Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang dần vào guồng quay sau khi phải tạm dừng vì Covid-19. Song song với đó, những sai sót trong công tác điều hành, điều khiển trận đấu xuất hiện ngày càng nhiều. Zing có cuộc trao đổi với Trưởng ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về các vấn đề liên quan.
Sau 6 vòng tại V.League 2020, công tác trọng tài có một số tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều sai sót trong việc điều hành các trận đấu. Ảnh: Minh Chiến. |
Trọng tài trẻ đang làm tốt nhiệm vụ
- Xin chào ông Dương Văn Hiền. Sau 6 vòng V.League đã qua, là Trưởng ban Trọng tài, ông đánh giá công tác điều hành các trận đấu như thế nào?
- Mùa này có một số thay đổi về phương thức thi đấu vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Cá nhân tôi cho rằng thể thức này quá hay, tính chất trận đấu gay cấn hơn, đội nào cũng muốn tích lũy điểm cho giai đoạn 2. Vì tính chất trận đấu như vậy, áp lực lên trọng tài càng lớn. Nhiều anh em trọng tài không chịu được dẫn đến những sai sót. Đó là điều chúng tôi phải chấp nhận.
Nhìn chung, anh em trọng tài đã cố gắng làm nhiệm vụ bằng 100% cái tâm và sức lực, làm sao cho trận đấu hết thúc an toàn. Song, như tôi đã nói, khi sai sót đến thì phải chịu. Chuyện kỷ luật, theo quy định phải giữ bí mật, nhưng mọi người nhìn một ông trọng tài không được làm nhiệm vụ sau khi mắc sai sót đều hiểu, không cần nói ra.
Với thể thức mới, các đội tích lũy từng điểm số một chứ không còn tính toán dài hơi như trước. Thứ tự các đội trên bảng xếp hạng thay đổi từng vòng. Tôi cho rằng không trận đấu nào dễ điều hành. Ban trọng tài cũng quán triệt anh em, thường xuyên nhắc nhở, động viên họ làm tốt nhiệm vụ của mình.
Sai sót là điều khó tránh, nhưng từ phía các đội bóng nhiều khi cũng làm quá mức. Nhiều khi, trọng tài làm đúng nhưng CLB chịu thiệt nên họ cũng cay cú. Chúng tôi đề nghị Ban tổ chức giải cần có hình thức xử lý. Ai sai phải chịu chứ không để tình trạng loạn lên như thế.
- Về lực lượng, năm nay có nhiều trọng tài mới, trẻ và được trao cơ hội. Ban trọng tài đánh giá gì về việc này sau khi V.League 2020 đi qua 6 vòng đấu?
- Thống kê lại thì những trọng tài được trao cơ hội, năm đầu tiên làm nhiệm vụ lại hoàn thành tốt công việc, chưa có sai sót gì. Đôi khi lỗi lại rơi vào những trọng tài có nhiều kinh nghiệm, đã làm nhiệm vụ lâu năm. Ví dụ điển hình là trường hợp trọng tài Nguyễn Mạnh Hải (Hải Phòng) mới "cầm còi" trận đầu tiên của mình ở mùa giải, trận Hà Tĩnh tiếp đội Hà Nội, đã "vỡ sân" luôn.
Tâm lý trọng tài chưa tốt, tay nghề chưa vững sẽ ảnh hưởng đến việc điều khiển trận đấu. Theo tôi, không thể nói trọng tài trẻ thì dễ sai sót hơn, dù họ ít kinh nghiệm. Nói chung, chuyện này rất khó nói. Từ đầu giải tới giờ họ đang làm rất tốt mà. Trẻ không kinh nghiệm bằng già, cái này đúng. Song, không chắc rằng những người làm lâu năm sẽ chắc chắn làm tốt.
- Sau khi nhận báo cáo trọng tài, ông có thể chia sẻ về sự cố CLB Bình Dương không được thay người trong trận tiếp Hà Nội FC ở vòng 6?
- Ở tình huống đó, trọng tài thứ 4 chỉ nhận được hai phiếu thay người. Phiếu còn lại hình như ban huấn luyện đưa cho điều phối viên ngồi gần đó. Vì vậy, trọng tài thứ 4 chủ quan, nghĩ là chỉ thay hai người.
