'Bão chấn thương' hoành hành ĐTQG và ĐT Olympic
Tới giờ này, con số những cầu thủ bị chấn thương ở cả ĐTQG lẫn ĐT Olympic đã đủ để lập thành một đội bóng hoàn chỉnh.
Đội hình những "ngôi sao" ngồi ngoài
“Thắng bé đá quả hay thế nhỉ”, “Trời, cái thằng Việt Cường mà lại tạt được quả hay thế, tưởng lên trời chứ”, những buổi tập gần đây, cả ĐTQG lẫn ĐT Olympic đều có những khán giả ngồi ngoài chăm chú xem và bình luận rất nhiệt tình.
Những khán giả đó chính là các cầu thủ của cả 2 ĐT, người lạc quan thì đùa: “Những người đá kém mới phải tập, còn những người đá hay ông Tô cho ngồi ngoài chơi, đợi vào giải thì đá”, nhưng cũng có cầu thủ buông 1 câu: “Chân cẳng thế này đi còn chả nổi, tập làm sao”. Việc cầu thủ dính chấn thương, bị đau trong lúc tập luyện là chuyện bình thường, nhưng thời điểm này, con số “thương binh” ở ĐT đã vượt quá con số 10, điều đó quả thực là đáng lo ngại. Thế nên mới dẫn tới có cả việc cầu thủ lên ĐT mà không tập được, hay được điều từ đội này sang đội khác để chữa trị chấn thương.
Ông Tô thăm hỏi các "khán giả" phải ngồi ngoài sân |
Danh sách các cầu thủ bị chấn thương rõ nét rất dài, đó là chưa kể đến những cầu thủ bị đau nhưng vẫn tập được. Ở ĐTQG, Chí Công đã xin tạm nghỉ vài ngày để chữa chấn thương, Phước Tứ, Đình Luật, Quang Thanh đều ngồi ngoài, Như Thành cũng bị đau, và ông Tô chỉ có duy nhất một trung vệ có thể đá được là Huy Hoàng. Công Vinh vẫn chỉ có thể chạy ở ngoài sân và sẽ tiếp tục như vậy trong một thời gian dài nữa.
Ở ĐT Olympic, Tấn Trường dù tập được nhưng mỗi pha bắt bóng của thủ thành này đều khiến mọi người "lo thon thót". Long Giang được đưa sang ĐTQG có máy móc hiện đại hơn để phục hồi chấn thương nhanh. Mạnh Dũng và một vài cầu thủ khác cũng liên tục phải ngồi ngoài. Ngày 5/11 tới, ĐT Olympic đã lên đường sang Quảng Châu và việc 2 trụ cột Tấn Trường, Long Giang và các cầu thủ khác bị chấn thương thực sự là mối lo lớn của ông Phan Thanh Hùng.
Giải đấu VFF Cup tới đây, ĐTQG sẽ phải đối đầu với những đối thủ mạnh, thể lực khỏe và không ngại va chạm. Với cả cách tập và lối chơi fighting mà ông Tô để ra, nguy cơ một cầu thủ nào đó dính phải chấn thương là rất cao. Nếu như danh sách “thương binh” lại cứ tiếp tục dài ra, nguy cơ ở một vài vị trí không có người để đá như vị trí trung vệ hiện tại là rất lớn.
Chấn thương "ngoài" và "trong"
Hai chữ chấn thương thường được hiểu đơn giản là bị đau chân, nhưng chấn thương không chỉ là ở bên ngoài, trên cơ thể như vậy, mà còn cả ở tâm lý của con người.
Quan sát các buổi tập gần đây, dường như ông Calisto luôn phải kìm nén cảm xúc của mình để không nổi cáu. Việc liên tục nổi cơn giận dữ do ĐT không thể đạt đến trạng thái tốt nhất vì nhiều lí do, thậm chí có lúc cầm cả gậy ra sân, phải chăng ông Tô cũng đang “chấn thương tinh thần” ở trạng thái nhẹ?
Liên tục phải kìm nén sự cáu giận rất dễ dẫn đến vấn đề về tâm lý |
Không chỉ ông Tô, một số cầu thủ của cả 2 ĐT cũng gặp phải vấn đề về tinh thần trong thời gian gần đây. Đức Dương, Được Em xin về một phần cũng bởi biết mình không thể cạnh tranh được một vị trí chính thức ở ĐT. Thủ thành Mạnh Dũng từng “bật” thẳng lại HLV Calisto ngay ở trên sân. Hì hục tập cả tháng cộng thêm những ý nghĩ rằng mình sẽ bị loại dẫn đến việc luyện tập thiếu tập trung và quyết tâm, đó cũng là một dạng biểu hiện của chấn thương tâm lý.
Ở một số ĐTQG trên thế giới, ngoài những bác sĩ thông thường còn có thêm cả chuyên gia tâm lý. Có lẽ, VFF nên xem xét để có thêm một người chuyên trách vấn đề này cho ĐT. Vị bác sĩ tâm lý này chắc chắn sẽ có nhiều việc để làm, không chỉ với các cầu thủ mà với cả HLV.
Quang Thái
Theo BĐVN