Băng Di bước chân vào ngành giải trí với vai trò mẫu ảnh, rồi ca sĩ nhưng không mấy thành công. Từ năm 2009, cô theo đuổi lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.
Đi lên từ loạt vai phụ, sự nghiệp diễn xuất của người đẹp 31 tuổi thăng hoa khi cô đảm nhận vai tiểu thư Nhi trong Gạo nếp gạo tẻ (2018).
“Ác nữ giật chồng” trên màn ảnh nhỏ
Trong Gạo nếp gạo tẻ, Băng Di vào vai một cô tiểu thư ghê gớm. Nhi là con gái chủ sở hữu khách sạn nơi Công (Nguyễn Hoàng Anh), người chồng vô công rồi nghề của Hương (Lê Phương), làm việc.
Bằng tiền bạc và nhan sắc, Nhi đã quyến rũ Công, khiến gã phản bội, ruồng rẫy người vợ tảo tần. Trong cuộc hôn nhân của Công, Nhi là người thứ ba. Nhưng thực tế, cô tiểu thư chỉ coi Công như món đồ chơi trong tay.
Băng Di và Nguyễn Hoàng Anh trong vai nhân tình ở Gạo nếp gạo tẻ. Ảnh: HTV. |
Qua diễn xuất của Băng Di, nhân vật Nhi trong Gạo nếp gạo tẻ hiện ra với đầy đủ sự đỏng đảnh, hống hách của một cô tiểu thư được nuông chiều, tin rằng cả thế giới đều xoay quanh mình. Nhi lên mặt dạy dỗ Hương khi cô xin nhân tình buông tha cho chồng, ngang ngược thách thức khi em Hương (Thúy Ngân) tới đòi công bằng cho chị gái.
Cũng vì vai Nhi, đặc biệt là cảnh phim với Thúy Ngân, Băng Di từng bị cư dân mạng buông lời khó nghe vì bất bình với nhân vật. Từ đây, Băng Di được truyền thông đặt biệt danh “ác nữ giật chồng”.
Năm 2020, chuỗi ngày thủ vai phản diện trên màn ảnh nhỏ của Băng Di tiếp tục với Kim Chi trong Đường về có nhau. Trên phim, nhân vật của Băng Di ở thế đối đầu với vai chính Nguyệt Lam (Trương Quỳnh Anh).
Không chỉ hết lần này đến lần khác hãm hại Nguyệt Lam trong cuộc cạnh tranh tình trường, Kim Chi còn sống trong nỗi lo sợ bí mật về thân thế hai người bại lộ.
Thử thách khi vào vai chính diện
Ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng những vai phản diện, Băng Di đã có màn lột xác khi vào vai mợ ba trong bộ phim điện ảnh Cậu Vàng lấy cảm hứng từ di sản văn học của Nam Cao.
Mợ ba được cưới về nhà Bá Kiến (Hữu Châu) khi lão phú hộ đã qua tuổi sung mãn. Dù lấy nhau đã lâu, người phụ nữ vẫn chưa thụ thai. Áp lực chưa tròn bổn phận sinh con nối dõi cho nhà chồng, kèm sự chèn ép từ vợ cả, vợ hai khiến bà ba ngày một héo hon.
Băng Di đã thể hiện được sự âu sầu của một người phụ nữ vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ sinh con nối dõi. Ảnh: BuiCuong Film. |
Bà ba trong Cậu Vàng đặt Băng Di vào bối cảnh những năm giữa thế kỷ XX. Cô hóa thân thành một người phụ nữ xinh đẹp, còn trẻ nhưng đã sớm không còn tương lai. Bà ba sống như một cái bóng giữa gia đình chồng, giá trị chỉ đong đếm bằng khả năng sinh đẻ…
Hình ảnh bà ba nhân hậu nhưng thụ động trong Cậu Vàng trái ngược với kiểu nhân vật không từ thủ đoạn để đạt được mục đích mà Băng Di đã quen diễn. Trả lời báo chí, Băng Di cho biết cô không muốn đóng đinh diễn xuất của mình với một kiểu vai phản diện mà luôn tìm kiếm cơ hội hóa thân vào những số phận khác nhau.
Nữ diễn viên nhận xét bà ba là vai diễn đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật diễn xuất. Băng Di từng trải qua tâm trạng căng thẳng, chịu nhiều áp lực trước khi Cậu Vàng bấm máy vì lần đầu đảm nhận kiểu vai mới mẻ.
Trong cảnh đầu tiên xuất hiện, khoảnh khắc bà ba đổ bỏ chén trà mà mợ cả, mợ hai gửi biếu khiến khán giả chớm liên tưởng tới những vai diễn ghê gớm đã gắn liền với Băng Di. Tuy nhiên, nét diễn này này không còn xuất hiện trong phần sau phim, khi nữ diễn viên đã toàn tâm toàn ý vào vai thục nữ.
