Các cháu, chắt ông đều du học nước ngoài bằng học bổng toàn phần ở Mỹ, Canada, Anh... Bí quyết nào đã làm nên sự thành đạt của đại gia đình nổi tiếng này?
Đại gia đình “danh gia vọng tộc” của doanh nhân Đỗ Thế Sử. Ảnh: Internet |
Ông chia sẻ: “Khẩu hiệu của tôi là muốn cho gia đình phát triển thuận hòa nên ra ngoài tự kinh doanh. Tôi mê chữ, mê khoa học nhưng tôi chỉ lo đi làm nhà nước thì các con tôi sẽ vướng vào tội tham nhũng. Tội mà tôi sợ nhất nên luôn hướng con tự mở kinh doanh. Tôi đi xin đất và giấy phép kinh doanh cho các con đồng thời giúp đỡ chúng mỗi lúc gặp khó khăn”. Chỉ riêng trường hợp Đỗ Khôi Nguyên (người con út của ông) là ông hướng cho nghề làm luật sư. Ông kể: “Khi tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế bên Mỹ, Nguyên rất muốn về nước làm kinh doanh luôn. Tuy nhiên, lúc ấy tôi bảo: “Nếu con về nước cha sẽ không đón, vì cả gia đình làm kinh doanh, cần có một luật sư hỗ trợ. Nguyên hiểu ra nên ở lại học và tốt nghiệp đứng đầu toàn Mỹ. Khi ra trường, Nguyên chọn làm ở Mỹ nhưng tôi yêu cầu về nước, vì Nguyên đi học được nuôi bằng tiền Việt Nam. Hiện tại, Nguyên đang làm ở Singapore với mức lương 20.000 USD/tháng”.
Bài học truyền đời về lòng nhân và chữ tín.
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử vẫn nhớ như in bài học của người cha. |
Lúc sinh thời, cha ông- cụ Đỗ Thế Nhân đã dạy con phải biết coi trọng người nghèo và biết sống khiêm tốn. Bài học về lòng nhân ấy, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử đã thuộc nằm lòng suốt 70 năm nay. Cho đến bây giờ, ông vẫn không ngừng kể lại câu chuyện cho con cháu nghe để giữ gìn lòng nhân hậu của mình. Ông kể lại: “Cha tôi là Chánh tổng, các con đều là lý trưởng. Khi cụ đang đánh tổ tôm cùng 4 người con trai thì có một thanh niên, con người làm mõ ở làng tôi (thuộc tầng lớp thấp nhất ở xã hội thời bấy giờ) bước vào nhà. Cụ bảo tôi nghỉ để cho người thanh niên này chơi. Tôi bực bụng, ấm ức lắm, đã thế lại phải ngồi chia bài cho mọi người chơi. Đến chiều tối, cụ bà chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, cha tôi cũng giữ anh này lại ăn tối, ăn xong lại đánh đến 12h đêm. Đến sáng hôm sau, tôi băn khoăn nói với cụ: “Sao thầy lại dễ dãi thế, cho con nhà mõ đánh tổ tôm cả ngày ở nhà lại còn ăn cơm cùng gia đình mình?”.
“Chị biết cụ trả lời như thế nào không?”, ông Sử đột nhiên quay sang hỏi khiến tôi lúng túng. Chưa kịp đợi tôi trả lời, ông cầm lấy cái chén, kể tiếp: “Cụ lấy cái chén, đập đánh choang một cái xuống cái mâm đồng. Tôi giật mình vì không hiểu sẽ xảy ra chuyện gì. Cụ bảo: “Nó kém gì con đâu, cởi quần áo ra nó cũng giống như con, chỉ khác là nhà nó nghèo, nhà con giàu. Con không được khinh người, không được đối xử khác biệt với những người khác như thế. Chỉ thế thôi mà bài học của cụ vẫn còn nguyên trong tôi như mới ngày nào đây thôi. Khi kể lại cho chị, tôi vẫn nhớ như in tiếng cái chén đập xuống cái mâm. Bài học này, tôi luôn kể cho các con. Vì nhờ bài học về lòng nhân ấy, tôi thu phục được nhiều người làm việc cho mình. Tôi tin rằng sẽ có những người muốn cống hiến, sống chết cùng mình. Tôi vẫn bảo, điều quan trọng không phải là các con làm được bao nhiêu tiền mà là các con đã tạo ra được bao nhiêu việc làm và thu nhập cho người lao động. Bà nội con trước đây cũng đã dẫn dắt mọi người như thế. Các con noi gương theo thì dù sóng gió đến đâu cũng sẽ vượt qua được và đạt đến thành công”.
Vì thế, ông luôn dạy các con: “Trong gia đình, chữ Hiếu là quan trọng nhất. Đối xử với người thì chữ Nhân làm đầu và kinh doanh thì phải biết trọng chữ Tín”. Đến giờ, bài học về chữ Tín của mẹ ông lại được ông Đỗ Thế Sử mang ra kể lại cho các con cháu. Ông kể: “Ngày trước, mẹ tôi đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Bà giữ chữ tín đến mức chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Khi tôi đang làm kinh doanh cũng thế, tôi và bạn hàng luôn đặt chữ tín lên đầu. Cuộn vải 150 m thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Có khi chưa ký hợp đồng, tôi chỉ cần gọi điện là họ chuyển hàng sang ngay cho mình. Bởi tôi hiểu và luôn nói với con cái mình, không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Rồi việc vay vốn ngân hàng cũng thế. Ngày xưa, tôi làm doanh nghiệp phải mượn vốn ngân hàng nhiều lắm chứ nhưng tôi chưa một lần sai hẹn. Ông giám đốc ngân hàng vì phục đạo làm việc của tôi mà bây giờ xin làm con nuôi của tôi. Năm nào, ông cũng đến nhà chúc Tết bố mẹ như những đứa con khác. Vậy thì, chữ Tín quan trọng lắm. Tôi dạy con cháu chữ Tín và thể hiện chữ Tín với mọi người thì chắc chắn người ta cũng sẽ giữ chữ Tín như mình. Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh và được lọc bằng chữ Tín”.
Chúng tôi mải miết nghe những câu chuyện của ông mà không để ý đã đế giờ trưa. Đứng dậy ra về, ông vui vẻ cho biết thêm: “Tôi đang theo học tiếng Anh cùng với đứa con gái của mình”. Nghe thông tin này, chúng tôi càng hiểu, tại sao ông lại có thể làm chủ một gia đình mà ai cũng có một sự nghiệp đồ sộ, khiến nhiều người phải mơ ước đến thế.