Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Bài học từ những làn sóng Covid-19 tại Việt Nam

Làn sóng ca bệnh từ 25/7 đặt câu hỏi liệu chúng ta đã thực sự nhận diện đúng, đủ và có chính sách thỏa đáng để ngăn chặn sự lây lan các nguồn bệnh trong cộng đồng.

lan song covid-19 anh 1

Bài học từ những làn sóng Covid-19 tại Việt Nam

Làn sóng ca bệnh từ 25/7 đặt câu hỏi liệu chúng ta đã thực sự nhận diện đúng, đủ và có chính sách thỏa đáng để ngăn chặn sự lây lan các nguồn bệnh này trong cộng đồng.

lan song covid-19 anh 2

lan song covid-19 anh 3

Trần Thị Quế Giang

Nhà nghiên cứu

Tiến sĩ Trần Thị Quế Giang là giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. Tiến sĩ Quế Giang tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ Khoa học Quản lý tại Đại học Paris - Dauphine, sau khi có bằng Thạc sĩ Tài chính và cử nhân cũng của Đại học Paris-Dauphine, Pháp.

Sau 100 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng thì đến 25/7, Bộ Y tế chính thức công bố một người dân Đà Nẵng mắc Covid-19 tại địa phương và thành bệnh nhân số 416.

Khác với các giai đoạn trước, từ 25/7 đến nay, một số ca bệnh được ghi nhận trong cộng đồng thuộc diện mất dấu F0. Tạm thời chúng ta ghi nhận Đà Nẵng và cụ thể là Bệnh viện Đà Nẵng như nơi khởi nguồn của các ca nhiễm bệnh nhưng cũng chưa thực sự tìm được nguồn lây truyền Covid-19 vào Bệnh viện Đà Nẵng ra sao.

Điều này đặt ra câu hỏi đâu là những nguồn gốc lây nhiễm ở Việt Nam thời gian qua? Liệu chúng ta đã thực sự nhận diện đúng, đủ và có chính sách thỏa đáng để ngăn chặn sự lây lan của các nguồn bệnh này trong cộng đồng?

Ba giai đoạn dịch Covid-19

Diễn tiến Covid-19 ở Việt Nam cho tới nay có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn một từ khi dịch bắt đầu khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam phát hiện ca đầu tiên ngày 23/1 và có tổng cộng 16 ca nhiễm tính đến 13/2 (gồm 9 ca F0 và 7 ca F1).

Giai đoạn 2, từ khi công bố bệnh nhân số 17 (BN17) ngày 6/3 đến 15/4 với tổng cộng 252 ca nhiễm mới (gồm 157 ca F0, 78 ca F1, 16 ca F2 và 1 ca F3). Giữa giai đoạn 2 và 3, chúng ta có thêm 146 ca xâm nhập được cách ly ngay do đón nhận chuyên gia quốc tế và công dân trở về từ nước ngoài. Và giai đoạn 3 từ ngày 25/7 tới nay, chúng ta ghi nhận 534 ca lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến Đà Nẵng.

Trong giai đoạn thứ nhất, nguồn lây nhiễm chính là nhóm người đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Với việc truy xét và phong tỏa kịp thời các khu vực liên quan trực tiếp, sau chừng 3 tuần, ca nhiễm cuối cùng được phát hiện và 3 tuần tiếp sau đó, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Ở giai đoạn 2, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/3 là Bệnh nhân số 17, nhập cảnh từ Anh. Giai đoạn này cho thấy nguồn lây nhiễm chính (F0) cơ bản là người nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước thuộc vùng dịch. Các chính sách chủ yếu đối phó bao gồm (i) truy nguồn F0 và các F1, F2…, (ii) kiểm soát nguồn F0: từ rà soát dịch tễ tại sân bay đối với người về từ vùng dịch đến cách ly tập trung với tất cả những người nhập cảnh; từ hạn chế nhập cảnh đối với các nước thuộc vùng dịch đến sau cùng là đóng cửa hoàn toàn các chuyến bay quốc tế, (iii) đối với trong nước, từ hạn chế hoạt động giáo dục đến phong tỏa từng khu phố có dịch tới giãn cách một số địa phương và cao nhất là giãn cách toàn xã hội, hạn chế giao thông giữa các vùng miền.

Trong giai đoạn này, ngoài các ca F0 là người nhập cảnh trong các chuyến bay chưa kịp cách ly có một số ít ca mất dấu F0 như cụm Buddha Bar, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân số 237, 268…

Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn 2 và 3, các ca bệnh được phát hiện ngay khi nhập cảnh hoặc trong thời gian cách ly, trên nguyên tắc không gây lây nhiễm cộng đồng.

Các giả thuyết về nguồn lây nhiễm giai đoạn 3

Một giả thuyết về nguồn lây nhiễm ở giai đoạn 3 được nhiều người nhắc tới nhất là từ người nhập cảnh trái phép. Giả thuyết này được củng cố thêm khi nam thanh niên người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP.HCM trở thành bệnh nhân số 912. Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là nguồn lây nhiễm duy nhất.

