Các chuyên gia cảnh báo với tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế như máy thở và cơ sở xét nghiệm, Triều Tiên có thể chứng kiến số người chết do Covid-19 tăng, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, nơi người dân gặp khó khăn về lương thực, theo Wall Street Journal.
William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết tỷ lệ tử vong khi mắc biến chủng BA.2 (Omicron tàng hình) hiện chưa thể khẳng định nhưng có thể gần với tỷ lệ khi chủng virus gốc tấn công vào năm 2020.
Tỷ lệ tử vong khi đó là khoảng 0,5%, tương đương với 125.000 người dân ở Triều Tiên, Washington Post đưa tin.
Một người đàn ông đến hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên. Ảnh: Kyodo. |
Nhiều đối tượng dễ bị tổn thương
Số "ca sốt" ở Triều Tiên liên tục tăng vọt mỗi ngày kể từ khi nước này công bố đợt bùng phát dịch đầu tiên vào tuần trước.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn tin từ cơ quan phòng chống dịch cho biết nước này ghi nhận thêm 262.270 “ca sốt” và một trường hợp tử vong trong 24 giờ, tính đến 18h chiều 18/5. Theo đó, số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch Covid-19 của Triều Tiên đã lên 63 trường hợp, Yonhap đưa tin.
Triều Tiên là một trong hai quốc gia trên thế giới không có vaccine ngừa Covid-19 sau hai lần từ chối các lô hàng viện trợ từ COVAX, một chương trình được tài trợ chủ yếu bởi chính phủ phương Tây để giúp quốc gia có thu nhập thấp hơn trong việc tiêm chủng.
Một số người cho rằng dân số của Triều Tiên - khoảng 25 triệu người - tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình khoảng 35. Vì vậy, người dân nước này sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các quốc gia có dân số già hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên có những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.
Kết quả nghiên cứu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy hơn 45% dân số tại quốc gia này bị thiếu và suy dinh dưỡng trong giai đoạn từ năm 2017-2019.
Triều Tiên được biết đến với tình trạng thiếu lương thực kinh niên, nhưng dường như vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đất nước đóng cửa biên giới để phòng chống Covid-19, đồng thời đối mặt lệnh trừng phạt và tình trạng hạn hán, lũ lụt.
Vào tháng 3, Liên Hợp Quốc hối thúc Bình Nhưỡng mở lại biên giới để nối lại hoạt động viện trợ và nhập khẩu lương thực. Cơ quan này cảnh báo sự cô lập kéo dài của Triều Tiên có thể khiến nhiều người phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực.
Ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, thảo luận về vấn đề đối phó dịch. Ảnh: KCNA. |
Ngoài ra, vào năm 2020, Liên Hợp Quốc ước tính 1/3 dân số Triều Tiên “hạn chế tiếp cận với các dịch vụ y tế đầy đủ”.
Mặc dù khả năng tiếp cận với nước, dịch vụ vệ sinh khác nhau giữa khu vực nông thôn và thành thị, nhìn chung khả năng tiếp cận các dịch vụ này ở mọi nơi rất đáng lo ngại. Năm 2020, Liên Hợp Quốc cho biết 1/3 người dân Triều Tiên không được tiếp cận với nước uống sạch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế toàn cầu cũng lo ngại tình trạng mắc Covid-19 ở nhiều người chưa tiêm vaccine như tại Triều Tiên sẽ gây nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.
“Chắc chắn đáng lo ngại nếu các nước không sử dụng những công cụ hiện có. WHO nhiều lần nói rằng luôn có nguy cơ cao xuất hiện các biến chủng mới nếu xảy ra lây nhiễm không khống chế”, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói hôm 17/5.
Vấn đề của hệ thống y tế
Triều Tiên tuyên bố nước này có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho mọi công dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng được hưởng dịch vụ này vì tình trạng thiếu thốn thường xuyên về cơ sở hạ tầng và vật tư y tế, theo Washington Post.