Hết tình huống đó, đội Bình Dương hết quyền thay người, đâu làm gì được nữa. Luật mới áp dụng cho phép thay 5 người, nhưng chỉ trong 3 lượt thôi. Nói chung, vấn đề là trọng tài chính và trọng tài thứ 4 phối hợp đủ tốt. Trọng tài thứ 4 nên quan sát, hỏi phiếu còn lại đâu hoặc thay bao nhiêu người lượt này thì mọi chuyện đã khác.
Một phần nữa là trên sân lúc đó nó rối tung, ban huấn luyện hai đội chạy ra chạy vào. Trọng tài thứ 4 vừa thay xong 2 người (cầm 2 bảng), cầu thủ Bình Dương đã ném biên nhanh để tận dụng thời gian cuối trận. Ngoài ra, không còn vấn đề gì đáng bàn ở trận đấu này.
Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền cho rằng công tác điều hành trận Bình Dương tiếp CLB Hà Nội còn thiếu sót ở khâu phối hợp. Ảnh: Quang Thịnh. |
Sẽ đề nghị xử phạt những hành vi thiếu chuyên nghiệp
- CLB Nam định thường cho rằng các trọng tài thường thổi ép họ, là Trưởng ban trọng tài, ông có ý kiến gì?
- Đôi lúc, trọng tài có sai sót nhưng lại thường rơi vào đội bóng đó. Không riêng gì Nam Định, nhiều đội thiếu chuyên nghiệp vẫn kêu ca, đổ lỗi trận thua của đội mình vì trọng tài là không được. Mình phải biết rõ chuyện chuyên môn của mình, không thể nói bừa. Chúng tôi sẽ kiến nghị Ban tổ chức giải có hình thức xử phạt thích đáng.
- Sau 5 vòng đầu tiên, số thẻ đỏ ghi nhận chỉ là 2, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Năm nay, các đội đã tập trung vào chuyên môn nhiều hơn. Khán giả cũng đông hơn. Thể thức thi đấu mới cũng khiến các trận đấu hấp dẫn hơn. Chuyên môn được đẩy lên cao ở từng trận đấu. Cầu thủ cũng có nhận thức tốt hơn và tập trung vào việc chơi bóng.
Khi cầu thủ ý thức được việc này thì số thẻ ít đi. Rõ ràng, từ đầu tới giờ không có lỗi nào như hành vi bạo lực, lỗi nghiêm trọng như các năm trước. Theo tôi, nguyên nhân là giai đoạn đầu các đội tập trung chuyên môn, đá tốt, không cay cú, không còn tình trạng chơi bóng thô bạo, hành vi bạo lực.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nói trước vì mùa giải còn dài. Càng về cuối, các trận đấu càng căng thẳng và dễ xảy ra những tình huống phát sinh.
- Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) đã áp dụng một số thay đổi trong Luật bóng đá. Ban trọng tài khi nào sẽ tổ chức tập huấn. Ông thấy có bất cập gì đang hiện hữu không?
- Tất nhiên là phải có tập huấn trọng tài chứ, chúng tôi có kế hoạch thực hiện vào tháng 8. Nhiều khi tôi thấy buồn vì bình luận viên nhận định trên đài. Họ nói quả này, tình huống kia trợ lý sai. Ví dụ họ khẳng định cầu thủ chưa việt vị nhưng tôi xem lại thì thấy đã việt vị.
Người xem trực tiếp, xem lại rất đông. Nói vậy rất ảnh hưởng. Tình huống như thế nào được coi là việt vì thì luật đã chỉ rõ. Những tình huống khó phán đoán, gây tranh cãi quá, chúng ta nên tôn trọng quyết định của trọng tài.
Không phải ngẫu nhiên mà FIFA muốn áp dụng VAR. Thực tế, có những tình huống hơn kém nhau nửa bàn chân, nửa thân người, rất khó để mắt thường phát hiện ra với tốc độ như vậy.
Nói chung, về công tác trọng tài, từ nay đến cuối mùa sẽ còn nhiều khó khăn lắm.
- Cám ơn ông về cuộc trao đổi.