Mỗi người có một tiêu chuẩn riêng về sự “kinh khủng”. Có người thấy bị cấp trên la mắng là kinh khủng, có người thì cho rằng thất nghiệp là kinh khủng, lại có người chỉ thấy mắc nợ, hoặc tán gia bại sản mới là kinh khủng... Còn có những người giống tôi, xem chuyện nào cũng là bình thường.
Có lẽ bạn cũng nên thử suy nghĩ về điều “kinh khủng/ tồi tệ nhất” của mình một lần xem sao.
Lâm vào hoàn cảnh nào thì sẽ cảm thấy kinh khủng?
Một người bạn thời tiểu học của tôi một ngày nọ bỗng nhận được thư đòi nợ từ dân cho vay nặng lãi. Vì thấy lạ nên cậu ta đi tìm hiểu, hóa ra thằng em ruột lấy bằng lái của anh đi vay tiền. Tôi nghe kể là vì bị dọa “Nếu không trả thì tao sẽ lôi cổ thằng em mày ra cảnh sát” nên bạn tôi đành cắn răng trả nợ thay.
Những chuyện như thế đầy rẫy quanh ta. Ấy vậy mà vẫn có người chỉ vì không đậu đại học đã vội nghĩ: “Cuộc đời mình thế là đi tong”. Đặt mục tiêu cao như thế chẳng phải khó sống lắm ư?
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Nathan Cowley/Pexels. |
Xung quanh tôi có nhiều người đến từ các khu tập thể và ít người tốt nghiệp đại học nhưng tôi chưa thấy ai chết đói bao giờ. Chắc chắn ngay cả người chán nản sắp bỏ cuộc vì nghĩ mình ở dưới đáy xã hội cũng thôi cho rằng mình là đồ bỏ đi khi nhìn xuống thấy có người sống khổ hơn mình.
Bạn nên thử đến khu của những người bị gọi là cặn bã của xã hội. Lúc còn trẻ bạn nên đi du lịch các nước nghèo, nếu không có khả năng đi thì cũng nên tìm hiểu qua sách vở, phim ảnh... Việc này có ích hơn cả chuyện học kỹ năng kinh doanh.
Vùng biên giới giữa Mỹ và Mexico khét tiếng là khu vực nguy hiểm.
Thời sinh viên, tôi từng du lịch đến thành phố Tijuana của Mexico. Nơi đây khét tiếng là vùng đất nguy hiểm nhất thế giới.
Trong series phim truyền hình Breaking Bad, biên giới Mỹ-Mexico được phác họa như sào huyệt xã hội đen, và khán giả bị ám ảnh với quá trình nhân vật chính từng bước một trở thành ông trùm cần sa. Hai thành phố được nhắc đến trong phim là El Paso (Mỹ) và Ciudad Juárez (Mexico). Cả hai nơi này tôi đều đã đến. Tôi đi vì hiếu kỳ, khi nghe người ta nói những nơi đó “rất kém an ninh”.
Vừa qua khỏi biên giới vào đất Mexico, phố phường hai bên bỗng trở nên tiêu điều như phế tích, ở nơi có vẻ là chợ thì cả trăm cửa hiệu chỉ khoảng năm cái còn mở cửa. Tôi nghĩ bụng: “Thành phố này điêu tàn rồi” rồi quay lại biên giới và đi về hướng ngược lại. Tôi thấy một khu phố mua sắm, người dân vẫn sinh hoạt bình thường và có cả một quán cà phê hạng sang. Tôi thử đi vào trong khu phố và thấy mọi người ngồi ăn pizza rất vui vẻ. Tôi cũng vào quán gọi món tacos, ăn rất ngon.
Lúc đó tôi đã nghĩ “rất kém an ninh” có lẽ là một định kiến ngăn cản tư duy. Dù là nơi bị đánh giá là cặn bã đi nữa, chỉ cần cư dân nơi đó vẫn sống vui vẻ thì người ngoài cũng không cần phải nói ra nói vào. Vấn đề của các bậc phụ huynh sĩ diện mà tôi đề cập lúc nãy cũng vậy. Sĩ diện thì ta được gì? Vẫn biết chúng ta nên tránh gây phiền toái cho người khác, nhưng nếu con ta chỉ ru rú trong nhà, xa lánh xã hội hay không đi làm thì ảnh hưởng đến ai?
Nhìn lên để so sánh là ngu ngốc, nhưng nhìn xuống để bình tâm lại thì tôi không phản đối. Tôi nghĩ nhìn lên thì chẳng khác nào chuyện hơn thua cái khay để trứng, còn nhìn xuống là để thấy đời mình vẫn còn tốt chán.
Ta có hạnh phúc hay không là tùy vào cách nghĩ của ta, nên bạn hãy xem cách nghĩ trên như một kỹ năng cần có. Có lẽ không cha mẹ hay thầy cô nào dạy ta nhưng đó chính là kỹ năng sinh tồn.