Khác với một số bệnh viện ở Bình Nhưỡng, hầu hết bệnh viện ở khu vực khác của Triều Tiên được trang bị yếu kém và thiếu nguồn cung cấp điện cùng hệ thống sưởi đảm bảo. Do đó, nhiều người Triều Tiên đã chuyển sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phi chính thức, bất hợp pháp hoặc mua bán thuốc từ chợ đen.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã huy động gần 3.000 quân y tham gia vào "hệ thống phục vụ 24 giờ để phân phối và cung cấp thuốc", nhưng phạm vi chỉ giới hạn ở các hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên cũng gặp phải các vấn đề hậu cần, như phòng cấp cứu không được xác định rõ ràng và thiếu hệ thống vận chuyển khẩn cấp, David Hong, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhi, người đã đến thăm Triều Tiên vào tháng 11/2019, cho biết.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng hạn chế khả năng sửa chữa và mua các bộ phận mới cho thiết bị máy móc của Triều Tiên, khiến nước này không thể tự sản xuất vật tư y tế của mình, bác sĩ Hong nói.
Trong một báo cáo gửi Liên Hợp Quốc vào năm 2021, Triều Tiên cho biết họ đang phải vật lộn với tình trạng “nhân viên y tế thiếu năng lực, nền tảng kỹ thuật của các nhà máy dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế thấp, cũng như thiếu các loại thuốc thiết yếu”.
Quốc gia này cho biết thêm rằng một số nhà máy dược phẩm, vaccine và thiết bị y tế của họ không đạt tiêu chuẩn sản xuất của WHO và không đủ phục vụ cho nhu cầu địa phương.
Người dân hôm 17/5 đeo khẩu trang mang rau đến cửa hàng để phân phát cho các hộ gia đình giữa lúc dịch bệnh lây lan ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Kyodo. |
Nagi Shafik, cựu quản lý tại văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Bình Nhưỡng, cho biết nhu cầu cấp thiết nhất của Triều Tiên hiện nay là bộ dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ và thuốc - đặc biệt là các loại thuốc chống virus được sử dụng để điều trị bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã thiếu thuốc ngay cả trước khi đóng cửa biên giới vào năm 2019 vì nguồn viện trợ bị cắt giảm và các lệnh trừng phạt hạn chế sản xuất tại địa phương, ông nói.
“Điều này có thể rất thảm khốc đối với người dân Triều Tiên”, ông Hong nói. “Họ sẽ cần phải tự mình xác định các mô hình điều trị thích hợp cho căn bệnh mới và khó kiểm soát đối với hầu hết quốc gia trên thế giới”.
Hãng thông tấn Yonhap hôm 17/5 đưa tin Triều Tiên đã điều máy bay tới Trung Quốc để vận chuyển trang thiết bị y tế, vài ngày sau khi xác nhận đợt bùng dịch Covid-19. Đây là những chuyến bay quốc tế đầu tiên của nước này trong hơn hai năm qua.
Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng vẫn chưa phản hồi lời đề nghị viện trợ từ Seoul và các chương trình chia sẻ vaccine quốc tế.
Tuy nhiên, ông Moon Jin-soo, Giám đốc Viện nghiên cứu sức khỏe và thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết nếu Triều Tiên được viện trợ hai loại vaccine phòng Covid-19 Moderna và Pfizer do Mỹ phát triển, nước này sẽ cần trang bị thêm nhiều cơ sở vật chất cần thiết khác để bảo quản vaccine.
Trong khi đó, vaccine Sinovac của Trung Quốc hoặc AstraZeneca do Anh –Thụy Điển chế tạo chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường.
“Triều Tiên cần một hệ thống và các chuyên gia y tế được đào tạo bài bản để phân phối vaccine và triển khai tiêm chủng cho người dân”, ông Jacob Lee, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hally, Hàn Quốc, nhận định.