu trợ, vì địa giới chia cắt, mỗi đoàn lại yêu cầu có một xuồng đi vào xã này, xã kia nên rất khó. Việc điều tiết lượng hàng để xã nhiều, xã ít cũng gặp không ít khó khăn”, ông Thế nói.

Vị bí thư cũng thừa nhận có tình trạng thuyền bè chặt chém đoàn cứu hộ về trung tâm huyện và các xã. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra những ngày đầu khi tuyến quốc lộ ngập sâu, hàng hóa không thể di chuyển bằng xe về trung tâm huyện.

Do việc huyện không thể đáp ứng được phương tiện vận chuyển đường thủy nên các đoàn cứu trợ sẽ thuê thuyền dịch vụ của người dân. Một số chủ thuyền vì biết được nhu cầu mà tăng giá cao hơn mức bình thường.

Khi nhận phản ánh, huyện đã yêu cầu các chủ thuyền không tự ý nâng giá như vậy với các đoàn cứu trợ.

mua lu mien Trung anh 4

Quốc lộ 1 qua ngã ba Cam Liên (huyện Lệ Thủy) kẹt cứng xe của đoàn cứu trợ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bí thư Lệ Thủy cho biết hiện có hơn 260 đoàn cứu trợ liên hệ qua ban mặt trận, tiếp nhận của huyện. Ngoài ra còn có hàng trăm đoàn khác đi tự phát, không thông báo với chính quyền.

Ông cũng cảm ơn các đoàn cứu trợ đã về giúp đỡ người dân địa phương. Tuy nhiên, ông mong các đoàn thiện nguyện sẽ liên hệ với chính quyền để được hỗ trợ, hướng dẫn đến địa điểm phù hợp, đảm bảo người dân ngập lụt được hỗ trợ đúng, đầy đủ, tránh tình trạng nơi nhận rất nhiều, nơi lại không có.

Toàn huyện Lệ Thủy có 32.000/38.000 hộ dân bị ngập, trong đó có 2.000 hộ ngập trên 3 m, chủ yếu nằm ở các xã Lộc Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy… còn hơn 30.000 hộ ngập 1 đến 3 m.

Còn ông Trần Quang Minh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết ngay khi nắm được thông tin các đoàn cứu trợ tập trung nhiều ở hai xã Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh đã chỉ đạo điều tiết để hàng hóa được phân phát phù hợp, đảm bảo người nào cũng có, tránh tình trạng chỗ có chỗ không.

Lượng hàng hóa cứu trợ cũng vì thế được giãn ra, đưa về các khu vực từ Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn… Khu vực huyện Lệ Thủy dọc quốc lộ 1 vì quá nhiều đoàn cứu trợ mà ùn tắc nên phía mặt trận cũng điều tiết, hướng dẫn các đoàn di chuyển lên khu vực đường Hồ Chí Minh để phân phát cho người dân một số xã bị ngập sâu, khó tiếp cận.

Với các đoàn đến cứu trợ, mặt trận cũng hỏi các đơn vị cần hỗ trợ gì để điều tiết phù hợp, tránh trường hợp chỗ có nhiều nguồn hàng nhưng giống nhau dẫn đến dư thừa, lâu không bảo quản được sẽ hư hỏng.

“Các ban tiếp nhận cũng gợi ý đoàn cứu trợ rằng nhu yếu phẩm cần thiết trước mắt cho người dân đã đảm bảo, các đoàn có thể hỗ trợ bằng tiền mặt để người dân có thể tự mua sắm, ổn định lại sau lũ”, ông Minh thông tin.

Người dân bật khóc vì tài sản trôi theo dòng lũ Nước lũ rút dần để lại nhà cửa tan hoang, thóc ngấm nước nảy mầm chất thành đống, đồ dùng bị vùi dưới lớp bùn non. Người dân xã Tân Ninh (Quảng Bình) rơi vào cảnh tay trắng.

Thiệt hại mưa lũ ở miền Trung 15 ngày qua

Hơn 2 tuần mưa lũ, cả nước có 112 người chết, 124.000 hộ bị ngập và 206.000 người phải sơ tán đến nơi an toàn.

Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm