Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Băng đảng phá khóa container, trộn hàng tấn ma túy vào chuối và trà

Tại Guayaquil, cảng biển chính của Ecuador, cảnh sát và lực lượng hải quan phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi khó lường của tội phạm ma túy để buôn lậu cocaine tới châu Âu.

Được bao quanh bởi một khu dân cư nghèo, Guayaquil là cảng biển chính của Ecuador. Hầu như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đều bắt nguồn từ cảng biển này, đặc biệt là nông sản và trái cây.

Trong khi đó, với vị trí nằm kẹp giữa Peru và Colombia - hai quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới - Ecuador đã dần trở thành điểm trung chuyển đầu tiên của ma túy loại này trên đường đến Mỹ và châu Âu. Quốc gia Nam Mỹ này tịch thu 210 tấn cocaine trong năm 2021, vào 96 tấn trong số này được phát hiện ở cảng Guayaquil.

cocaine nam my den chau au nhu the nao anh 2

Cảnh sát chống ma túy và chó nghiệp vụ kiểm tra các lô hàng chuối xuất khẩu của Ecuador tại cảng Guayaquil. Ảnh: AFP.

Cửa ngõ xuất khẩu của Ecuador

Điều này khiến cho việc kiểm tra hàng hóa để phát hiện ma túy trở nên đầy thách thức, đặc biệt là khi lực lượng hải quan ở cảng Guayaquil không có nhiều nguồn lực.

Khoảng 20% lượng hàng hóa ở cảng được kiểm tra trực tiếp bởi các nhân viên và chó nghiệp vụ, trong khi đó số container còn lại được kiểm tra bằng máy quét.

Mặc dù phải xử lý khối lượng hàng hóa khổng lồ, lực lượng hải quan ở cảng Guayaquil chỉ có 2 chú chó giống GSD trong biên chế là Wolf và Jessie.

Và giống như con người, chó nghiệp vụ cũng sẽ mệt mỏi nếu phải làm việc quá sức. Để đảm bảo điều này không xảy ra, Wolf và Jessie chỉ được làm nhiệm vụ khoảng 10 phút trong mỗi lần kiểm tra một container khả nghi.

"Chúng tôi không thể bắt chúng làm việc quá nhiều, nếu không thì chúng sẽ không thể tìm ra ma túy", ông Richard Riera, người đứng đầu đơn vị thông tin phụ trách các sân bay và cảng biển của Ecuador, chia sẻ với AFP.

Ông Riera cũng nói thêm rằng các băng đảng ma túy rất ưa chuộng Guayaquil vì đây là cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa của Ecuador, với các tuyến đường biển đến thẳng Mỹ và châu Âu.

Nhờ có Wolf và Jessie, hải quan ở cảng gần đây đã phát hiện ma túy dạng lỏng giấu bên trong các thùng đựng trà sau khi số hàng hóa này đi qua máy quét mà không bị phát hiện.

Khoảng một phần ba lượng cocaine được tịch thu ở cảng Guayaquil có đích đến là châu Âu, trong khi hơn 10% nhằm đến Mỹ.

"Đất nước chúng tôi đã không còn là một trung tâm thu gom ma túy, mà thay vào đó trở thành một địa điểm phân phối ma túy ở quy mô quốc tế", ông Giovanni Ponce, Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy quốc gia Ecuador, nhận định.

Tình trạng này cũng khiến cho Guayaquil - thành phố lớn thứ 2 của Ecuador chỉ sau thủ đô Quito - trở thành điểm nóng tội phạm của quốc gia. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 404 vụ giết người ở Guayaquil, và gần 80% trong số này liên quan đến hoạt động buôn lậu ma túy, theo ông Ponce.

Bên cạnh những vụ giết người, tình hình tội phạm ma túy tràn lan cũng khiến các nhà tù vốn đã chật chội của Ecuador trở nên quá tải. Vào tháng 9/2021, một cuộc bạo loạn đã xảy ra ở một nhà tù như vậy tại Guayaquil, khiến hơn 100 người thiệt mạng.

cocaine nam my den chau au nhu the nao anh 3

Năm ngoái, cảnh sát Ecuador tịch thu gần 100 tấn cocaine ở cảng Guayaquil. Ảnh: AFP.

