Khi được hỏi về người mình kính trọng, người mà mình lấy đó làm lý tưởng, tôi luôn nghĩ đến Saigo Takamori trước tiên.
Sau khi chính phủ mới của Minh Trị ra đời, Saigo sống ở Tokyo. Dù nhận lương cao nhưng ông vẫn sống ở căn nhà đơn sơ, chỉ có một người hầu, mặc đồ vải thô. Ông thật sự là một người chất phác, không có lòng tham, vô tư lợi.
Cho rằng “Bakufu không đúng”, “chế độ phong kiến lỗi thời”, ông đã tập hợp các samurai trẻ, xây dựng chính phủ mới bằng cả tính mạng của mình. Nhưng quan chức chính phủ mới sau đó chỉ thích vinh hoa phú quý, xây nhà tráng lệ, mặc đồ đắt tiền, nuôi nhiều thê thiếp trong nhà, trở nên sa đọa.
Saigo ở ngay trung tâm chính phủ mới, chứng kiến cảnh ấy, đau đớn thốt lên rằng: “Minh Trị duy tân không phải vì vinh hoa phú quý của chúng ta!”. Đồng thời, ông trăn trở: “Việc mình làm liệu có đúng không?”, “chẳng phải một số người đã lợi dụng để hưởng thụ xa xỉ sau khi có được thiên hạ trong tay sao?”. Bản thân ông thì không như vậy mà sống cuộc đời giản dị.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Rốt cuộc, ông không còn hợp với ý kiến của Yamagata Tomoaki, Ito Hirofumi và Okubo Toshimichi (1), nên vì việc hiểu lầm chủ trương “chinh Hàn luận” (2) lúc bấy giờ mà ông từ quan. Nếu có tham vọng, hẳn ông đã có được địa vị nhưng vì Saigo không có lòng tham nên mau chóng trở về Kagoshima. Thế rồi những samurai trẻ đồng hương, từng cùng lập chính phủ mới cũng từ quan về quê theo ông. Vì họ cũng lòng đầy bất mãn nên để họ không bùng phát cơn giận và giúp họ trở thành người hữu ích trong tương lai, ông lập trường học tư.
Sau đó, có một viên cảnh sát quê vùng Satsuma đột nhập vào Kagoshima bị bắt, khi bị thẩm vấn thì hắn khai “đến để ám sát Saigo”. Việc này còn đang được tranh cãi thật giả thì học sinh trong trường tức giận, cướp kho vũ khí của chính phủ ở Kagoshima và lấy đi đạn dược, súng ống. Chính phủ Minh Trị biết điều này đã ra tay trấn áp vì cho đây là phản loạn.
Lúc ấy, Saigo đang đi săn ở bán đảo Osumi, ngay khi nhận tin đã tức tốc trở về. Tuy ông đã tạm ngăn được những người trẻ nhưng không có vẻ tích cực lắm. Cho đến nay vẫn chưa ai biết lý do đó là gì. Tôi nghĩ có liên quan đến việc ông đã cạn tình với chính phủ mới và cả tình cảm sâu sắc của riêng mình. Cũng có quan điểm cho rằng một người ưu tú như ông vậy mà bị cái tình trói buộc để ra một quyết định đại sự như thế thì thật kỳ lạ, nhưng nếu xét từ sự kiện trầm mình với Gessho, tôi cho rằng không có gì lạ khi Saigo là người trọng tình hơn lý.
(1) Những samurai đóng vai trò chủ chốt trong cuộc lật đổ Bakufu, mở đầu thời kỳ Minh Trị.
(2) Là cuộc xung đột chính trị ở Nhật Bản xoay quanh vấn đề có tấn công Triều Tiên hay không? (BTV).
Bình luận