Chiều 22/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Hải Dương cho biết đã báo cáo UBND tỉnh, Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ VH-TT&DL, về vi phạm tại di tích quốc gia đình Tự Đông, thuộc phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương.
Trước đó, chiều 17/3, Đoàn Thanh niên phường Cẩm Thượng hoàn thành việc vẽ bích họa lên phía đầu hồi bên trái đình Tự Đông. Bức tường này được phủ sơn nhiều màu và vẽ bản đồ Việt Nam.
Đoạn tường bao phía sau hậu cung dài khoảng 40 m cũng được vẽ thành một bức tranh phong cảnh.
Đoàn thanh niên phường Cẩm Thượng vẽ bích họa lên đình cổ Tự Đông để hưởng ứng Tháng Thanh Niên. Ảnh: H.D. |
Nhiều người đã chụp lại tranh bích họa trên và chia sẻ lên mạng xã hội. Họ bày tỏ sự không hài lòng bởi cho rằng việc làm này khiến ngôi đình cổ biến dạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử - văn hóa.
Sau khi có phản ánh, Sở VH-TT&DL đã yêu cầu Phòng Văn hoá - Thông tin TP Hải Dương liên hệ với UBND phường Cẩm Thượng kiểm tra thực tế.
Kết quả cho thấy có sự việc trên. “Bích họa do Đoàn Thanh niên phường Cẩm Thượng tổ chức vẽ theo phát động của Thành đoàn Hải Dương để hưởng ứng Tháng Thanh Niên đúng như ý kiến phản ánh của người dân”, Sở VH-TT&DL thông tin.
Sau đó, UBND phường Cẩm Thượng được yêu cầu phải khắc phục tình trạng nêu trên. Đến nay, các hình ảnh đã được xoá bỏ để trả lại không gian vốn có của di tích.
Phường Cẩm Thượng đã khắc phục bằng việc sơn lại tường đình Tự Đông. Ảnh: T.H. |
Sở VH-TT&DL Hải Dương cho biết thêm hoạt động nêu trên vi phạm Luật Di sản văn hoá năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung năm 2009 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, luật nghiêm cấm các hành vi Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.
Nghị định số 38/2021 của Chính phủ cũng quy định xử phạt đối với hành vi Viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Từ đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Cục Di sản Văn hóa trong vấn đề xử lý tiếp theo.
Đình Tự Đông được khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII, thờ Cửa Ngõ Đại Vương, có tài chữa bệnh cứu dân và được tôn làm Thành hoàng.
Đình Tự Đông có kiến trúc hình chữ Đinh (J), gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Hiện di tích vẫn còn lưu giữ được kiến trúc cơ bản thời Hậu Lê với nhiều mảng chạm khắc gỗ như bức cốn tứ linh, long quần và lưỡng long chầu nguyệt ở gian đại bái, các đầu dư, đầu bẩy, hệ thống cột vẫn còn khá nguyên vẹn.
Năm 1997, đình Tự Đông được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.