CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN QUẢNG BÌNH SAU TRẬN LŨ LỊCH SỬ
Nước lũ rút dần, người dân Quảng Bình trở về nhà sau nhiều ngày đi lánh nạn. Trong nhà họ giờ đây là đống đồ đạc hỏng hóc cùng mùi hôi thối của xác động vật.
Đêm đầu tiên trở về
Ông Nguyễn Tiến Màu trở về nhà sau 3 ngày đi tránh lũ. Nhà ông nằm ở thôn Tân Lệ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - nơi ngập sâu nhất trong trận lụt lịch sử vừa qua.
Sốt ruột nên ông về trước, còn người thân vẫn đi tránh trú. Chưa dọn dẹp được nhiều thì trời tối. Điện vẫn mất kể từ ngày lũ lên, cả thôn le lói vài ánh nến và đèn pin. Đây là đêm đầu tiên người đàn ông trở về căn nhà của mình.
Trở về sau lũ, ông Màu cùng 2 con chó ở trong ngôi nhà chập chờn ánh nến. |
Trước bữa cơm tối, người đàn ông 65 tuổi mò mẫm vào bếp tìm đũa, thìa nhưng chỉ thấy đống bát đĩa bám đầy bùn đất. Chiều về, ông chỉ kịp dọn một góc nhà để kê giường ngủ và đặt ít đồ cứu trợ. Trong nhà còn gì hay mất gì, ông cũng chưa biết.
Bữa cơm tối nay được đoàn thiện nguyện hỗ trợ. Bao nhiêu ngày lũ là từng ấy ngày ông ăn đồ ăn tiếp tế.
Căn nhà tối om với ruồi muỗi bay vo ve và mùi hôi thối của xác gia cầm chết. Thi thoảng, ông lại bôi chút dầu gió lên mũi, vừa để đỡ lạnh, vừa để át đi cái mùi nồng nặc kia.
Ngày đầu tiên trở về nhà, mọi sinh hoạt của ông chỉ diễn ra trên chiếc giường ở góc nhà, nơi khô ráo nhất. |
5 tấn lúa, 250 cặp chim bồ câu, 20 con thỏ cùng 50 con gà đều mất hết. Ông Màu nhớ lại cái buổi tối lũ dâng, ông đã cố gắng kê cao nhiều chuồng gà, chuồng chim bồ câu lên cao nhưng nước càng lúc càng lên nhanh, đến lúc ngập ngang cổ thì đành phải bỏ lại tất cả để đi lánh nạn.
Nước rút, xác gia cầm bị vướng, nằm ngổn ngang quanh nhà. Để bớt mùi thối, ngay sáng hôm sau, ông lội đến chỗ chuồng chim bồ câu sập, cố gắng dỡ chuồng để lôi đống xác ra ngoài. Mỗi lượt như vậy là cả chục xác chim trôi lềnh bềnh vào sân. Ông gom hết vào bao tải, chờ vứt.
Vài chú chim bồ câu may mắn sống sót đậu trên mái nhà chờ ông Màu cho ăn. |
Trong nhà, bà Phan Thị Hiền, vợ ông Màu đang cố vét lại số lúa vương vãi. 5 tấn lúa thu hoạch từ 1,7 mẫu ruộng bị ngâm trong nước lũ. Số nhiều bị cuốn ra ngoài sân, còn lại bà cùng hai người con trai cố gom vào bao tải để đem đi phơi.
Đôi vợ chồng già mất hết hoa màu sau cơn lũ dữ. "Hôm đó khi nước lên ngang cổ thì chúng tôi bỏ hết, dù sao còn người là còn tất cả", bà Hiền nhớ lại.
Bà Hiền vơ vét chỗ lúa đã mọc mầm, đem đi phơi để làm thức ăn cho gà sau này. |
Đập vào mắt ông Màu khi trở về nhà là khung cảnh tan hoang. Tất cả đồ đạc trong nhà đều hỏng hóc vì ngâm nước lâu ngày. Nhìn kỹ một hồi lâu ông mới nhận ra chiếc xe máy nằm lọt thỏm giữa hai thùng lúa. Chiếc xe phủ kín một lớp bùn non.
Chỗ cao nhất trong nhà là nóc thùng lúa, nơi hai chú chó trú ẩn suốt những ngày lũ.
Hai chú chó nhà ông Màu bơi quanh nhà những ngày lũ, tìm những nơi cao nhất để nằm. |
Người đàn ông 65 tuổi sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình, nơi mà bão, lũ năm nào cũng xảy đến. Ông đã đi qua các trận lũ lịch sử năm 1979, 1999 nhưng chưa lần nào khủng khiếp như lần này. Ông Màu xót xa gọi những trận lũ vừa qua tràn vào như "đại hồng thủy".
Khung cảnh tan hoang
Dọc theo tuyến đường từ trung tâm huyện Lệ Thủy đến các xã là hình ảnh những ngôi nhà, bờ tường bị sóng lũ đánh đổ sập.
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng bà Võ Thị Thuyền - Bùi Văn Hải tại thôn Lộc An (xã Lộc Thuỷ) trở thành đống đổ nát chỉ một ngày sau khi lũ lên. Nước ngấm, những con sóng từ sông Kiến Giang cứ thế xô vào khiến ngôi nhà không trụ vững. May mắn thời điểm đó đôi vợ chồng đã đi tránh lũ.
Căn nhà cấp 4 của bà Thuyền đổ nát hoàn toàn. |
Ngày 24/10, nước lũ tại huyện Lệ Thủy đã rút nhiều so với những ngày trước. Một vài xã như Lộc Thủy, An Thủy nằm ngay sát con sông Kiến Giang, vẫn chìm trong nước lũ. Đây là nơi đón những đợt lũ đầu tiên của cả huyện.
