Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hải Dương cho biết đã báo cáo UBND tỉnh và Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ VH-TT&DL, về vấn đề tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà.
Theo đó, nghi môn (cửa cống chính) đền An Liệt vốn được xây dựng bằng vật liệu vôi vữa, có hiện tượng nứt, nghiêng, mái bị sụt lún, rơi vỡ gạch ngói gây nguy hiểm cho người dân và du khách thập phương.
Nghi môn đền An Liệt trước đó có hiện tượng nứt, nghiêng, rơi vỡ gạch gói. Ảnh: Sở VH-TT&DL cung cấp. |
Từ đó, tháng 10/2018, UBND huyện Thanh Hà có tờ trình về việc tu bổ, tôn tạo.
Sau khi tiếp nhận, Sở VH-TT&DL có tờ trình đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL thỏa thuận chủ trương và thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền An Liệt với các hạng mục tiền bái, nghi môn, sân và hàng rào.
Tháng 12/2018, Bộ VH-TT&DL ban hành công văn về việc thỏa thuận báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đền An Liệt để chủ đầu tư là UBND xã Thanh Hải triển khai các bước tiếp theo.
Theo hồ sơ, đền An Liệt được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Nhà tiền bái, nghi môn, sân và hàng rào.
Từ năm 2019, địa phương bắt đầu tiến hành các phần việc tu bổ, tôn tạo và đã hoàn thành. Song, kết quả kiểm tra thực tế của Sở VH-TT&DL cho thấy hạng mục nghi môn đền An Liệt lại không đúng so với hồ sơ thiết kế.
Cụ thể, theo hồ sơ, nghi môn đền An Liệt được thiết kế có kiến trúc kiểu chồng diêm cổ các 8 mái gồm một cổng chính và hai cổng phụ, đao tàu giéo góc, các góc mái đắp đầu đao, đắp kìm nóc, theo nguyên mẫu trụ cổng nghi môn cũ.
Trong khi đó, nghi môn hiện nay làm kiểu tứ trụ không mái, cánh cửa bằng kim loại.
Cổng đền An Liệt sau khi được tu bổ, tôn tạo không đúng theo nguyên mẫu trụ nghi môn cũ. Ảnh: Nguyễn Dương/H.D. |
“Nguyên nhân của sự việc trên được lãnh đạo UBND xã Thanh Hải giải thích do thiếu nguồn kinh phí nên chưa hoàn thiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt", Sở VH-TT&DL thông tin.
Vì thế, Sở đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà phối hợp chỉ đạo giao UBND xã Thanh Hải huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thi công, hoàn thiện hạng mục nghi môn theo đúng hồ sơ ban đầu.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh cổng đền An Liệt ở xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị dỡ bỏ hoàn toàn và chưa phục dựng trong quá trình trùng tu.
Thông tin sau khi được chia sẻ gây xôn xao dư luận. Nhiều người bức xúc vì cho rằng địa phương đã phá bỏ một công trình cổ kính của di tích cấp quốc gia. Một số ý kiến thì cho rằng việc phục dựng nghi môn không giống nguyên bản làm ảnh hưởng đến giá trị di tích.
Di tích cấp quốc gia đền An Liệt hiện nay. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Lãnh đạo UBND xã Thanh Hải cho biết nghi môn đền An Liệt nhìn có nét cổ nhưng được xây chỉ cách đây 30-40 năm. Cổng được xây bằng vôi vữa, xuống cấp nên nhân dân và chính quyền địa phương có nguyện vọng tháo dỡ để phục dựng lại.
Tuy nhiên, sau khi tu bổ, tôn tạo nhà tiền bái, sân và hàng rào, địa phương này gặp khó khăn về kinh phí. Vì thế, hạng mục nghi môn chưa hoàn thành theo hồ sơ và mới chỉ làm tạm bằng trụ xi măng, cánh cửa làm bằng sắt thép với phong cách đơn giản.
Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa di sản (Sở VH-TT&DL Hải Dương), khẳng định việc hạ giải nghi môn đền An Liệt đúng quy trình, được thẩm định kỹ.
Tuy nhiên, việc địa phương chưa phục dựng nghi môn theo hồ sơ thiết kế đã khiến dư luận hiểu lầm là đập bỏ cổng di tích để xây như hiện tại.
Đền An Liệt được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), thờ các vị tướng có công giúp triều Lê đánh giặc, bảo vệ đất nước và được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Năm 1995, ngôi đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia.