Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bài toán nhân lực và cơ sở y tế ở 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương

Ngành y tế Bình Dương dự định đưa vào sử dụng nhiều bệnh viện tuyến cuối. Việc này được kỳ vọng giảm tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, thu hút được bác sĩ giỏi về địa phương.

“Hầu hết người dân Bình Dương khi có bệnh nặng đến các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM khám chữa bệnh nếu có điều kiện, chứ không lựa chọn chữa trị ở tỉnh”, ông Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương, nói với Zing về thực trạng khám chữa bệnh tại địa phương.

Các dịch vụ khám chữa bệnh chưa đa dạng khiến y tế cơ sở không hoàn thành vai trò là "người gác cổng” của hệ thống y tế Bình Dương. Trong khi đó, một thách thức mà tỉnh này đang đối mặt là nguy cơ bệnh tật phức tạp, mất an toàn thực phẩm.

Trong đề án phát triển ngành đến năm 2030, Sở Y tế Bình Dương đặt nhiệm vụ trọng tâm đưa vào sử dụng nhiều bệnh viện chuyên khoa, củng cố hệ thống y tế cơ sở, nâng cao tay nghề của y, bác sĩ. Làm được những việc này, vị thế y tế của Bình Dương sẽ ngày càng nâng cao, người bệnh không phải chuyển tuyến, bác sĩ yên tâm công tác với đãi ngộ tương xứng.

Tăng đầu tư y tế cơ sở

Bình Dương là tỉnh có tỷ suất di cư cao, dân số tăng nhanh về mặt cơ học. Nếu năm 2009, dân số tỉnh này chỉ hơn 1,5 triệu người thì đến năm 2022, con số này ước tính hơn 2,7 triệu người. Dân số tăng nhanh dẫn đến đòi hỏi phải có hệ thống y tế và nguồn nhân lực y tế phát triển tương xứng.

Hệ thống y tế Bình Dương hiện có 2 chi cục, 6 trung tâm, 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, thị, thành phố, 19 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế. Mạng lưới y tế ngoài công lập có 15 bệnh viện tư nhân, 24 trạm y tế doanh nghiệp, 72 phòng khám đa khoa tư nhân, hơn 650 phòng khám chuyên khoa và 3.000 cơ sở y tế hành nghề dược.

Người dân Bình Dương sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi bệnh viện hiện đại hoạt động với thiết bị kỹ thuật cao.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Chín

Với quy mô dân số được dự báo trên 3,5 triệu vào năm 2030, Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh và hơn 1.900 bác sĩ, gấp đôi số giường bệnh và bác sĩ hiện có.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết ngành y tế đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thống nhất thời điểm bàn giao bệnh viện đa khoa 1.500 giường và tham mưu các phương án di dời, vận hành bệnh viện đa khoa tỉnh.

"Người dân tỉnh nhà sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi bệnh viện hiện đại hoạt động, cùng với nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao", bác sĩ Chín nói.

Binh Duong anh 1

Ngành y tế Bình Dương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, phải thành lập mới 3 bệnh viện chuyên khoa: Sản - Nhi, Bệnh Nhiệt đới, Tâm Thần. Ảnh: Hoàng Giám.

Vị đại diện Sở Y tế Bình Dương thông tin thêm, ngành y tế đang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, phải thành lập mới 3 bệnh viện chuyên khoa: Sản - Nhi, Bệnh Nhiệt đới, Tâm Thần.

Bình Dương đặt kỳ vọng trong 9 bệnh viện tuyến huyện, phải có ít nhất một nơi là bệnh viện hạng I và 2 bệnh viện từ hạng II. Song song đó, Bình Dương sẽ phát triển trung tâm tim mạch, ung bướu, miễn dịch trị liệu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường và đưa vào hoạt động sau năm 2030, nâng cấp quy mô giường bệnh tại các trung tâm y tế huyện, xây mới hoặc nâng cấp, chỉnh trang các trạm y tế.

Y tế cơ sở cũng là lĩnh vực được tỉnh chú trọng đầu tư. Ngành y tế Bình Dương cho biết sẽ dành tối thiểu 30% kinh phí cho y tế dự phòng và khoảng 30-40% cho trạm y tế xã. Ngành y tế dự kiến bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị, bảo đảm đủ tiền lương và các chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, phụ cấp cho nhân viên y tế khu phố, ấp, xây dựng và ban hành mức chi thường xuyên ngoài lương để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của trạm y tế xã.

