Bàn thờ được bày ở chánh diện giữa gian nhà lớn hay nhà trước, hướng ra cửa cái. Trên bàn thờ thường có lư hương (phần lớn được đúc bằng đồng, nhà nghèo thì dùng lư bằng sành sứ, có khi lư hương chỉ là một chai thủy tinh, hoặc lon nhôm rồi đổ cát, hoặc tro vào để cắm nhang. Lư được đặt ngay trung tâm của bàn thờ.
Lư hương được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng lệch…), hai chân đèn để hai bên (bằng đồng hoặc tiện bằng gỗ quý). Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau.
Ngày trước, ở phía sau lư hương, giữa bàn thờ người ta để miếng gỗ có khắc tên họ, tuổi, quê quán, tóm tắt công nghiệp của người quá cố, gọi là bài vị.
Những nhà kỹ tính còn để hộp gỗ, trong là miếng vải trắng in dấu son dạng dấu chân, dấu tay của người được thờ. Một bên phía trong chân đèn là bình sứ để cắm hoa tươi. Một bên bàn thờ là một ống tre, vạt xéo dùng để đựng nhang.
Trên bàn thờ luôn có cây đèn dầu chong cóc, phía trên ngọn đèn có ống khói để ngăn gió, đèn để ngọn lửa nhỏ cháy suốt ngày đêm, vừa để tiện đốt nhang và cũng để giữ hơi ấm để ông bà “khỏi lạnh”. Nhiều nhà còn để cạnh đấy cái hộp quẹt, phòng khi đèn tắt thì đốt lửa lại ngay.
Phía trong cùng bàn thờ, bà con thường treo tranh thờ. Đó là một bức tranh khổ lớn, thường thấy nhất là tranh cảnh sơn thủy hay hình ảnh một gốc tre già và những mụt măng lô nhô phía dưới để làm nền cho những chữ Hán khổ lớn, thường là các chữ: Từ đường, hoặc Cửu huyền thất tổ, trên cùng là ba chữ Đức Lưu Phương. Hai bên tranh thờ còn có những cặp đối, liễn, phổ biến nhất là:
Tổ tông công đức thiên niên thạnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh
Công đức ông bà ngàn năm thịnh
Con hiếu cháu hiền muôn đời vinh hiển.
Người giàu có thì bàn thờ được đóng bằng gỗ quý, cẩn ốc xà cừ hình long, lân, quy, phụng hoặc sơn son thếp vàng. Nhà tá điền nghèo thì thờ ông bà trên kệ ván đơn sơ, chỉ để lư hương, bình bông,... dù đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu vững chãi, thanh thoát và tôn nghiêm.
Ngày Tết, bàn thờ là tâm điểm của các hoạt động tâm linh, là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, vì thế để mừng năm mới, công việc quan trọng là lau dọn sạch sẽ bàn thờ, tranh liễn cũ thì thay cái mới. Lư hương, chân đèn phải lau chùi thật cẩn thận. Bình cắm hoa thường chưng bông vạn thọ hoặc nhành mai vàng rực rỡ.
Đồ cúng trên bàn thờ của người miền Tây Nam bộ có hai loại: Loại chưng để nhiều ngày và món cúng. Cúng xong dọn xuống để ăn uống ngay.
Khách đến bất kỳ nhà nào ở miệt Sóc Trăng - Hậu Giang - Bạc Liêu trong ngày Tết, sẽ thấy trên bàn thờ ông bà luôn có cặp dưa hấu xanh sẫm.
Thường thì dưa hấu trồng nhà hoặc đến ruộng dưa trong xóm chọn mua những trái tròn đều, lớn, mọng nước để chưng. Thứ dưa hấu được bà con trồng trên đất giồng, bón bằng phân dơi và đầu tôm. Nên dưa có ruột đỏ au, cát trắng dày và ngọt lịm.
Dưa này chưng cỡ nửa tháng cũng chẳng hư. Trái dưa được đặt trên nải chuối xiêm già, trái tròn lớn. Chuối được xoay trong cái dĩa bàn lớn. Trái dưa đặt gọn bên trên.
Trên đầu các trái chuối người ta còn để thêm ít quýt, sa bô chê, mãng cầu ta (trái na), vú sữa, mận... Giữa bàn thờ có nhà còn chưng thêm hai trái bưởi vàng tươi, cuống bưởi để nhánh và lá xanh cho đẹp mắt.
Trên mình dưa hấu và bưởi luôn có miếng giấy đỏ hình vuông dán lên, dân gian quan niệm màu đỏ là màu của sự sung túc và may mắn, nên nó không thể thiếu trong những ngày vui như Tết Nguyên đán.
Nói đến ước mong điều hay, chuyện tốt thì không thể quên mâm ngũ quả trên bàn thờ.
Gọi là ngũ quả nhưng không hẳn là thuần năm loại trái cây. Đây chỉ là con số tượng trưng, theo kiểu ba, năm, bảy, chín... mà người bình dân thường hay sử dụng.
Nguyên thủy, mâm ngũ quả của người miền Tây trong ngày Tết thường có trái quýt mà theo âm Hán Việt là kiết (cát) nghĩa may mắn; cam đồng nghĩa với vị ngọt ngon; bưởi lớn hơn cam, quýt là đại kiết; đu đủ đồng âm với no đủ;...
Về sau, mâm ngũ quả thường gồm các loại trái: mãng cầu - dừa - đu đủ - xoài. Đọc trại theo phương ngữ vùng đất Cửu Long thành một thành ngữ: Cầu vừa đủ xài. Nó thể hiện trọn vẹn ước mơ của người dân quê, chân chất mà bộc trực, thiệt tình, giản dị.
Về sau, có người để thêm trái sung hái từ loại cây mọc hoang ngoài vườn tạp, vị chát, trái tròn cỡ ngón tay, mọc thành chùm, mà người ta cho rằng đó là biểu tượng của sự đầy đủ, sung túc.
Cũng có người đặt lên mâm ngũ quả trái dư. Đây cũng là loại trái dại, không ăn được vì có độc chất nhưng màu vàng tươi, hình như quả Phật thủ ngoài Bắc. Thế là nó được dân gian ưa chuộng bởi chính tên gọi đã biểu thị cho sự... dư dả!
[…]
Ngoài hai mươi tháng chạp, khi đi chợ, chủ nhà chỉ chọn mua vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã về để trên bàn thờ cho ông bà quá cố mà thôi.
Người ta cũng bày trên bàn thờ dĩa bánh ít, cặp bánh tét (nếu nhà đó gói bánh từ bữa tất niên, còn lại nhiều nhà ở miền Tây Nam bộ có tục gói bánh vào mùng Hai Tết để mùng Ba cúng đưa ông bà), xấp bánh phồng chưa nướng, ổ bánh tổ, dĩa thèo lèo, cốm, mứt gừng, mứt bí đao... Những sản vật này gợi nhớ cội nguồn của lưu dân từ miền ngoài đến đây khai cơ, lập nghiệp.