Chủ trương là mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng vẫn có sự e dè và thận trọng bởi những dự định như vậy đã được đưa ra khá lâu và treo tới tận giờ.
Đo đếm tỷ USD
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương bán tiếp cổ phần nhà nước tại nhiều DN, trong đó có Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…
Quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng: đảm bảo thực hiện được mục tiêu phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế và đưa DNNN về đúng vị trí của nó, đồng thời nâng tầm vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới.
TTCK ngay lập tức phản ứng tích cực với những thông tin như vậy. VN-Index tiếp tục tăng điểm cho dù thị trường trong vài tuần gần đây chịu áp lực chốt lời rất lớn từ phía các NĐT nước ngoài. Khối ngoại bán ròng rất nhiều mã chứng khoán có vốn hóa lớn trong gần 3 tuần liên tiếp, rút hàng ngàn tỷ đồng ra khỏi thị trường. Trong khi đó, các NĐT trong nước chốt lời nhiều mã cổ phiếu tăng nóng.
Thoái vốn nhà nước là một chủ trương được đánh giá cao.
|
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng, sự quyết liệt và đường hướng rõ ràng về chủ trương thoái vốn nhà nước của Chính phủ là một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Theo ông Trí, đợt tăng vừa qua chủ yếu nhờ các cổ phiếu lớn. Nó cũng cho thấy, dòng tiền đổ vào thị trường có định hướng rõ ràng và có chọn lọc. Thông tin những hàng hóa tốt như Sabeco, Habeco,... sẽ lên sàn trước khi nhà nước thoái vốn, rồi sự kiên định trong chủ trương thoái vốn tại các DN niêm yết tốt như: Vinamilk, FPT, NTP,... là động lực mới cho thị trường.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) đánh giá cao chủ trương niêm yết Sabeco, Habeco trên sàn chứng khoán rồi sau đó mới thoái vốn. Theo đó, quyết định này có thể giúp nhà nước thu về tới 2 tỷ USD khi thoái vốn.
Trước đó, hồi đầu 2015, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của ThaiBev, người đứng sau thương vụ mua lại Metro Việt Nam cũng bày tỏ muốn chi 1 tỷ USD mua 40% cổ phần Sabeco.
Giữa tháng 10/2015, Chính phủ cũng đã quyết định thoái toàn bộ vốn cổ phần nhà nước tại 10 DN lớn, gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (45,1%), Tổng CTCP Bảo Minh - BMI (50,7%), Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam - VNR (40,4%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong - NTP (37,1%), Nhựa Bình Minh - BMP (38,4%), Công FPT (6%), FPT Telecom (50,2%),... Trong đó, riêng khoản tiền thoái ở Vinamilk cũng đã lên tới khoảng 4,5 tỷ USD.
Các chuyên gia tính toán, nếu lộ trình phù hợp thì tổng số tiền có thể thu về khoảng 7,2 tỷ USD qua việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp trên. Thậm chí con số có thể còn lớn hơn nếu triển khai đấu giá nghiêm túc và thành công.
Nhiều DN có giá trị rất lớn cho dù đã được cổ phần hóa nhưng tỷ lệ bán ra ngoài vẫn rất ít như Vietnam Airlines, BIDV, Vietcombank,... Theo Bloomberg, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore hôm 29/8 đã ký thỏa thuận ghi nhớ mua 7,7% cổ phần Vietcombank với giá khoảng 400 triệu USD. Cổ đông chiến lược hiện hữu của VCB là ngân hàng Nhật Bản Mizuho cũng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15%.
Bao giờ có tiền thật?
Trao đổi với PV. VietnamNet trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc thoái vốn các DN như Vinamilk, FPT Telecom... là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của các DN. Và, việc thoái vốn nên thông qua bán lô lớn cho các NĐT chiến lược, vừa được giá và đảm bảo thực hiện nhanh chóng.
Bán vốn nhà nước cần minh bạch công khai.
|
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thoái vốn nhà nước khỏi các DN lớn là quyết định hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đã chấp nhận tham gia vào các sân chơi chung trên thế giới nơi không còn có chỗ sự độc quyền hay sự bảo hộ cạnh tranh trong hầu hết các ngành.
Tuy nhiên, không ít NĐT lo ngại, từ chủ trương cho tới việc thực hiện thoái vốn còn là vấn đề thời gian. Ông Nguyễn Hữu Thành, một NĐT trên sàn chứng khoán SSI cho rằng, trước đó, đã có nhiều dự định đẩy nhanh bán vốn nhà nước nhưng treo cho tới tận giờ. Việc thoái vốn tại một số NH, DN viễn thông, vận tải,... vẫn còn khá chậm.
Cho tới thời điểm này, đã gần 1 năm kể từ khi Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn cổ phần nhà nước tại 10 DN lớn do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý, nhưng một lộ trình thoái vốn vẫn chưa được công bố.
Trên thực tế, việc thoái vốn ở các DN lớn mới chỉ ở mức chủ trương và cần cụ thể hóa để các NĐT trong và ngoài nước có thể tham gia đấu thầu mua cổ phần. Một cơ quan cụ thể cũng cần phải được chỉ định để thực hiện chương trình này như SCIC, UBCK hoặc Bộ Tài chính,...
Theo đánh giá của ông Lê Quang Trí, khả năng thoái vốn các DN lớn chưa thể nhanh như mong muốn được. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng, theo các cam kết mà Chính phủ đã ký khi Việt Nam gia nhập TPP thì chắc chắn lộ trình lần này sẽ được đẩy nhanh. Đây cũng chính là một điểm mới hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Chuyên gia TVB cũng cho rằng, đa phần các DN nói trên đều có kết quả làm ăn tốt, tăng trưởng lợi nhuận ổn định, chia cổ tức thỏa mãn kỳ vọng cổ đông,... Và dòng tiền đã tìm đến chủ yếu các cổ phiếu này, tránh khỏi các cổ phiếu tăng vốn ảo hay đầu cơ. Nếu bỏ như bỏ qua hết các biến động tăng giảm ngắn hạn thì TTCK giai đoạn năm nay luôn mang đến cho các NĐT một mức độ thành công nhất định.