Nhà nước thoái vốn tại Habeco năm 2016 trong khi việc cổ phần hóa Sabeco sẽ chia thành 2 đợt. Ảnh: VTC. |
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (31/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ sẽ không đi bán bia, bán sữa, hay nói cách khác những việc đó ngân sách nhà nước không cần nắm giữ mà sẽ để cho các doanh nghiệp tư nhân làm.
“Nhà nước sẽ dùng tiền đó để đầu tư vào các dự án then chốt, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước tốt hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Trước thực tế Sabeco, Habeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Dũng cho rằng hai doanh nghiệp này chưa thể hiện đúng tinh thần của pháp luật.
“Thủ tướng yêu cầu 2 doanh nghiệp phải niêm yết ngay trên sàn chứng khoán để tạo minh bạch về tài chính, có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch để nghiên cứu thêm. Đó không phải giá sàn để đấu thầu, nhưng sẽ là căn cứ để định giá”, người phát ngôn Chính phủ nói thêm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi 2 doanh nghiệp này một cách công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ông Hải thông tin, thực chất Habeco đã được cổ phần hóa, Nhà nước hiện chỉ giữ 81,79% vốn điều lệ ở đây. Tại Sabeco, nhà nước đang giữ 89,59% vốn điều lệ.
“Bộ đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp trên niêm yết theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hải khẳng định.
Do quy mô vốn của 2 doanh nghiệp có sự khác nhau nên ông Hải cho biết, lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp sẽ khác. Cụ thể, Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (9.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Còn Sabeco sẽ thực hiện thoái vốn theo 2 đợt.
Đợt 1 sẽ bán 53,29% vốn nhà nước (24.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Đợt 2 sẽ bán 32% vốn điều lệ (16.000 tỷ đồng) sau khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập, có kinh nghiệm, có thể là tư vấn nước ngoài để thẩm định giá cổ phiếu của Sabeco, Habeco tại thời điểm bán, làm căn cứ để xem xét, xác định giá khởi điểm trước khi đấu giá.
Đặc biệt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt ngành nghề kinh doanh đều có thể tham gia đấu giá.
Lợi nhuận của Habeco giảm mạnh
Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, Habeco ghi nhận 4.038 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh nghiệp chỉ đạt gần 320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 22% so với mức 540 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015 Habeco đứng thứ 3 về sản lượng tiêu thụ bia, với 668 triệu lít, chiếm 15% thị phần. Doanh nghiệp này đã bị Heineken vượt mặt với sản lượng 729 triệu lít. Đứng đầu là Sabeco với 1,38 tỷ lít, chiếm tới 45% thị phần. Carlsberg đứng thứ 4 với 229 triệu lít. Tổng thị phần của 4 hãng này là 88,4% toàn ngành.
Habeco đã cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.