Tình hình tồi tệ đến mức vào tháng 10/2021, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc kéo dài 60 ngày, với lý do cần tạo điều kiện cho một cuộc chiến phối hợp chống tội phạm ở quốc gia này. Quân đội và cảnh sát ngay lập tức được điều động để tuần tra trên các đường phố nhằm đảm bảo an ninh tốt hơn.

Ước tính 2,4 triệu container được xuất đi mỗi năm ở cảng Guayaquil, và việc kiểm tra toàn bộ số hàng hóa này là một "nhiệm vụ khổng lồ", theo ông Riera.

Cảng Guayaquil có 12 bến bốc dỡ hàng hóa thuộc sở hữu tư nhân, và khoảng 85% lượng hàng hóa xuất khẩu (không tính dầu mỏ) của Ecuador được vận chuyển từ đây - tương đương với 25 triệu tấn mỗi năm.

Cơn đau đầu của những nhà xuất khẩu chuối

Các quan chức cảng cho biết họ cần thêm nhân lực, cũng như nhiều hơn loại máy quét công nghệ cao - thứ sẽ không phá hỏng các container chứa chuối và tôm. Đây là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ecuador, nhưng toàn quốc chỉ có mỗi một máy quét như vậy.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, các công ty xuất khẩu chuối ở Ecuador lại thường là nạn nhân của các băng đảng ma túy. Các doanh nghiệp thậm chí rất bức xúc vì container chuối của họ bị phá khóa và tuồn ma túy vào.

Nếu trót lọt, những container này sẽ đi qua cửa kiểm tra và thậm chí cập bến tại đích đến cuối cùng là các cảng biển ở Mỹ và châu Âu.

Các công ty sở hữu bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Guayaquil cho biết họ phải bỏ số tiền lớn để lắp đặt camera an ninh, cũng như kiểm tra hàng hóa và phương tiện đi vào khu vực.

Bị tác động mạnh nhất là các công ty xuất khẩu chuối. Container chứa loài trái cây này thường bị đột nhập trên đường vận chuyển, hoặc thậm chí là ngay trong khuôn viên cảng.

"Chúng tôi là nạn nhân chính vì chúng tôi xuất khẩu khoảng 7.000 container mỗi tuần", ông Richard Salazar, Giám đốc Hiệp hội Tiếp thị và Xuất khẩu Chuối Ecuador, chia sẻ.

Để hạn chế tình trạng này, các công ty phải bỏ thêm khoảng 200 USD với mỗi container chuối cho các biện pháp an ninh. Thậm chí họ còn phải thuê dịch vụ giám sát bằng vệ tinh cũng như tăng cường nhân viên bảo vệ.

Vấn đề là mỗi lần phát hiện ma túy trong một container, nhà chức trách sẽ tịch thu toàn bộ lô hàng, khiến các công ty mất đi số tiền lớn.

"Không ai chịu trách nhiệm cho sự mất mát đó. Mỗi container chuối có giá 12.000 USD", ông Salazar nói thêm và cho biết cả ngành xuất khẩu chuối đang rất đau đầu với tình trạng này.

"Chúng tôi đã đề nghị có một chính sách an ninh đồng bộ ở Ecuador... như một phương án bổ trợ cho các nỗ lực của phía tư nhân đang thực hiện", ông Salazar cho biết.

cocaine nam my den chau au nhu the nao anh 4

Chuối là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ecuador và tội phạm ma túy thường tìm cách tuồn cocaine vào những container chứa loại trái cây này. Ảnh: AFP.

Nhưng chính phủ trung ương ở Quito cũng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng.

Quốc gia 17 triệu dân này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, với khoảng một phần ba dân số đang sống trong cảnh nghèo đói, và con số này còn có thể cao hơn do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào tháng 11/2021, Tổng thống Guillermo Lasso nói rằng Ecuador cần sự hỗ trợ quốc tế từ các nước láng giềng Colombia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để tăng cường lực lượng vũ trang và cảnh sát nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia tại nước này.

Bài liên quan

Sơn Trần

theo AFP