Bà ba của Băng Di toát ra sự bình thản của người đã chớm quen sống đủ đầy trong nhung lụa, không mảy may nỗi lo cơm áo. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy vẫn phảng phất nét mỏi mệt, ưu tư của người thường xuyên bị chèn ép, thân mang trọng trách nhưng không cách nào hoàn thành.
Băng Di cũng ít nhiều diễn được nét cam chịu, tủi hờn xen lẫn đau đớn của mợ ba trong hai phân đoạn quan trọng trên màn ảnh. Đầu tiên, là sự bẽ bàng khi bà ba nhìn thấy gương mặt tình cũ (Thanh Bình) trong gánh hát giữa sân nhà Bá Kiến. Tiếp đó, là trường đoạn trong nhà kho, khi bà liều hứa trao thân cho Lý Cường (Will) để đổi lấy bình an cho người yêu.
Nỗ lực có được đền đáp?
Trong Cậu Vàng, bà ba là nhân vật được sáng tạo mới gần như toàn bộ. Ngoài thân phận người vợ thứ ba của Bá Kiến, tính cách, quá khứ cũng như kết cục của nhân vậy được thể hiện trên phim hoàn toàn khác với nguyên tác hay bản phim chuyển thể Làng Vũ Đại ngày ấy (1982).
Băng Di trong sự kiện ra mắt phim Cậu Vàng. |
Dưới ngòi bút Nam Cao, vợ ba của Bá Kiến là một phụ nữ trẻ, thường hay mượn cớ đau ốm để được anh Chí xoa bụng, bóp đầu. Trong Làng Vũ Đại ngày ấy, bà ba xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh đá đáp chua ngoa với bà cả nhà Bá Kiến. Không mô tả nào trong đó có nét tương đồng với hình ảnh người phụ nữ nhu mì trong Cậu Vàng.
Xây dựng người vợ ba theo hướng nhân vật chính diện, mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không tình yêu là câu chuyện giật gân thời thượng để Cậu Vàng tiếp cận nhóm khán giả trẻ. Câu chuyện người phụ nữ đấu tranh giành quyền tự do - lấy người mình yêu và sống cuộc đời mình khao khát - trong Cậu Vàng ít nhiều mang dấu ấn của từ khóa “nữ quyền”.
Tuy nhiên, việc đầu tư quá mức vào tuyến nhân vật xoay quanh bà ba đã khiến bộ phim mất trọng tâm. Từ đầu, chuyện lão Hạc (Viết Liên) ăn bả chó và chuyện bà ba bỏ trốn theo người tình đã không có bất kỳ liên hệ hợp lý nào, dù bộ phim cố gắng tạo ra chi tiết long mạch để kết nối.
Binh Tư (Phương Nam) cũng xuất hiện như một gạch nối nhân quả giữa họ: nhờ cậu Vàng và lão Hạc cứu Binh Tư, mà gã mới còn sống để giúp bà ba và người tình bỏ trốn. Binh Tư bỏ mạng trong nỗ lực ấy.
Cái chết khép lại trọn vẹn cuộc đời Binh Tư trong vai trò một công cụ. Hắn sống để làm công cụ của Bá Kiến, và chết sau khi hoàn thành vai trò “bôi trơn” cuộc chạy trốn của đôi tình nhân được biên kịch gán cho.
Trong cảnh cuối cùng xuất hiện, bà ba và người tình ngồi trên một chiếc xe ngựa đi giữa rừng. Đây là một chi tiết thừa thãi, khi đạo diễn cố gắng lồng ghép thông điệp về chiến thắng của tình yêu trước bạo lực, cường quyền.
Tuy nhiên, đây có lẽ là điều khán giả không thực sự quan tâm, hoặc họ đã nhìn thấy chiến thắng ấy trong cảnh hai người an toàn rời khỏi ngôi làng.
Cái kết khi những người yêu nhau tìm về bên nhau, bà ba từ vùng Nam Bộ ra đi nay lại trở về chốn cũ, vô tình vẽ ra quá nhiều khả năng bất trắc đi ngược lại cái kết có hậu. Từ việc chắc chắn đôi uyên ương phải sống kiếp lang bạt kỳ hồ, tới tình yêu của họ chắc chắn sẽ trải qua thử thách khi con của Bá Kiến ra đời…
Bà ba có thể đã là vai diễn mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của Băng Di. Tuy nhiên, việc được dành quá nhiều sự chú ý đã tạo ra hiệu ứng ngược, khiến nhân vật từ chỗ quan trọng trở thành thừa thãi.
Cùng với đó, phát ngôn bất cẩn của nữ diễn viên về bộ phim mới đây càng khiến tên tuổi Băng Di, gắn với nhân vật bà ba, nhuốm màu sắc tiêu cực.