Nước rút, người dân chứng kiến nhiều tài sản nằm dưới lớp bùn đất. |
Một góc thôn Phú Thọ, xã An Thủy gần như bị lũ đánh sập hoàn toàn. Đây là khu vực gió lớn, đón những đợt sóng lũ dồn dập. Sau 3 ngày lũ rút, các ghe, xuồng cứu trợ mới có thể tiếp cận được.
Nhiều nhà tại góc thôn Phú Thọ, xã An Thủy bị lũ đánh sập. |
Căn nhà xây từ năm 1998 của bà Châu Thị Cúc (61 tuổi) tại thôn Phú Thọ đã không chịu nổi trận lũ, sau 3 ngày ngâm nước thì đổ sập, giờ đây chỉ còn 2 mảng tường đỡ lấy mái nhà chênh vênh.
Bà Cúc nhớ lại, 3 ngày đầu tiên khi lũ vào bà phải nằm nhịn đói trên chiếc tra sát mái. Thỉnh thoảng có hàng xóm sang đưa vài gói mì tôm, bà cứ dựa vào chúng sống qua ngày.
Sống một mình, giờ đây phải đối mặt với căn nhà tan hoang, bà Cúc không còn biết làm gì ngoài bật khóc.
Mỗi lần có hàng xóm sang hỏi thăm, bà Cúc lại bật khóc. |
Nước rút, khung cảnh tan hoang dần hiện ra tại các thôn của xã An Thủy: các mảng tường đổ gãy; gia súc, gia cầm chết; những chiếc xe máy chìm trong bùn đất.
Cảnh tan hoang ở các ngôi làng trong xã An Thuỷ. |
Bà Châu Thị Xiêm run rẩy bước qua đống đổ nát của căn bếp. Sau lưng bà là những đợt gió rít, sóng nước rào rào liên tục đánh vào.
Ngôi nhà cũ của bà Xiêm tại thôn Phú Thọ cũng không tránh khỏi cảnh bị lũ phá. Những ngày gần đây, người phụ nữ vẫn loanh quanh đống đổ nát, tìm những vật dụng còn có thể sử dụng được.
Bà Xiêm ra căn bếp đã đổ nát, tìm kiếm những vật dụng còn sót lại. |
Xa xa giữa mênh mông nước là căn nhà ba gian của ông Nguyễn Tiến Thuyện, thôn Tân Lệ. Nhà ông Thuyện nằm sát cánh đồng, nước lũ tại đây rút chưa nhiều. Sân, vườn vẫn ngập nước.
Ông Thuyện nuôi 10 con dê đang trong thời kỳ sinh sản. Vào cái đêm nước lũ vào, ông cố gắng kê cao chuồng dê phía ngoài nhà nhưng chưa kịp thì nước lũ đánh sập chuồng, 7 con bị nước cuốn trôi. 3 con còn lại, ông chạy đua với thời gian, chuyển chúng lên kệ để đồ phía trong nhà. Vì thế mà may mắn giữ được.
Hàng ngày, ông Thuyện vẫn chèo ghe đi cắt lá cho 3 con dê trên gác mái ăn. |
20 ngày cùng dân chống lũ
5h30, tiếng kẻng quân đội reo lên tại hội trường UBND xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. Hàng chục chiến sĩ thức giấc, chuẩn bị quân tư trang cho một ngày làm việc tại vùng lũ.
Hơn 60 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 996 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) lên đường viện trợ các huyện từ ngày 8/10, khi bắt đầu có cảnh báo lũ dâng.
Tiểu đoàn chia nhau đến các địa điểm trong thôn. |
Nước lũ đã rút nhưng công việc vẫn bộn bề, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện Lệ Thủy vẫn ngập trong bùn đất và rác, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.
Các tiểu đoàn chia nhau ra các xã để cùng người dân địa phương dọn dẹp. Đường đi, trường học và các địa điểm công cộng sẽ được ưu tiên khắc phục trước.
Các chiến sĩ Trung đoàn 996 dọn dẹp đường tại thôn Thượng Phong (xã Phong Thuỷ). |
Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 996, cho biết đoàn sẽ đóng quân tại Lệ Thủy trong nhiều ngày tới. "Công việc trước mắt rất nhiều, các trường học, cơ sở hành chính của huyện giờ vẫn ngổn ngang khi nước rút", thiếu tá Phong cho biết.
Trung đoàn 996 cùng thầy cô dọn dẹp tại trường Tiểu học số 1 An Thuỷ. |
Gần 20 ngày qua, trung đoàn di chuyển luân phiên qua lại giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ.
Trên mọi nẻo đường huyện Lệ Thủy, hình ảnh chiến sĩ bộ đội và người dân huyện Lệ Thủy cùng nhau dọn dẹp dần trở nên quen thuộc.
Bộ đội dọn nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. |
Gần 12h, các chiến sĩ mới trở về được nơi tập kết. Tổ hậu cần đã chuẩn bị sẵn cơm, canh.
Đoàn tận dụng hội trường UBND xã Phong Thuỷ để đóng quân. Nhà ăn, nhà bếp đều được dựng lên tại chỗ. Đơn sơ nhưng đáp ứng sinh hoạt đủ cho cả đoàn.
Hơn 60 chiến sĩ trung đoàn 996 tập kết, ăn uống và nghỉ ngơi tại UBND xã Phong Thuỷ. |
Chiều muộn, ánh mặt trời ráng đỏ. Phía xa xa, những cánh đồng lúa, con đê trải dài dọc theo sông Kiến Giang vẫn là một biển nước mênh mông.
Trận lụt lịch sử vừa đi qua. Một cơn bão lớn đang ở ngoài biển chuẩn bị vào đất liền.