Rà soát lại các giai đoạn trước có thể thấy, giữa giai đoạn 1 và 2, các chuyến bay quốc tế về Việt Nam hầu như không được kiểm soát chặt chẽ. Việc cách ly tập trung bắt đầu vào 25/2 với nhóm hành khách về từ Dague và Bắc Gyewongsang Hàn Quốc, tiến tới từ 28/2 cách ly toàn bộ khách về từ Hàn Quốc; sau khi phát hiện BN17 thì đến 15/3 mới cách ly tập trung với tất cả hành khách đến từ vùng dịch châu Âu.

Như vậy nếu không có những biểu hiện bệnh rõ rệt hoặc không tự giác khai báo thì rất nhiều người có thể có mầm bệnh đã không được cách ly tập trung trong giai đoạn từ đầu mùa dịch đến giữa tháng 3 (khi tất cả hành khách nhập cảnh đều phải cách ly tập trung).

Sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17, các biện pháp phòng chống dịch được triển khai nghiêm cẩn, mức độ chặt chẽ gia tăng nhanh chóng và sau chừng 6 tuần, Bộ Y tế thông báo các ổ dịch được kiểm soát, không còn ca nhiễm trong cộng đồng.

Việc không làm rõ F0 với một số trường hợp giai đoạn 2 và thực tế nhiều ca nhiễm bệnh không biểu hiện đặt dấu hỏi về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Thứ nhất, liệu có mầm bệnh trong cộng đồng chưa được ghi nhận? Thứ hai, vẫn còn những trường hợp chưa được xét nghiệm để phát hiện hoặc xét nghiệm bị âm tính giả?

Thứ ba, không loại trừ việc cách ly các chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu và thậm chí những người nhập cảnh phải cách ly tập trung có kẽ hở. Không chỉ bởi những tình huống như từng xảy ra tại Bạc Liêu mà giai đoạn 3 còn cho thấy ngay cả cán bộ y tế, cán bộ làm nhiệm vụ canh gác cũng có thể bị lây nhiễm.

Mặt khác, nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, thậm chí sau 4 lần xét nghiệm mới ghi nhận kết quả dương tính, có chuyên gia nước ngoài về nước thì phát hiện dương tính Covid-19.

Do đó, chuyên gia nước ngoài và người nhập cảnh sau thời gian cách ly 14 ngày nếu không tự cách ly nghiêm túc và được kiểm tra theo dõi chặt chẽ tiếp thì cũng có thể vẫn có mầm bệnh Covid-19 lây nhiễm ra cộng đồng.

Nguồn lây nhiễm thứ tư, tuy khả năng tồn tại và phát tán thấp nhưng cũng được thế giới đề cập là tình trạng virus Covid-19 bám trên bề mặt hàng hóa nhập khẩu từ nước thuộc vùng dịch.

Điểm khác biệt giữa các làn sóng

Kết quả chống dịch ở Việt Nam trong giai đoạn đầu được cả thế giới đánh giá cao và không thể phủ nhận nỗ lực, quyết tâm và các chính sách phòng, chống dịch một cách chặt chẽ, thận trọng đúng đắn của nhà nước cũng như tinh thần hợp tác, ý thức tự giác chấp hành, tuân thủ của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận giai đoạn này có những yếu tố khách quan may mắn nếu không nhận diện rõ có thể sẽ hình thành sự chủ quan trong phòng, chống dịch ở các giai đoạn sau.

Thứ nhất, tỷ lệ mắc Covid-19 trong các trường hợp được xét nghiệm ở Việt Nam là 0,2%, rất thấp so với tình hình chung trên thế giới (tính đến 14/4), mặc dù nhóm được xét nghiệm ở Việt Nam là nhóm có chọn lọc (có liên quan tới các ca nhiễm bệnh chứ không phải xét nghiệm đại trà).

Trung bình số ca nhiễm Covid-19 trên tổng số trường hợp được xét nghiệm của 14 nước châu Á giai đoạn đó là 4,8% trong khi của nhóm 10 nước có số ca nhiễm nhiều nhất là 20,4%.

Thứ hai, tỷ lệ tử vong so với số ca nhiễm cũng rất thấp bởi thực tế giai đoạn này Việt Nam không có ca tử vong nào trong khi trung bình (số ca tử vong trên số người ghi nhận mắc Covid-19) trên thế giới là 6,84%, nhóm 10 nước có số ca nhiễm nhiều nhất là 8,67% và nhóm 14 nước châu Á là 2,51%.

Điều này có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân: (i) tuổi trung bình các ca nhiễm Covid-19 khá trẻ (36 tuổi), (ii) ngay cả đối với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai thì đa số nhiễm bệnh là người nhà bệnh nhân, nhân viên công ty Trường Sinh… nhưng hầu như không có bệnh nhân có bệnh lý nền nặng bị lây nhiễm, (iii) phần lớn các ca nhiễm được phát hiện tương đối sớm nên nếu có trở nặng cũng đã được theo dõi và can thiệp kịp thời một cách tối ưu và sau cùng, (iv) trong bối cảnh số ca nhiễm thấp, lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị y tế có thể tập trung khá dồi dào, chăm sóc kỹ lưỡng cho từng bệnh nhân, nhất là đối với các ca bệnh nặng.

