Nếu như năm ngoái, việc khuyến mại được thực hiện trước Trung thu khoảng 1 tuần thì năm nay, các cửa hàng kinh doanh bánh giảm giá trước rằm đến nửa tháng. Tuy nhiên, tại các cửa hàng lượng bán ra vẫn rất ít. Nhân viên quầy bánh cho biết, mỗi ngày chỉ có vài lượt khách đến mua lẻ. Phần lớn khách vẫn có tâm lý chờ đến cận ngày, hoặc qua Tết Trung thu mong mua được bánh giảm giá, bánh mua 1 tặng 2...
Từ ngày 29, 30/8, nhiều quầy hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) Ba Tháng Hai (quận 10) đã giăng bảng khuyến mại mua 1 tặng 1. Nhãn hiệu khuyến mại theo hình thức này nhiều nhất là bánh Đồng Khánh.
Người đứng quầy bánh trên đường Kha Vạn Cân cho biết, quầy khuyến mại áp dụng cho các sản phẩm mang nhãn hiệu Đồng Khánh có mức giá gốc từ 56.000 đồng với bánh đậu xanh 1 trứng và sữa dừa hạt dưa 1 trứng. Loại bánh cao cấp có giá 520.000 đồng cũng được giảm giá. Nếu mua với số lượng lớn thì sẽ được giảm nhiều hơn.
Ngoài ra, tại cửa hàng này, bánh nhỏ cho trẻ em loại đậu xanh 1 trứng chỉ còn giá 18.000 đồng một cái.
Nhiều quầy bán bánh trung thu tại TP HCM đã treo bảng mua 1 tặng 1 trước rằm nửa tháng nhưng vẫn ế ẩm. Ảnh: Phạm Oanh. |
Tuy nhiên, việc khuyến mại thực tế lại khá mập mờ. Nếu so giá bánh cùng thương hiệu tại cửa hàng có khuyến mại với cửa hàng không khuyến mại sẽ thấy có sự chênh lệch.
Ví dụ, tại quầy khuyến mại, bánh khoai môn 2 trứng đang có giá 86.000 đồng, đậu xanh 2 trứng 86.000 đồng, hạt sen 2 trứng 88.000 đồng, sữa dừa sầu riêng 2 trứng 81.000 đồng... Trong khi đó, tại quầy hàng không khuyến mại mua 1 tặng 1, giá các loại bánh này thấp hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/cái.
Những quầy chưa áp dụng hình thức mua 1 tặng 1 cũng hỗ trợ bằng chiết khấu. Bánh Đồng khánh được chiết khấu đến 30%, Kinh Đô, Như Lan chiết khấu 7-15%....
Chị Hoa, nhân viên quầy trên đường Ba Tháng Hai cho biết, sở dĩ có mức chiết khấu khác nhau giữa các quầy hàng, cũng như các nhãn hiệu là do một số nhãn hiệu sẽ thu hồi bánh còn lại sau Trung thu. Thường Kinh Đô, Như Lan sẽ thu hồi bánh tồn, nên mức chiết khấu áp dụng thấp hơn. Các nhãn hàng không thu hồi thì quầy phải tự xoay bằng hình thức giảm giá mạnh để bán hết bánh.
“Vào những ngày sát Trung thu, có thể nhiều quầy sẽ giảm giá mạnh nữa, như mua hộp 4 bánh sẽ được tặng một hộp tương tự”, chị Hoa nói thêm.
Tình trạng vắng khách tại các quầy bánh trung thu truyền thống một phần do ngày càng nhiều người tự làm bánh rồi rao bán online. Ngoài ra, khá nhiều điểm bán bánh thời vụ như hàng cà phê, trà, thức ăn nhanhcùng tham gia cũng khiến bánh truyền thống mất khách.
Thời điểm này, chỉ cần tìm cụm từ “bánh trung thu” trên mạng xã hội hay các trang tìm kiếm sẽ nhận được hàng loạt lời rao bánh homemade, handmade với đủ loại, đủ kích cỡ mà giá cả không cao.
Anh Hưng, bán bánh trung thu khu vực gần Hàng Xanh, quận Bình Thạnh cho biết, khách hàng ngày càng chuộng việc đặt bánh online vì không phải cất công đi xa, chỉ cần ngồi nhà xem và đặt hàng.
“Bánh online chỉ làm theo đơn đặt hàng mà không làm ồ ạt, không sợ để lâu. Hơn nữa, khách hàng có thể tùy ý đặt nhân hay vỏ bánh theo ý thích, hoặc bỏ bớt những thành phần không phù hợp với khẩu vị. Mẫu mã các loại bánh của các nhãn hiệu lớn hiện nay cũng không phong phú nữa nhưng giá luôn ở mức cao. Trong khi các shop bánh online thì giá thấp nhưng đa dạng mẫu mã, từ hình thù các con vật đến hoa cỏ,…rất bắt mắt”, anh Hưng nói.
Chủ một shop bánh trung thu online trên đường Trương Định, quận 3, cho biết khoảng 2 tuần trước Trung thu là thời gian khách đặt bánh nhiều nhất. Số lượng không ồ ạt nhưng ổn định từ 20 đến 30 bánh một ngày, ngày nào cũng có đơn đặt hàng để giao.
Tại cửa hàng chị, khách có thể chọn mẫu mã cũng như thành phần nhân bánh tùy ý thích. Không chỉ làm và bán bánh thông thường, cửa hàng còn có bánh thạch rau câu hay bánh dẻo đủ hình dáng. Thậm chí khách đặt hàng riêng 1-2 hộp cũng được nhận làm mà giá không chênh lệch so với mức giá bán đại trà.