Tấm bản đồ này cho thấy vật chất tối phân bố thưa hơn, trên không gian rộng hơn so với dự đoán của các lý thuyết trước đó. Ngoài ra, nó cũng chênh lệch với kết quả thu được khi áp dụng thuyết tương đối của nhà khoa học người Đức Albert Einstein. Điều này đã đặt ra một câu đố hóc búa cho các nhà vật lý học.
“Nếu sự khác biệt này là đúng, có thể Einstein đã sai”, giáo sư Niall Jeffrey tại Đại học École Normale Supérieure, Paris, người đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu, nói với BBC. “Bạn có thể nghĩ rằng đây là điều không tốt, rằng nền vật lý đã gặp vấn đề. Tuy vậy, với các nhà vật lý, đây là điều vô cùng thú vị. Chúng tôi có thể tìm ra điểm mới về bản chất của vũ trụ”.
Một phần tấm bản đồ vật chất tối trong vũ trụ. Các vùng càng sáng thì càng chứa nhiều vật chất tối. Ảnh: BBC. |
Sử dụng kính thiên văn cỡ lớn Victor M. Blanco tại Chile, nhóm nghiên cứu đã khảo sát và phân tích 100 triệu thiên hà. Từ đó, họ nhận ra dấu hiệu của vật chất tối bằng cách khảo sát ảnh hưởng của chúng lên ánh sáng chiếu từ các thiên hà tới Trái Đất.
Tấm bản đồ thu được bao phủ một phần tư bầu trời Nam bán cầu, tương đương với một phần tám khoảng không mà con người có thể nhìn thấy.
“Chưa ai trong lịch sử loài người có thể xác định vị trí của vật chất tối ở mức độ này”, giáo sư Jeffrey nói. “Lần đầu tiên chúng ta có thể nhìn vũ trụ theo một cách khác”.
Vật chất tối là một loại vật chất bí ẩn trong vũ trụ, không thể quan sát bằng kính viễn vọng hay các thiết bị đo đạc thông thường. Người ta chỉ có thể nhận ra vật chất tối vì chúng có ảnh hưởng tới các thực thể khác trong vũ trụ, thậm chí bẻ cong ánh sáng. Các nhà khoa học dự đoán vật chất tối có thể chiếm đến hơn 80% thành phần vũ trụ.