Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ngày 1/8, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân từ khắp nơi chuyển về sinh sống và làm việc tại tỉnh.
Vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương rất lớn nhưng thực tế khả năng mua được căn nhà đối với nhiều người lao động còn khó khăn do nguồn thu nhập còn hạn chế.
Doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đặt chỉ tiêu phấn đấu kêu gọi đạt 2 triệu m2 sàn để bán, cho thuê. Đến năm 2020, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào 1,8 triệu m2 sàn nhà ở.
Trong đó, doanh nghiệp phát triển mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất đã được quy hoạch từ khi quy hoạch các khu công nghiệp, đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động khoảng trên 100-160 triệu đồng/căn, kết hợp với chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để các đối tượng có khả năng tiếp cận.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1,5 triệu người. Tuy nhiên, các khu nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư từ những năm 2000 không bảo đảm vệ sinh, môi trường, rất chật hẹp, chất lượng chưa cao, không hỗ trợ công tác phòng chống cháy, nổ khi có sự cố xảy ra...
UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ảnh: VGP. |
Về phía doanh nghiệp, đại diện Becamex Bình Dương cho biết đơn vị đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m2; tiến tới có thể xây dựng 120.000 căn hộ.
Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, doanh nghiệp này sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn Sun Group, dẫn Luật Nhà ở quy định đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội và cho rằng quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.
Vì vậy, ông Trường xin kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức, cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Đồng thời, Chủ tịch HĐQT của Sun Group kiến nghị doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho rằng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.
"Chúng tôi phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội", đại diện tập đoàn Vingroup nói và đề xuất cơ chế chỉ định thầu cho chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội, thay vì đấu thầu. Các chỉ tiêu vẫn do cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất được rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội từ tối thiểu 600 ngày xuống còn 90-120 ngày.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, từ chiều 31/7 đến sáng 1/8, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký 1,28 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân.
"Ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy có nhiều ưu đãi để kích thích động viên phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Nhưng qua đó, cũng thấy rằng tiến độ, thủ tục đầu tư liên quan tới quy định còn rất nhiều vấn đề có thể giảm bớt, ví dụ như về tiền kiểm, hậu kiểm để có nhà ở xã hội, phương án phân phối", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hoàn thành 1,2 triệu căn hộ từ nay đến năm 2030
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn. Tổng diện tích 7,79 triệu m2. Ngoài ra, 401 dự án với quy mô 455.000 căn đang được triển khai.
"Với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và những yêu cầu đặt ra. Do đó, việc này cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới", ông Nghị nói.
Về những khó khăn trong quá trình triển khai, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại.
Khu nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đề nghị Bộ Xây dựng rà soát và tính toán lại vì với 450.000 căn hộ vào năm 2025 và 1 triệu căn vào năm 2030 là chưa phù hợp nhu cầu.
"Số công nhân lao động ở thuê, ở trọ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ là 3,4 triệu lao động. Nếu tính cả gia đình của người lao động thì tổng diện tích cần là 34 triệu m2, chưa tính đến nhu cầu nhà ở xã hội cho hàng triệu hộ nghèo và người có thu nhập thấp khác", ông Hồi dẫn số liệu.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
"Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin", Thủ tướng yêu cầu.