Nhìn vào tình hình dịch bệnh trong giai đoạn 3, có một số điểm khác biệt cơ bản với các giai đoạn trước cần được nhận diện.

Thứ nhất, giai đoạn này ghi nhận tỷ lệ tử vong gia tăng. Xét trên tổng thể, tỷ lệ tử vong (số ca tử vong trên tổng số ca ghi nhận nhiễm) hiện nay ở Việt Nam là 2,54%, thấp hơn so với mức bình quân của thế giới là 3,52%.

Tuy nhiên, nếu xét trên mẫu cụ thể là nhóm bệnh nhân liên quan đến Đà Nẵng ghi nhận trong giai đoạn 3 tới nay thì tỷ lệ này là 4,95%; nếu tính riêng Đà Nẵng thì tỷ lệ này lên tới 6%. Tỷ lệ tử vong cao do (i) nhóm bị nhiễm bệnh có bệnh lý nền khá nặng thêm nữa (ii) phát hiện Covid-19 khá muộn nên khó trở tay hơn.

Điểm khác biệt thứ hai là tình trạng lây nhiễm chéo trong hệ thống bệnh viện. Việc giai đoạn 3 này ghi nhận nhiều y bác sĩ bị lây nhiễm virus hơn so với giai đoạn 2 bên cạnh nguyên nhân thời gian ủ bệnh lâu cũng cần rà soát lại quy trình phòng chống Covid-19 nói riêng, phòng chống lây nhiễm chéo nói chung của hệ thống y tế.

Sau cùng, một điểm khác biệt quan trọng là tốc độ và mức độ lây nhiễm cộng đồng nhanh, mạnh hơn các giai đoạn trước. Bên cạnh nguyên nhân có thể là do virus chủng mới, hai nguyên nhân cần được xem xét là tình trạng tạm gọi là “xét nghiệm âm tính giả” và thái độ thiếu thận trọng của người dân từ sau giai đoạn 2.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy hệ quả của xét nghiệm âm tính giả khi nhiều trường hợp người dân từ vùng dịch về được xét nghiệm (xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR) ra kết quả âm tính, chủ quan không tự cách ly chặt chẽ, thậm chí vẫn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng đông người dẫn đến khả năng lây lan gia tăng.

Tình trạng xét nghiệm âm tính giả cũng nhắc nhở chúng ta phải hết sức thận trọng với việc các bệnh nhân từ ổ dịch được chuyển đi nơi khác (ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc thậm chí sau 14 ngày cách ly chung cùng bệnh viện) cũng cần được giám sát chặt chẽ và thực hiện các biện pháp y tế nhằm hạn chế lây nhiễm chéo, lây lan rộng ra bệnh viện khác.

Một số khuyến nghị

Các làn sóng Covid-19 trở đi trở lại, đợt sau mạnh hơn đợt trước và khả năng vẫn còn tiếp diễn. Từ các số liệu thực tế có thể thấy độ tuổi không phải là bảo chứng, giới tính cũng không có sự khác biệt trong khả năng nhiễm Covid-19. Nhằm hạn chế thiệt hại về người và kiểm soát bệnh dịch tốt hơn, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau.

Thứ nhất, để hạn chế ca bệnh nặng dẫn đến khả năng tử vong, cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao. Đó là nhóm bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt các loại bệnh nền như thận, tiểu đường... Điều này đòi hỏi thiết lập quy trình y tế chặt chẽ tại bệnh viện và ý thức, phương pháp tự phòng ngừa đối với các gia đình có bệnh nhân ngoại trú.

Thứ hai, thông tin dữ liệu khai báo y tế cần có tính hệ thống, có tính bắt buộc cao, quản lý bảo mật tốt, đặc biệt ở những nơi liên quan chặt chẽ với khả năng lây lan như hệ thống giao thông vận tải hành khách (đặt mua vé máy bay, tàu hỏa, xe buýt…), hệ thống bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, trường học, công sở đông người; (tránh mất thời gian người dân mỗi nơi mỗi khai báo và ngược lại khai báo hình thức).

Thứ ba, việc xét nghiệm, rà soát y tế nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc Covid-19 cần được thực hiện một cách có hệ thống và thường xuyên tại các bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất có liên quan (bệnh nhân, khách hàng thăm khám, mua thuốc liên quan đến các triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, viêm họng, khó thở…).

Thứ tư, cũng tinh thần như trên, người dân cần xây dựng, hình thành thái độ và hành vi phòng ngừa thường trực (thực sự là bình thường mới) chứ không phải hành vi ứng phó mang tính thời đoạn.

Sau cùng và đặc biệt quan trọng chính là nhận diện đúng, đủ các nguồn xâm nhập và lây nhiễm cộng đồng đi cùng với việc quản lý, chế tài nghiêm ngặt (nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, thực hiện cách ly tập trung, cách ly theo yêu cầu hoặc/và cách ly tại nhà không chặt chẽ, vệ sinh dịch tễ của nguồn hàng nhập khẩu…).

Trần Thị Quế Giang

Bạn có thể quan tâm