Đồng USD mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, giá dầu Brent đã lao dốc hơn 30% so với mức đỉnh năm nay. Nhưng những cư dân Paris, Mumbai hay Accra có thể không cảm nhận được điều đó. Kể từ tháng 3, sức mạnh của đồng USD vọt lên 15%.
Do đó, giá nhiên liệu vẫn là động lực chính thúc đẩy chi phí sinh hoạt ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Những khu vực tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu không được hưởng lợi nhiều từ sự sụt giảm của giá dầu.
Còn đối với những thị trường mới nổi như Sri Lanka, nền kinh tế gần như sụp đổ vì đồng nội tệ lao dốc không phanh và vòng xoáy đẩy giá dầu tăng cao.
Các đồng tiền trên thế giới sụt giảm so với đồng USD | |||||||||||
Nguồn dữ liệu: Bloomberg; tính từ tháng 3 | |||||||||||
Nhãn | Yen Nhật Bản | Won Hàn Quốc | Baht Thái Lan | Nhân dân tệ | Tân Đài tệ | Ringgit Malaysia | Peso Philippine | Rupiah Indonesia | Rupee Ấn Độ | SGD | |
% | -23 | -14 | -13 | -12 | -12 | -12 | -11 | -8 | -7 | -4 |
Thách thức lớn
"Đồng bạc xanh mạnh lên là thách thức với hầu hết quốc gia tiêu thụ dầu có đồng nội tệ không neo với USD", Bloomberg dẫn lời ông Giovanni Staunovo - nhà phân tích tại UBS Group AG - nhận định.
"Trong 12 tháng qua, giá dầu tính theo đồng nội tệ đã tăng mạnh", ông nói thêm.
Đáng nói, không dễ để giải quyết vấn đề. Việc tăng lãi suất để giữ giá nội tệ có thể cản trở đà tăng trưởng của các nền kinh tế vốn đã mong manh. Trong khi đó, những quốc gia đang phát triển cũng cần theo dõi sát sao dự trữ USD.
Đồng bạc xanh mạnh lên là thách thức với hầu hết quốc gia tiêu thụ dầu có đồng nội tệ không neo với USD
Ông Giovanni Staunovo - nhà phân tích tại UBS Group AG
Các nước khu vực đồng tiền chung euro cũng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Do không có nguồn cung dầu thô nội địa, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan - 5 nền kinh tế lớn nhất khối - nhập khẩu ít nhất 90% dầu thô để phục vụ cho hoạt động của các nhà máy lọc dầu.
Do đó, giá dầu được tính bằng đồng USD trở thành vấn đề nan giải với các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm qua. Nguồn cung năng lượng từ Nga bị thắt chặt khiến giá tiêu dùng tại khu vực đồng tiền chung euro tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 9, lạm phát của khu vực đã đạt mức kỷ lục 9,9%.
Các nước châu Á cũng gặp vấn đề tương tự. Trong tháng 9, giá trị dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 50% so với một năm trước đó, dù lượng dầu nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân giảm đi vì chiến lược Zero-Covid.
Tháng trước, ông Rhee Chang-yong - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - phàn nàn rằng đồng tiền suy yếu đã bào mòn lợi ích của việc dầu giảm giá. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang đưa ra các biện pháp trợ giá để giảm tác động của giá nhiên liệu tăng cao đối với người tiêu dùng.
Các nền kinh tế mới nổi chật vật
Khi sức ép từ đồng USD tăng lên, Ấn Độ đã làm việc với các đối tác thương mại như Saudi Arabia, Nga và UAE để chuyển sang giao dịch bằng đồng nội tệ. Đồng rupee lao dốc 11% so với đồng USD trong năm nay.
"Nếu giá dầu thô vẫn ở mức cao như hiện tại hoặc tăng thêm, thâm hụt thương mại sẽ tăng và tạo sức ép lên đồng rupee", ông Divya Devesh - chiến lược gia tiền tệ tại Standard Chartered - nhận định.
Ảnh hưởng từ đà tăng của đồng bạc xanh đang lan rộng. Nhưng những nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dầu Brent tính bằng đồng cedi của Ghana đang ở mức cao kỷ lục.
Gần đây, Sri Lanka đã phải đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất tại nước này vì thiếu hụt ngoại hối. Đất nước vỡ nợ từ mùa hè do không thể thanh toán thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu.
"Các nước phát triển có nhiều cách xoa dịu tác động từ những biến động trên thị trường tiền tệ. Nhưng các nước mới nổi sẽ gặp vấn đề về cán cân thanh toán khi giá dầu tăng cao", bà Caroline Bain - nhà kinh tế trưởng phụ trách hàng hóa tại Capital Economics - bình luận.