Những ngày qua, bản nhạc chế từ bài thơ Lượm gây tranh cãi. Khán giả tức giận khi bài thơ vốn có ý nghĩa về hình ảnh chú bé liên lạc anh dũng trong thời kháng chiến bị chế thành bài rap vô nghĩa, nhảm nhí. Bài rap do 2see thực hiện và được remix bởi DJ FWIN.
Trao đổi với Zing, DJ FWIN - người thực hiện bản phối cho bài rap - cho biết phiên bản của anh được người dùng TikTok sử dụng nhiều nhất. Đạt tới hàng triệu lượt xem nhưng khi vấp phải phản ứng tiêu cực của khán giả, anh quyết định gỡ bỏ.
“Tôi không phải người viết bản rap mà chỉ thực hiện bản phối. Tôi thấy bản rap trên kênh của một rapper từ cách đây một năm và phối lại nó. Tôi đăng trên kênh cá nhân từ cách đây khoảng một năm. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước, một tài khoản TikTok sử dụng bản phối của tôi và ghép thêm video do bạn đó thực hiện. Từ đó, bản nhạc tôi thực hiện mới thành trend và có hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, bản nhạc nhận được quá nhiều phản hồi tiêu cực nên tôi quyết định gỡ bỏ. Sau này, tôi sẽ cẩn thận và chỉn chu hơn trong việc làm nhạc để tránh sai lầm tương tự”, DJ FWIN cho biết.
Phóng viên Zing đã liên hệ nhưng rapper 2See chưa đưa ra câu trả lời về vụ tranh luận.
Hàng loạt video sử dụng bản nhạc chế từ bài thơ Lượm. |
Bản nhạc lan truyền trên TikTok và hastag "Chubeloatchoat" (PV: Chú bé loắt choắt) có đến hơn 18,4 triệu lượt xem trên nền tảng này tính tới tối 24/4. Bản nhạc chế được sử dụng cho hàng loạt video. Có video trong số đó lên tới 10 triệu lượt xem. Đáng nói, trong nhiều video, người dùng tạo dáng phản cảm, thậm chí đứng lên bàn ghế, mặc áo dài nhưng có tư thế không phù hợp hoặc mặc bikini.
Phần lời của bản chế cũng được đánh giá là vô nghĩa, không giữ đúng tinh thần của bản gốc. “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi / Gió đưa cành trúc thật ‘Prada’ / Trên mạng đang hot trend gì vậy ta / Họa hổ họa bì gian nan họa cốt / Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương / Cười người hôm trước hôm sau người cười / Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10 / Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”, là nội dung của bài rap đang lan truyền trên TikTok.
Thời gian qua, tình trạng nhạc chế trên TikTok nhiều lần khiến dư luận bức xúc. Nhạc sĩ Ngô Minh Tài nhận định có nhiều lý do khiến tình trạng nhạc chế trở nên nghiêm trọng, đầu tiên là sự thiếu kiểm duyệt và tiếp đó là sự bùng nổ của mạng xã hội khiến các nhà sản xuất, khán giả trẻ thường chạy theo xu hướng. Họ tập trung vào phần giai điệu, đặc biệt trong những giây đầu tiên của bài hơn là nội dung, ca từ.
“Tôi không phán xét, nhưng từ góc độ của tôi, những khán giả thuộc thế hệ 9X, 8X có thể coi những bài thơ, bài văn đó là rất giá trị. Nhưng với lứa khán giả trẻ hơn, nhiều bạn có thể không thấy được giá trị đó. Các bạn cho rằng đổi một vài chữ trong tác phẩm đó không là gì hết. Một số bạn thậm chí có động tác vũ đạo khá nhạy cảm nên khi ghép vào bài hát đó lại càng lệch lạc”, nhạc sĩ nói với Zing.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.