Sau một năm phải hoãn lại vì đại dịch Covid-19, Olympic Tokyo sẽ khai mạc vào tối 23/7, đánh dấu cột mốc cho các cuộc tranh tài tại giải. Những niềm hy vọng của Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ xuất trận trong những ngày tới, với mục tiêu giành thành tích tốt nhất, vượt qua chính mình.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết các VĐV đã sẵn sàng. Ảnh: Đoàn TTVN. |
Cử tạ có nhiều cơ hội giành huy chương
Theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ đặt ra mục tiêu phấn đấu có huy chương, nếu Olympic diễn ra trong không gian và thời gian bình thường.
"Trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc tranh tài tại vòng loại để lấy vé dự Olympic, quá trình tập huấn, thi đấu của VĐV bị ảnh hưởng, phải điều chỉnh kế hoạch liên tục nên phong độ của các VĐV khó đảm bảo được. Thông tin từ các đoàn khác cũng vậy nên dự báo tại kỳ Olympic lần này, thành tích các VĐV trên toàn thế giới nói chung sẽ không được cao như các kỳ Olympic trước", Trưởng đoàn Phấn chia sẻ.
"Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong Làng VĐV như hiện nay, mục tiêu cao nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam là đảm bảo an toàn cho các VĐV, HLV. Về mục tiêu chuyên môn, dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn đặt ra. Các VĐV phải thi đấu giành thành tích cao nhất, quan trọng là vượt qua chính mình. Trong số 11 môn, hy vọng giành huy chương lớn nhất đặt vào cử tạ. Đây là môn có bề dày thành tích, từng có VĐV giành HCB, HCĐ Olympic".
Hoàng Thị Duyên có nhiều cơ hội tranh huy chương ở hạng 59 kg nữ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo ông Phấn, niềm hy vọng lớn nhất đặt vào hạng cân nữ ở môn cử tạ, với Hoàng Thị Duyên tranh tài ở hạng cân 59 kg nữ.
Theo lịch thi đấu, Duyên sẽ tham dự chung kết nhóm A ngày 27/7. Ban huấn luyện đăng ký tổng cử cho Duyên là 218 kg. Thông số này chỉ mang tính tham khảo và theo chiến thuật của ban huấn luyện. Nữ đô cử sinh năm 1996 sẽ cạnh tranh huy chương với Andoh Mikiko (Nhật Bản), Escobar Guerrero (Ecuador), Guryeva Polina (Turkmenistan) hay ứng viên vô địch Kuo Hsing-chun (Đài Loan, Trung Quốc).
Chia sẻ với Zing, Duyên cho biết chân đang bị đau nhẹ, nhưng sẽ cố gắng hết khả năng. Nữ đô cử đang tập với khối lượng nhẹ nhằm tránh chấn thương nặng. "Tôi có chút hồi hộp và lo lắng, nhưng sẽ thúc đẩy tinh thần trong những ngày tới. Khi đã bước ra thi đấu, với tư cách là một chiến binh, tôi sẽ tự tin và cố gắng hết mình".
"Một vài VĐV khác có khả năng làm nên bất ngờ. Mong rằng các VĐV thi đấu ổn định như lúc tập để giành được thành tích cao nhất, mang lại niềm vui, tự hào cho nhân dân cả nước đang vất vả chống dịch", ông Phấn chia sẻ.
Trong sáng 23/7, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã "mở hàng" cho Đoàn Việt Nam khi thi đấu ở vòng xếp hạng cung một dây cá nhân nữ. Cô gái quê Hưng Yên đạt số điểm 628 sau 72 mũi bắn, xếp hạng 49 trong số 64 VĐV tranh tài. Ngày 28/7, Ánh Nguyệt sẽ đấu vòng 1/32 gặp VĐV chủ nhà Hayakawa Ren.
Nỗ lực vượt khó
Nỗi lo dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, quá trình sinh hoạt, tập luyện và thi đấu của VĐV. Trong ngày 22/7, Tokyo đã ghi nhận 1.979 trường hợp nhiễm Covid-19, con số cao nhất kể từ giữa tháng một. Trong khi đó, Làng VĐV cũng đã có 92 trường hợp dương tính Covid-19.
"Đúng là đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi việc không thể như mong muốn. Cho tới ngày 22/7, ban tổ chức đã không thể bố trí đầy đủ xe, tuyến xe để đảm bảo giữ an toàn về khoảng cách như yêu cầu đặt ra trước Olympic. Vì thế các chuyến xe rất đông, nguy cơ lây nhiễm là khó tránh khỏi. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các VĐV, HLV, Đoàn Việt Nam đã bố trí 2 xe ôtô được cấp, làm nhiệm vụ đưa các đội, nhất là các đội có địa điểm tập, thi đấu ở xa", ông Phấn cho biết.
"Ngoài các môn đã được ban tổ chức sắp xếp địa điểm tập như bắn súng, cử tạ, bắn cung, cầu lông, một số môn vẫn chưa có chỗ tập như điền kinh, các HLV, VĐV phải tìm cách khắc phục bằng việc tập ở phòng gym, đường chạy ở Làng VĐV. Sau khi Đoàn đón thêm 2 thành viên của đội taekwondo, chúng tôi đã có đủ 43 thành viên và cho tới giờ, hầu hết đội đều đã tiếp cận được các địa điểm tập luyện để làm quen với các thiết bị, điều kiện thi đấu".
Đoàn Việt Nam vượt khó để giành kết quả tốt nhất. Ảnh: Đoàn TTVN. |
Theo ông Phấn, Làng VĐV đã tập hợp đủ VĐV của các nước tham dự. Ban tổ chức thông báo đã có 203 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Việc số lượng các VĐV tăng lên tại các địa điểm tập luyện, khiến các thành viên Đoàn Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các cán bộ Đoàn Việt Nam đã làm việc hết công suất để mọi việc có thể phục vụ tốt nhất cho các VĐV.
Cuộc sống, sinh hoạt của 18 VĐV Việt Nam tại Olympic lần này lành mạnh và khá đơn giản. Thông thường một ngày của các VĐV tập trung vào việc tập luyện và nghỉ ngơi, từ sáng sớm cho đến tối khuya.
Tối 23/7, Đoàn Việt Nam sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo với 24 người trong số 43 thành viên. VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Quách Thị Lan sẽ cầm cờ cho Đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc.
Việt Nam sẽ là đoàn thứ 158 xuất hiện tại lễ khai mạc. Do việc tham gia diễu hành ở lễ khai mạc mất nhiều thời gian, khoảng 7 tiếng từ quá trình chuẩn bị đến khi kết thúc, nhiều cán bộ Đoàn sẽ diễu hành thay để các VĐV nghỉ ngơi, trước các cuộc tranh tài lớn.