Ông Rishi Sunak sẽ là thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Anh. Ảnh: Reuters. |
Ông Rishi Sunak sẽ là người kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy hai tháng. Theo CNN, thách thức lớn của ông là ổn định đất nước sau một giai đoạn hỗn loạn của chính trị và thị trường tài chính.
Nhưng một nhiệm vụ khác của ông cũng khó khăn không kém. Đó là đưa nước Anh vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế. Hôm 24/10, ông Sunak tuyên bố "ưu tiên hàng đầu của ông là đưa đảng và đất nước của chúng ta xích lại gần nhau", cùng đối mặt "với một thách thức kinh tế nghiêm trọng".
Các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước chiến thắng của ông Sunak. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 25/10, đồng bảng Anh giảm nhẹ về hơn 1,13 USD đổi 1 bảng Anh.
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái. Ảnh: Reuters. |
Thách thức lớn
Khi tranh cử hồi mùa hè, ông Sunak đã hứa giúp các hộ gia đình Anh đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ông cho biết sẽ cắt giảm thuế, nhưng chỉ khi áp lực lạm phát giảm bớt.
Nhưng kể từ đó đến nay, triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi đáng kể. Thị trường tài chính chao đảo sau kế hoạch cắt giảm thuế và tăng vay nợ của chính phủ ngắn ngủi của bà Truss.
Một thước đo về các hoạt động kinh tế của Anh vào tháng 10 lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. S&P Global khẳng định nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái.
Niềm tin của người tiêu dùng Anh đã rơi xuống sát mức thấp nhất lịch sử. Ảnh: Reuters. |
"Tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế leo thang đã khiến các hoạt động kinh doanh sụt giảm với tốc độ chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những giai đoạn phong tỏa vì đại dịch", CNN dẫn lời ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.
Từ bài học của bà Truss, bất cứ biện pháp kích thích kinh tế nào, ngoại trừ trợ giá năng lượng, đều là lựa chọn không khôn ngoan đối với ông Sunak.
Theo ông Carl Emmerson - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa, thủ tướng tiếp theo của Anh cần phải "có trách nhiệm về tài chính". "Chúng ta cần một kế hoạch đáng tin để đảm bảo rằng nợ chính phủ có thể giảm trong trung hạn", ông nhấn mạnh.
Kinh tế rơi vào suy thoái
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thừa nhận rằng nền kinh tế Anh có thể đã rơi vào suy thoái. Ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra điều này là đúng. Sản lượng kinh tế của Anh lao dốc 0,3% trong tháng 8, sau khi chỉ nhích lên 0,1% vào tháng 7.
Một báo cáo được chính phủ công bố vào cuối tuần trước chỉ ra doanh số bán lẻ đã lao dốc 1,4% trong tháng 9, tồi tệ hơn dự báo trước đó của giới quan sát. Khi lạm phát trở lại mức cao nhất trong 40 năm, niềm tin của người tiêu dùng Anh gần chạm đáy.
"Câu hỏi lớn nhất bây giờ là, một cuộc suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào", ông Dean Turner - nhà kinh tế học của UBS Wealth Management - bình luận.
Không dễ dàng để đưa nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng tín nhiệm hiện tại
Ông Ruth Gregory - nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics
Bức tranh tài chính của Anh cũng ngày càng u ám. Theo dữ liệu được công bố vào cuối tuần trước, chính phủ Anh đã vay ròng 20 tỷ bảng Anh (22 tỷ USD) vào tháng 9, nhiều hơn 5,2 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ USD) so với ước tính trước đó của cơ quan giám sát tài chính nước này.
"Doanh số bán lẻ tồi tệ và nợ công vượt quá ước tính của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách sẽ khiến bài toán của thủ tướng Anh trở nên khó khăn hơn", ông Ruth Gregory - nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics - nhận định.
"Không dễ dàng để đưa nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng tín nhiệm hiện tại", ông nói thêm.
Giới đầu tư và quan sát cho rằng các kế hoạch kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vạch ra sẽ vẫn còn nguyên vẹn. Tuần trước, ngay sau khi nhậm chức, ông đã đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch thuế và ngân sách của Thủ tướng Liz Truss, bao gồm loại bỏ hầu hết khoản cắt giảm thuế và lời hứa không cắt giảm chi tiêu công của bà.
Ông Hunt cũng cho biết chính phủ sẽ chỉ giới hạn giá năng lượng cho đến tháng 4.
Ngân hàng Trung ương Anh vẫn đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong các cuộc họp chính sách tháng 11 và tháng 12. Áp lực lạm phát có thể trở lại một khi chính phủ chấm dứt những biện pháp trợ giá năng lượng. Điều này sẽ khiến bài toán trở nên hóc búa hơn.
"Thành thật mà nói, chúng ta không biết giá năng lượng sẽ ra sao vào tháng 4. Do đó, không thể đánh giá trước tác động đối với túi tiền của các hộ gia đình", ông Turner bình luận.