Phát triển nguồn nhân lực

Bình Dương hiện có 10.400 nhân viên y tế. Tỷ lệ nhân viên y tế trên 10.000 dân là 37,2, tỷ lệ này đối với bác sĩ là 7,51 và dược sĩ là 3,68. Các chỉ tiêu đều thấp hơn yêu cầu của Bộ Y tế.

Nghịch lý xảy ra là y tế công lập tại Bình Dương chiếm tỷ lệ 43% tổng số nhân lực y tế, nhưng số giường bệnh được giao lại lên tới gần 55%. Cùng với đó, một số bệnh viện chuyên khoa lần lượt ra đời, chỉ tiêu giường bệnh từ con số 17 giường bệnh/10.000 dân vào những năm 2010, đến nay đã đạt 20,3 giường bệnh/10.000 dân. Điều này khiến nhân lực y tế Bình Dương thiếu hụt nghiêm trọng.

Quy mô số giường tại bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện/thị/thành phố tại Bình Dương
Thống kê của Sở Y tế Bình Dương
Nhãn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Giường 1500
Bệnh viện Phục hồi chức năng
120
Bệnh viện Y học cổ truyền
100
Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản
40
Trung tâm Y tế TP Thuận An
320
Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo
120
Trung tâm Y tế TP Dĩ An
100
Trung tâm Y tế TP Thủ Dầu Một
32
Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát
100
Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên
160
Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng
100
Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng
60
Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên
20

"Gần đây, bác sĩ tay nghề cao có xu hướng chuyển sang làm việc cho cơ sở y tế tư nhân vì thu nhập hấp dẫn. Số lượng bác sĩ trẻ được tuyển dụng tăng, nhưng còn thấp so với nhu cầu và chưa kịp đào tạo để đáp ứng việc khám chữa bệnh chuyên sâu", ông Huỳnh Minh Chín chỉ ra thực trạng.

Giai đoạn 2022-2026, ngành y tế Bình Dương đặt mục tiêu mỗi năm sẽ tuyển dụng thêm khoảng 140 bác sĩ và tiếp tục đào tạo nhân lực. Từ nay đến 2030, ngành y tế tỉnh đặt kỳ vọng đào tạo và tuyển mới 6.000 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên. Trong đó, có ít nhất 3.000 người làm việc tại các cơ sở y tế công lập.

Tăng thu nhập cho nhân viên y tế, đào tạo, bồi dưỡng đặc thù; tạo môi trường làm việc an toàn,... là những chính sách được ngành y tế tham mưu với tỉnh để giải quyết những vấn đề trên.

Binh Duong anh 2
Với quy mô dân số được dự báo trên 3,5 triệu vào năm 2030, Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngành y tế Bình Dương tiếp tục hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo cho sinh viên tỉnh Bình Dương học ngành y, với ràng buộc trở về công tác tại tỉnh, liên kết đào tạo với các trường Đại học Y Dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cần Thơ và một số trường đại học khác.

Với nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế, ngành khuyến khích các y bác sĩ học tập, nâng cao trình độ bằng nguồn ngân sách của tỉnh, tập trung vào các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, huyết học truyền máu, tim mạch, ung thư,...

Ngoài ra, việc xây dựng mới một trường đại học sức khỏe được Bình Dương kỳ vọng sẽ chủ động được nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của tỉnh và cung cấp cho toàn vùng Đông Nam Bộ.

Bệnh viện đa khoa tỉnh là môi trường tiếp cận thực tế của sinh viên các trường đại học trên, giảng viên của trường đồng thời là các bác sĩ chủ chốt của bệnh viện. Việc này giúp các bác sĩ tự học, tự hoàn thiện và thu hút những người giỏi, có kinh nghiệm đến làm việc và công tác lâu dài tại địa phương.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Thách thức của thị trường lao động Bình Dương trước đà chuyển dịch

Doanh nghiệp Bình Dương đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu sản xuất, đòi hỏi người lao động có kỹ năng và chuyên môn cao, thích ứng sự chuyển đổi công nghệ tự động hóa.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm