Sau khi thất bại ở cả ba lần cử đẩy với các mức tạ 150 kg, 150 kg và 153 kg, Thạch Kim Tuấn không được tính thành tích ở phần thi chung kết cử tạ nam hạng cân dưới 61 kg. Ở phần thi cử giật, lực sĩ Việt Nam phải mất 2 lần để hoàn thành mức tạ 126 kg. Sau đó, anh không thành công với mức tạ 130 kg.
Trước khi Đoàn Thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic 2020, lãnh đạo đoàn đặt niềm hy vọng huy chương vào cử tạ với hai đô cử Thạch Kim Tuấn (61 kg nam) và Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ). Song, Kim Tuấn đã không thể hiện thực hóa hy vọng đó và cũng là niềm mong ước cá nhân của anh.
Kim Tuấn không thể hoàn thành giấc mơ huy chương Olympic sau khi thất bại cả ba lần ở nội dung cử đẩy. Ảnh: Getty. |
Vấn đề của Kim Tuấn
Ở lần tham dự Olympic thứ hai liên tiếp, lực sĩ của Việt Nam thất bại với cùng kịch bản không hoàn thành một trong hai phần thi, qua đó không được tính thành tích.
Ngay sau phần cử giật với thành tích 126 kg của Kim Tuấn, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng đã có những chia sẻ cùng Zing. Theo ông Kháng, Kim Tuấn mất khoảng 1,5 tháng cách ly tập trung với khẩu phần ăn không đảm bảo về mặt dinh dưỡng cho một VĐV cử tạ. Mọi tính toán của đội ngũ HLV và cả Kim Tuấn cũng vì thế mà phá sản.
Ông Kháng chia sẻ: "Ngay khi nhận thông tin Kim Tuấn phải tính thời gian cách ly lại từ đầu, chúng tôi đã tìm cách, liên lạc qua nhiều kênh để vận chuyển trang thiết bị, tạ vào khu cách ly để Tuấn tập luyện. Vấn đề dinh dưỡng cũng vậy, thực phẩm chức năng, bổ sung... cũng được gấp rút đưa vào. Nhưng mọi cách đều chỉ mang tính tình thế".
Sau khi trở về từ vòng loại cuối Olympic 2020, Thạch Kim Tuấn phải cách ly tập trung theo quy định. Gần tới hạn hoàn thành, khu vực VĐV này đang cách ly xuất hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2 khiến anh phải thực hiện lại quá trình cách ly để đảm bảo an toàn.
Theo ông Kháng, Kim Tuấn bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề dẫn tới phong độ sa sút và thể hiện rõ ràng tại Olympic lần này. Vị này chỉ ra thêm hai yếu tố quan trọng khác với đô cử sinh năm 1994: "Để nói cụ thể những vấn đề ấy là gì, tôi cần ngồi lại với ban huấn luyện và cả Kim Tuấn. Tâm lý cũng là yếu tố cần nhắc đến. Ngoài ra, Tuấn cũng lập gia đình rồi nên rất khó để cậu ấy tập trung tối đa cho cử tạ".
Thành tích của Kim Tuấn thời gian gần đây đi xuống trông thấy. Ảnh: Getty. |
Thất bại được dự báo trước
Trước ngày Đoàn Thể thao Việt Nam xuất trận, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ: "Các VĐV phải thi đấu giành thành tích cao nhất, quan trọng là vượt qua chính mình. Trong 11 môn, hy vọng giành huy chương lớn nhất đặt vào cử tạ. Đây là môn có bề dày thành tích, từng có VĐV giành HCB, HCĐ Olympic".
Nếu Hoàng Thị Duyên lần đầu tham dự đấu trường này thì Thạch Kim Tuấn đã có kinh nghiệm sau lần tranh tài tại Rio 5 năm trước. Song, niềm hy vọng lớn nhất lại đặt vào nữ VĐV sinh năm 1996 chứ không phải đàn anh.
Trao đổi với Zing trước Olympic, Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh nói: "Dư luận và truyền thông đánh giá cao cử tạ. Nhưng các VĐV của chúng ta chỉ đạt thành tích trong tốp 5, còn kém VĐV dẫn đầu ít nhất 2 kg, thậm chí lên tới 20 kg. Vì thế, có thể nói việc giành huy chương chỉ là điều mong muốn. Nếu họ không đoạt huy chương, không có gì đáng thất vọng hay trách móc".
Thực tế, Kim Tuấn không giữ được phong độ trong thời gian gần đây. Tại giải IWF World Cup hồi tháng 1/2020, Kim Tuấn đạt mức tổng cử 293 kg (132 kg cử giật, 161 kg cử đẩy). Đến giải châu Á hồi tháng 4, đô cử này chỉ hoàn thành phần cử giật với mức tạ 128 kg và thất bại trong cả ba lần cử đẩy. Đến Olympic 2020, lực sĩ này chỉ hoàn thành mức tạ 126 kg cử giật trước khi thất bại ở cả 4 lần cử còn lại.
Eko Yuli từng thất bại trước Hoàng Anh Tuấn khi đỉnh cao phong độ nhưng sau đó, anh vượt qua Thạch Kim Tuấn khi đã 32 tuổi. Ảnh: Olympic. |
Còn lâu mới có thêm một Hoàng Anh Tuấn
Kim Tuấn vốn không phải VĐV có tâm lý tốt. Nhiều giải đấu, anh được kỳ vọng nhưng rồi gây thất vọng bởi không thể vượt qua áp lực của chính bản thân. Olympic 2020 lần này cũng là một ví dụ.
Trong quá khứ, Tuấn từng đạt mức tổng cử 304 kg hồi SEA Games 2019. Giới chuyên gia dự đoán con số 298 kg để anh có huy chương. Thực tế, Son Igor (Kazakhstan) mới là người giành HCĐ với thành tích 294 kg.
Những gì Kim Tuấn thể hiện trái ngược hoàn toàn với đàn anh Hoàng Anh Tuấn, người giành HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008 hạng cân 56 kg. Cựu VĐV này được đánh giá là người có bản lĩnh và "không bao giờ biết sợ". Anh Tuấn cũng là người đánh bại Eko Yuli Irawan, VĐV vừa giành HCB với thành tích 302 kg tại Tokyo 2020.
Trước câu hỏi liệu bao lâu nữa cử tạ Việt Nam mới có VĐV được như Hoàng Anh Tuấn, ông Kháng thẳng thắn: "Hoàng Anh Tuấn là của hiếm. Không biết đến bao giờ cử tạ Việt Nam mới tìm được một người như vậy".
Lý giải cho nhận định của mình, ông Kháng chỉ ra nguyên nhân chính nằm ở khâu tuyển chọn đầu vào: "Chúng ta chủ yếu lựa chọn VĐV bằng mắt chứ không có trang thiết bị hay khoa học tính toán như các nước phát triển. Ở những nền thể thao hàng đầu, họ có công thức, máy móc để sàng lọc tài năng. Chúng ta chưa có điều kiện như vậy".
Cựu lãnh đạo bộ môn cử tạ của thể thao Việt Nam ví von: "Tuyển chọn VĐV ở nước ta như trò câu cá vậy, trông chờ nhiều vào may rủi. Nếu may mắn, chúng ta sẽ có VĐV tốt. Hoàng Anh Tuấn là trường hợp như thế".